SGK bản giấy sẽ có sự “cạnh tranh” từ SGK điện tử? - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thông tin này đang khiến dư luận quan tâm, trong đó có cả các đơn vị muốn tham gia việc biên soạn sách. Tuổi Trẻ cũng đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc thiết kế phiên bản điện tử sách giáo khoa (SGK) như thế nào nhưng chưa có câu trả lời.
SGK điện tử có gì?
Năm 2012, sau 3 năm NXB Giáo Dục Việt Nam kết hợp với đối tác Hàn Quốc thử nghiệm đã cho ra mắt SGK điện tử và dự kiến triển khai trên thiết bị học tập chuyên dụng Classbook.
Theo lãnh đạo NXB Giáo Dục Việt Nam khi đó, Classbook cài sẵn nội dung SGK bản in đang sử dụng trong các nhà trường được số hóa. Ngoài ra, thiết bị có trên 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng với các độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, từ đó đến nay sản phẩm trên của NXB Giáo Dục không phát triển được do vấp phải nhiều khó khăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về khái niệm SGK điện tử, ông Trương Lương, phụ trách dự án SGK điện tử của NXB Giáo Dục, cho rằng cách hiểu như thế nào về SGK điện tử hiện nay cũng khác nhau. Việc số hóa SGK giấy để có thể truy cập trên máy tính cũng có thể gọi là SGK điện tử. Nhưng các sản phẩm SGK điện tử thường đi kèm các ứng dụng để người học tương tác, tham khảo tài liệu bổ trợ.
SGK điện tử - Nguồn classbook.vn
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, người có kinh nghiệm trong biên soạn SGK - cho rằng SGK điện tử khác với bản điện tử của SGK giấy.
Để sử dụng thuận lợi và phát huy được thế mạnh của sách điện tử thì việc thiết kế sách điện tử không đơn thuần là "bê" nguyên nội dung sách giấy lên. "SGK điện tử phải có thêm phần tương tác để tự học, tự kiểm tra, có thể truy cập các nguồn tài liệu bổ trợ được sắp xếp khoa học, hợp lý" - ông Thuyết bày tỏ.
Lợi và hại
“Liệu SGK điện tử có tham gia cạnh tranh công bằng như những SGK giấy không, hay đó chỉ là sản phẩm cộng thêm? Bởi nếu nó cạnh tranh như một sản phẩm SGK độc lập thì rất có thể do mối quan hệ hợp tác mà các địa phương quyết định chọn sách điện tử thay thế sách giấy, và kèm theo đó phụ huynh phải đầu tư thiết bị điện tử đắt tiền để dùng”
Một phụ huynh ở Hà Nội
Học sinh sẽ không phải vác cặp sách với những quyển SGK nặng đến trường, mà chỉ cần tìm tất cả các cuốn sách cần dùng trên một thiết bị điện tử - đây là một lợi thế mà bất cứ ai cũng thừa nhận khi nhắc đến ưu điểm của SGK điện tử.
Ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng khi Bộ GD-ĐT đưa phiên bản SGK điện tử lên mạng, các tổ chức, cá nhân biên soạn khác cũng có phiên bản điện tử để giáo viên, học sinh truy cập miễn phí thì sẽ rất có lợi. Cũng nói về cái lợi, theo ông Trương Lương, có SGK điện tử thì không lo việc thiếu SGK cục bộ như SGK giấy.
Tuy vậy, những bất lợi từ SGK điện tử vẫn mang đến nhiều băn khoăn hơn. Mặc dù như ông Trương Lương cho biết có thể sử dụng phần mềm tải SGK điện tử về mà không cần thiết bị chuyên dụng đắt tiền, nhưng đây vẫn là vấn đề khó triển khai trên diện rộng trong điều kiện dân trí, điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ thông tin của các địa phương có sự chênh lệch lớn.
"Việc số hóa SGK sẽ tùy thuộc vào chính sách của mỗi đơn vị xuất bản và chắc chắn họ có những giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn việc vi phạm bản quyền (in lậu, sửa chữa, làm sai lệch nội dung...). Nhưng trong bối cảnh một chương trình nhiều SGK thì việc bộ SGK điện tử do Bộ GD-ĐT chủ trì được đưa lên mạng có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xuất bản SGK giấy" - ông Trương Lương dự đoán.
Chia sẻ về băn khoăn sợ trẻ học sách điện tử sẽ có hại cho sức khỏe và thị lực, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chỉ nên tránh lạm dụng sách điện tử đối với học sinh chưa biết nói, vì như thế trẻ sẽ say mê thiết bị điện tử mà hạn chế tương tác trực tiếp dẫn tới hạn chế về ngôn ngữ.
Tại lễ ra mắt sách Classbook của NXB Giáo Dục Việt Nam, trong vai khách mời, GS Ngô Bảo Châu cũng thừa nhận những ưu điểm của sách điện tử, ví dụ cha mẹ có thể theo dõi quá trình học hành của con cái.
Tuy vậy, ông cho biết ở nước ngoài có ứng dụng SGK điện tử nhưng chưa có nơi nào ứng dụng tổng thể. Việc ứng dụng diện rộng SGK điện tử ở Việt Nam phải cân nhắc nhiều yếu tố như học sinh cần thiết bị sử dụng SGK điện tử nhưng giá thành cao, học sinh vùng khó khăn không thể tiếp cận...
* PGS.TS Trương Anh Hoàng (Trường ĐH Công nghệ ĐH Quốc gia Hà Nội, cố vấn phát triển Sách Mềm):
Chỉ số hóa vẫn khó thay thế sách giấy
Việc số hóa SGK cũng nên làm vì không chỉ giáo viên, học sinh mà cả phụ huynh dễ dàng nắm bắt được nội dung kiến thức con em mình đang học. Tuy nhiên, nếu chỉ số hóa thì phiên bản điện tử vẫn khó thay thế sách giấy và học sinh cũng ít dùng nếu nó không có những tiện ích, giá trị gia tăng.
Vì thế, nếu xác định rõ những nội dung mở rộng hay tính năng gì của phiên bản điện tử thì phiên bản điện tử này sẽ phát huy được tác dụng tốt hơn.
Khi có một chương trình nhiều bộ sách thì việc tham khảo trước các phiên bản điện tử của bộ sách khác sẽ được nhiều người quan tâm vì thường sách điện tử rẻ hơn, nhưng bảo vệ bản quyền là vấn đề khó trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, tôi nghĩ nếu việc số hóa được tính từ đầu, cùng lúc làm sách giấy thì việc ứng dụng CNTT hỗ trợ sách giấy sẽ thuận lợi hơn. Còn khi sách giấy đã hoàn thành rồi mới làm các sản phẩm CNTT bổ trợ thì có thể mất nhiều thời gian và công sức hơn.
Sách giáo khoa điện tử ở các nước thế nào?
Với các nước đã mua sách giấy phát cho học sinh mỗi đầu năm học, chuyển sang SGK điện tử sẽ làm tăng chi phí bởi sách được phân phối theo tài khoản có tính phí và không thể chuyển nhượng.
Giả sử năm nay trường chi 5 USD mua một quyển SGK điện tử cho học sinh A, thì sang năm học mới trường tiếp tục bỏ tiền ra mua đúng quyển sách đó cho học sinh B.
Còn nhiều rào cản khác khiến SGK điện tử chưa thể được ứng dụng rộng rãi như đòi hỏi đầu tư thiết bị và hạ tầng mạng, giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ mới...
Theo báo USA Today, Trường trung học phổ thông Archbishop Stepinac ở White Plains (New York, Mỹ) từng chuyển toàn bộ 40 quyển SGK có trong chương trình học sang dạng sách điện tử, cho phép học sinh đến trường chỉ cần mang laptop hay máy tính bảng thay vì balô nặng nề. Tuy nhiên, đây là chuyện từ năm 2013 và chưa rõ ngày nay chính sách này còn được áp dụng không.
Tháng 9-2010, Nhật công bố chương trình thí điểm phát máy tính bảng cho học sinh sử dụng SGK điện tử tại 10 trường tiểu học. Tuy nhiên, hồi tháng 1-2015, báo Japan Times có bài viết đại ý dùng SKG điện tử giống như mở chiếc hộp Pandora, tức hại nhiều hơn lợi.
Theo bài viết này, tháng 5-2014, Bộ Giáo dục Nhật đã thành lập một hội đồng để xem xét việc thay hẳn sách in bằng SGK điện tử. Tuy nhiên, có nhiều lý do để kế hoạch này không được như ý muốn.
Ngoài các nguyên nhân đã kể trên, Japan Times còn lưu ý chi phí sản xuất SGK điện tử không hề rẻ khi phải trả tiền bản quyền cho các nội dung hình ảnh và video.
Tại Hàn Quốc, nơi từng đặt mục tiêu thay thế toàn bộ SGK giấy bằng sách điện tử vào năm 2015 thì theo báo Washington Post, vào năm 2012, khi chương trình còn đang thí điểm tại 50 trường, Hàn Quốc đã phải sửa đổi mục tiêu thành "dùng SGK điện tử cùng với sách truyền thống" thay vì "thay thế hoàn toàn".
Các giáo viên cho rằng học trên thiết bị di động sẽ làm học sinh xao nhãng và ở lứa tuổi học đường, tốt nhất các em càng ít tiếp xúc với thiết bị điện tử càng tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận