​Sách giáo khoa Hoàng Sa vào trường học

ÐOÀN CƯỜNG
ÐOÀN CƯỜNG

TT - Sau Tết Nguyên đán 2015, Sở Giáo dục - đào tạo TP Ðà Nẵng sẽ cho in gần 100.000 cuốn sách giáo khoa (SGK) Lịch sử Ðà Nẵng dành cho học sinh THPT và THCS.

Hai cuốn sách đưa Hoàng Sa vào chương trình giảng dạy cho học sinh của TP Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường

Ngay sau khi in xong, sách sẽ được đưa vào giảng dạy cho khoảng 60.000 học sinh (HS) THCS và 40.000 học sinh THPT. Cuốn sách sẽ đưa Hoàng Sa vào giảng dạy một cách chính thức nhất từ trước tới nay.

Sách không chỉ đề cập đến lịch sử của quần đảo Hoàng Sa mà còn rất nóng hổi, thời sự với những sự kiện mới vừa diễn ra như việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tàu của ngư dân Ðà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm...

Giáo dục Hoàng Sa trong chính khóa

Chia sẻ về việc ra đời sách Lịch sử Ðà Nẵng dành cho HS THCS và THPT, thầy Nguyễn Minh Hùng - phó giám đốc Sở GD-ÐT TP Ðà Nẵng, chủ biên - cho biết ngày 18-7-2014 tại kỳ họp thứ 10, HÐND TP Ðà Nẵng có thông báo chỉ đạo Sở GD-ÐT TP Ðà Nẵng đưa phần giáo dục Hoàng Sa vào trong chương trình chính khóa THCS, THPT để giáo dục HS về vùng lãnh thổ trực thuộc TP Ðà Nẵng là huyện Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Cùng với đó, theo quy định của Bộ GD-ÐT, trong khung chương trình các cấp học phải có các tiết dạy giáo dục địa phương.

Chủ trương này phù hợp với nhu cầu thực tiễn là ngành giáo dục cần có một giáo trình, tài liệu dạy học cho HS về chủ quyền đối với Hoàng Sa cũng như những giá trị lịch sử đối với truyền thống của Ðà Nẵng từ khi thành lập cho đến nay.

Ngay lập tức, các nhà giáo dày dạn kinh nghiệm đã bắt tay vào thu thập tư liệu, biên soạn hai cuốn SGK.

Theo thầy Hùng, với cuốn SGK dành cho THCS gồm bảy bài rải đều từ lớp 6 đến lớp 9, cuốn dành cho THPT có bốn bài với dung lượng số tiết, bài học phù hợp. HS mua một cuốn sách và có thể học trong suốt các năm học tiếp theo.

Như học sinh lớp 6, các em không chỉ học bài của lớp 6 mà có thể tham khảo các bài của lớp 7, 8, 9 trong cùng một cuốn.

Sách dành cho THCS, với lớp 6 HS được học tổng quan về TP Ðà Nẵng, vị trí của Ðà Nẵng từ khi thành lập vùng đất, cha ông đặt chủ quyền vùng đất như thế nào? Lớp 9 được học về thời kỳ chống Pháp, Mỹ và thời kỳ xây dựng đất nước từ 1975 đến nay, dung lượng kiến thức vừa phải.

Với cấp THPT, cũng theo phân kỳ lịch sử nhưng đi sâu hơn, tầm nhìn của cha ông mình vươn ra biển như thế nào? Trong đó, đi sâu vào quần đảo Hoàng Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng này xuất hiện từ thời Ðại Việt trên cứ liệu lịch sử như thế nào? Nhà Nguyễn bố trí quốc phòng chống quân xâm lược như thế nào?

Quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn từ năm 1802-1884 thuộc nước ta và chúng ta sẽ chứng minh được chủ quyền từ triều Nguyễn bằng những cứ liệu, bản đồ, văn bản của nhà Nguyễn. Quần đảo Hoàng Sa từ năm 1884-1954 trực thuộc Ðà Nẵng như thế nào?

Từ 1954 đến nay, quần đảo Hoàng Sa trong mối quan hệ với Ðà Nẵng với đất nước ta như thế nào?

Thầy Hùng cũng chia sẻ thêm: “Vấn đề Hoàng Sa được đề cập cho đến thời điểm bây giờ. Như việc ngày 26-5-2014, tàu cá ÐNa 90152 của ngư dân Ðà Nẵng bị tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Các hoạt động xung quanh việc lên án Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam khi đưa giàn khoan 981 vào. Những hoạt động triển lãm bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa... đều được đưa vào sách”.

Hay như tại kỳ họp HÐND năm 2010, Ðà Nẵng thông qua việc đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa. Rồi tháng 4-2014, tại quân cảng Vùng 3 hải quân đóng tại Ðà Nẵng, Bộ NN&PTNT ra mắt Lực lượng kiểm ngư VN...

Những chi tiết ghi dấu mốc quan trọng, ghi dấu ấn đều được đưa vào sách. Nếu là sự kiện lịch sử thì đưa vào bài học chính, còn nếu dài quá thì đưa ra phần phụ lục.

Sách còn đề cập đến những chuyện gần gũi với HS như ý nghĩa biểu tượng của TP Ðà Nẵng là gì? Những chiếc cầu trên sông Hàn ra đời như thế nào? Những nhân vật lịch sử mà lâu nay các em đi trên đường chỉ biết bảng tên đường...

“Do tuổi các em chỉ 17 trở xuống nên đưa những vấn đề gì chính xác, căn gốc thôi. Khi viết lịch sử trong nhà trường, quan điểm đầu tiên là sự chọn lựa. Không thể bày ra trên mâm thức ăn quá nhiều thứ” - thầy Hùng chia sẻ.

Theo thầy Hùng, trước khi có việc chỉ đạo của lãnh đạo TP Ðà Nẵng về việc đưa Hoàng Sa vào giảng dạy, Sở GD-ÐT cũng có hướng dẫn các trường biên soạn nội dung về địa phương để bổ trợ thêm cho HS. Nhưng từ khi có sự chỉ đạo của HÐND thì mới biên soạn một cách công phu, bài bản hơn.

“Là một công dân của Ðà Nẵng, cái tối thiểu nhất các em phải nhớ, phải hiểu về lịch sử của thành phố, đất nước mình ở những thời điểm quan trọng nhất. Từ đó các em mới có được sự tự hào, niềm tin vào Tổ quốc, niềm tin vào thành phố mình. Rồi mới nói đến việc mình làm gì để bảo vệ, phát huy giá trị của cha ông đã để lại. Các em từng thấy một Hoàng Diệu, một Trần Cao Vân, Nguyễn Tri Phương... đã bỏ cả tài năng, xương máu cho đất nước này, thành phố này. Chính thế hệ các em sẽ là người nối tiếp. Còn nếu không hiểu, không nắm như vậy là vong bản, làm sao có thể tự hào về quê hương đất nước, làm sao mà gìn giữ, bảo vệ, đấu tranh được” - thầy Hùng nói.

Háo hức chờ

Khi nghe tin Sở GD-ÐT TP Ðà Nẵng chuẩn bị in SGK giảng dạy về Hoàng Sa trong trường học, ông Huỳnh Ðình Quốc Thiện - chánh văn phòng Hội Sử học Ðà Nẵng - cho biết: “Quá ý nghĩa và thiết thực trong việc giáo dục chủ quyền đối với Hoàng Sa của Việt Nam trong HS. Ðiều này đặc biệt cần kíp bởi Hoàng Sa là một đơn vị hành chính của TP Ðà Nẵng”.

Theo ông Thiện, lâu nay sách viết về Hoàng Sa rất nhiều nhưng một cuốn SGK để dạy trong trường học thì chưa.

Còn thầy Phạm Ðình Ðược - giáo viên dạy lịch sử (Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Ðà Nẵng) - cho biết: “Thực tế hiện nay việc đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa giáo viên chỉ lồng ghép một số bài như khi dạy về nhà Nguyễn, nói đến công và tội thì có đề cập đến vấn đề này. Nhưng chủ yếu dựa vào tự soạn, bổ sung kiến thức từ giáo viên có đưa vào hay không, còn SGK không có đề cập đến”.

Hoặc nhà trường tự tổ chức cho HS đi tham quan bảo tàng để tìm hiểu thêm. Thầy Ðược cho rằng Sở GD-ÐT Ðà Nẵng xuất bản cuốn sách đưa Hoàng Sa vào trường học rất cần thiết, không chỉ giáo viên mà nhiều học sinh cũng chờ đợi để được cầm trên tay cuốn sách đó. “Chúng tôi rất háo hức chờ cuốn SGK chính thức đưa vấn đề Hoàng Sa vào giảng dạy, còn trước đó giáo viên tự mày mò đưa thêm vào bài học” - thầy Ðược tâm sự.

Em Phan Anh Dũng (lớp 12/7 Trường THPT Ngũ Hành Sơn) nói: “Nếu có SGK dạy một cách chính thức về Hoàng Sa thì còn gì bằng. Em nghĩ không ai khác mà chính HS Ðà Nẵng cần phải hiểu rõ hơn ai hết về quần đảo Hoàng Sa - một đơn vị hành chính của thành phố”.

Không chỉ là sách...

“Có thể nói thiết kế này chưa thể đầy đủ như mong đợi, nhưng đây là một nỗ lực để tất cả học sinh hiểu tương đối toàn diện về lịch sử của thành phố này. Quá trình phát triển, đến nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, việc mở mang bờ cõi về phía Nam... cắt nghĩa những di tích, nhân vật nổi tiếng sinh ra ở Đà Nẵng. Và cũng rất thời sự vì sao Đà Nẵng lại là thành phố đáng sống, thành phố của những cây cầu, tầm nhìn của Đà Nẵng. Có những kiến thức không tiện đưa vào chính thức sẽ có phần phụ lục (khoảng 25 trang) để giải thích thêm” - thầy Hùng cho biết.

Cũng theo thầy Hùng, hai cuốn sách này (số trang không nhiều, 79 trang THCS và 71 trang THPT) không chỉ là tài liệu giáo khoa cơ bản cho học sinh mà những người dân của Đà Nẵng nếu muốn tìm hiểu một cách cơ bản cũng có thể đọc.

ÐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên