23/09/2013 03:51 GMT+7

Sách và những kỳ vọng khai minh

trunguyen-audio
trunguyen-audio

TT - Lễ trao giải thưởng Sách hay lần thứ 3 (tại TP.HCM sáng 22-9) bất ngờ có thêm chương trình tọa đàm với nội dung Sách và khai minh, như một phần trao đổi giữa ban tổ chức và công chúng đọc sách.

sN7FX1xW.jpgPhóng to
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và dịch giả Quế Sơn (từ trái sang) nhận giải văn học - Ảnh: L.Điền

Bảy hạng mục giải Sách hay năm nay đều có điểm gặp nhau ở tinh thần khai minh, với ngụ ý những trí thức, người đọc sách Việt Nam hiện nay hãy tiên phong trong cuộc khai minh mới - điều đang rất cần trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Hòa hợp, hội ngộ

Mọi người trong khán phòng trao giải Sách hay 2013 đã ồ lên vỗ tay khi nghe xướng tên tác giả đầu tiên của hạng mục đầu tiên - sách nghiên cứu: Tạ Chí Ðại Trường. Trên bục, GS Chu Hảo - người giới thiệu hạng mục sách nghiên cứu - nói thêm mấy lời chia sẻ: "Mỗi một giải thưởng của Sách hay đều có một thông điệp đến cộng đồng. Chúng tôi trao giải nghiên cứu cho Tạ Chí Ðại Trường để nói lên tinh thần hòa hợp, không phân biệt Nam Bắc, không phân biệt văn học nghệ thuật trước giải phóng hay sau giải phóng, không phân biệt trong nước hay nước ngoài". Ðây cũng là tinh thần đáng quý của giải thưởng Sách hay.

Trong số các giải năm nay, nếu kể cả dịch giả Quế Sơn từ Canada về định cư tại Việt Nam vừa được giải sách dịch văn học với tác phẩm Nắng tháng tám của Faulkner lừng danh, còn có đến bốn tác giả, dịch giả đang định cư ở nước ngoài: Lê Tất Ðiều với tập Những giọt mực, Nguyễn Văn Tuấn với Ði vào nghiên cứu khoa học, Nguyễn Hồi Thủ với 7 tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai, và Tạ Chí Ðại Trường với Thần, người và đất Việt. Và như vậy, giải Sách hay thật sự là một cuộc hội ngộ của trí thức, "là dịp gặp gỡ và cùng ngồi lại của các nhân sĩ, trí thức, học giả, tác giả, dịch giả, giới doanh nhân, giới học thuật, giới văn nghệ sĩ, giới trẻ... là những người tâm huyết, để cùng sẻ chia, bàn bạc nhằm hướng đến những giải pháp thiết thực góp phần chấn hưng nền tri thức - văn hóa của nước nhà", như lời học giả Bùi Văn Nam Sơn thay mặt hội đồng trao giải Sách hay chia sẻ.

Tự do học thuật từ... thuở bé thơ

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt không giấu niềm vui khi cho biết cả năm thành viên hội đồng xét tuyển hạng mục sách thiếu nhi năm nay đều nhất trí bỏ phiếu cho tác phẩm Totto-chan bên cửa sổ. Giải thưởng này là tín hiệu vui mới cho quyển sách đã tròn 30 năm kể từ ngày ấn bản đầu tiên được phát hành tại Nhật Bản.

"Ðây là một quyển sách thiếu nhi tuyệt vời - TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ - Ðọc quyển sách này mới thấy cái khẩu hiệu "mỗi ngày đến trường là một niềm vui" ở ta vẫn hãy còn ở... trên khẩu hiệu. Còn trong thực tế thì người Nhật đã làm rất hay, rất xúc động. Giáo dục tiểu học trước hết là làm sao cho trẻ con yêu thích chuyện đi học chứ không phải yêu thích các khối lượng kiến thức... Tập sách Totto-chan bên cửa sổ có giá trị đánh động những suy nghĩ trong người lớn về trẻ con".

Hai giải văn học năm nay thuộc chuỗi đề tài về thân phận con người, trong đó khát vọng tự do của Biển và chim bói cá (tác giả Bùi Ngọc Tấn) được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trích thuật: "Những con người trên bờ dưới nước giăng lưới đánh bắt cá và cả đánh bắt nhau, họ vùng vẫy tìm cách thoát thân trong một tấm lưới vây bọc mình của cơ chế, của xã hội". Nắng tháng tám được trao giải với kỳ vọng "rồi bản sắc con người sẽ được tìm lại, cái hồn nhiên nguyên thủy của con người sẽ được khôi phục".

Bên cạnh đó, tác phẩm viết đoạt giải hạng mục sách giáo dục là Ði vào nghiên cứu khoa học được hội đồng đánh giá cao ở tinh thần kêu gọi: khoa học phải dựa trên tinh thần tự do học thuật. Sự tự do đó còn gặp lại ở quyển Chiến lược đại dương xanh (hạng mục sách quản trị): tìm kiếm thị trường không cạnh tranh thay vì xông vào cạnh tranh, và tìm kiếm những nhu cầu mới của khách hàng chưa được biết đến hơn là tranh nhau phục vụ nhu cầu của khách hàng.

LAM ĐIỀN

Bảy hạng mục giải thưởng Sách hay năm 2013

1/ Nghiên cứu: sách viết: Thần, người và đất Việt (Tạ Chí Ðại Trường, NXB Văn Hóa Thông Tin); sách dịch: Xứ Ðàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (Li Tana, Nguyễn Nghị dịch, NXB Trẻ).

2/ Giáo dục: sách viết: Ði vào nghiên cứu khoa học (Nguyễn Văn Tuấn, NXB Tổng Hợp TP.HCM); sách dịch: 7 tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai (Edgar Morin, Nguyễn Hồi Thủ dịch, NXB Tri Thức).

3/ Kinh tế: sách viết: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012: Ðối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế (nhóm chuyên gia VEPR, Thái Hà và NXB ÐHQG Hà Nội); sách dịch: Tại sao các quốc gia thất bại (Daron Acemoglu - James A. Robinson, nhóm dịch giả NXB Trẻ).

4/ Quản trị: sách viết (không có); sách dịch: Chiến lược đại dương xanh (Chan Kim - Renee Mauborgne, Phương Thúy dịch, AlphaBooks và NXB Tri Thức).

5/ Thiếu nhi: sách viết: Những giọt mực (Lê Tất Ðiều, Phương Nam Book và NXB Văn Hóa - Văn Nghệ); sách dịch: Totto-chan bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi, Trương Thùy Lan dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học).

6/ Văn học: sách viết: Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn); sách dịch: Nắng tháng tám (William Faulkner, Quế Sơn dịch, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn).

7/ Phát hiện mới: sách viết: Chuyện nghề của Thủy (Trần Văn Thủy - Lê Thanh Dũng, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn), Giã biệt hoang vu (Nguyễn Hàng Tình, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn); sách dịch: Chuyên ngành cơ khí (nhóm tác giả, nhóm dịch giả, Quỹ TBKTSG, Tổ chức VSW, NXB Trẻ).

trunguyen-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên