02/08/2013 07:30 GMT+7

Sách du ký được mùa

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Quan sát thị trường sách gần đây có thể thấy sự gia tăng khá bất ngờ của lối viết phi hư cấu (non-fiction). Gia tăng về số lượng người viết và người đọc.

Bd3zvttC.jpgPhóng to
Các quyển sách thuộc dòng sách du ký được xuất bản gần đây
KXudZ5qf.jpgPhóng to
Các quyển sách thuộc dòng sách du ký được xuất bản gần đây
ErGk1pSG.jpgPhóng to
Các quyển sách thuộc dòng sách du ký được xuất bản gần đây
9gesNsXE.jpgPhóng to
Các quyển sách thuộc dòng sách du ký được xuất bản gần đây
JKthnrbJ.jpgPhóng to
Các quyển sách thuộc dòng sách du ký được xuất bản gần đây

Gia tăng về độ gây chú ý và dư luận. Có những du ký được viết từ đầu thế kỷ 20 như của Phạm Quỳnh mà sau khi in chung trong bộ Du ký Việt Nam (ba tập) tuyển chọn các bài đăng trên tạp chí Nam Phong (NXB Trẻ, 2007) thì nay được in riêng một tuyển tập (NXB Tri Thức, 2013). Nhưng nhiều nhất là những du ký mới được viết ra tức thì sau những cuộc đi của những người hôm nay mà phần nhiều là người trẻ, lại phần nhiều nữa là nữ. Có thể kể: Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (Ngô Thị Giáng Uyên), Ðảo thiên đường (Di Li), Trở lại (Nguyễn Nhật Lâm), Xách ba lô lên và đi (Huyền Chip), Một mình ở châu Âu (Phan Việt), Tôi là một con lừa (Nguyễn Phương Mai), John đi tìm Hùng (Trần Hùng John), Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (Trương Anh Ngọc)... Như vậy rõ ràng có một nhu cầu về cái đọc phi hư cấu trong một bộ phận công chúng độc giả hiện nay. Trước hết là ở thể loại du ký.

Hầu như ở mọi thời và mọi nền văn hóa đều có du ký, vì ngay từ thời xưa phương tiện giao thông khó khăn nhưng con người cũng đã phải di chuyển đi đây đi đó vì nhiều lý do. Du ký là thể tài trung gian giữa thực và hư, tự truyện và dân tộc học, nó kết hợp nhiều bộ môn hàn lâm, nhiều phạm trù văn học và nhiều mã xã hội. Nó cũng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến quyền lực và sự tu thân, đến sự biểu hiện văn hóa cũng như sự tưởng tượng. Tóm lại, đi và thấy, cảnh và người, sự và việc, rồi viết ra cảnh ấy người ấy, sự ấy việc ấy, kèm theo nghĩ suy, cảm xúc của mình, có khi còn là phân tích, khảo cứu, ấy là du ký.

Xét theo chủ thể viết thì nhiều tác giả các sách du ký hiện nay là đi nhân một chuyện gì đó của cá nhân rồi về thấy cần nên ghi lại ấn tượng của chuyến đi mà viết ra thành sách. Nguyễn Nhật Lâm và Huyền Chip là tiêu biểu cho dạng này. Ở lại là chuyện một chàng trai trẻ bước đầu thất bại trong kinh doanh đã bỏ lại mọi thứ sau lưng mình để cất bước lên đường. Nhưng chỉ sau một chặng hành trình bất chợt, ngẫu nhiên, vô định, tùy hứng ở mấy nước Ðông Nam Á, anh đã nhận ra một tiếng gọi trong mình.

Trở lại vẫn là lên đường, vẫn là trên đường, nhưng đã có một cái đích mới, một phấn hứng mới. Xách ba lô lên và đi là hành trình của một cô gái tuổi đôi mươi chợt bị đưa đẩy theo hoàn cảnh nhưng đã quyết chí phiêu lưu bằng đầu óc và nghị lực của mình qua nhiều nước, làm nhiều việc, sống nhiều cảnh ngộ, gặp gỡ nhiều người, để rồi càng đi càng phát hiện ra những khả năng đi của mình, càng khao khát đi để khám phá thế giới và bản thân. Ðọc hai cuốn sách này cứ nên quên chuyện thể loại đi mà hãy đọc vào cái viết của nó. Một cái viết rất trẻ trung, hồn nhiên, mạnh dạn của những người trẻ tuổi không hề nghĩ là mình viết văn, càng không hề nghĩ chuyện làm văn, chỉ là viết để ghi lại cái sống của mình qua một chuyến đi, một hành trình.

Phan Việt và Nguyễn Phương Mai thì có khác hơn. Với Một mình ở châu Âu, tác giả có một tâm trạng và muốn thử thách mình mang tâm trạng đó ở một khung cảnh địa lý khác, một môi trường sống khác, một không khí văn hóa khác. Với Tôi là một con lừa, Nguyễn Phương Mai trình bày bản thân trên hành trình qua tám mươi nước khắp thế giới để hiểu mình và hiểu người qua những cuộc giao tiếp đa văn hóa. Cả hai tác giả này là phụ nữ, đang dạy đại học ở nước ngoài, đang độc thân hay tái độc thân, dám lựa chọn và chấp nhận sống với lựa chọn của mình. Tên hai cuốn sách thể hiện rõ sự độc lập và tự chủ của người đi và viết. Nguyễn Phương Mai xác định: "Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay". Ðọc những sách như vậy không chỉ thỏa mãn thú xê dịch, mà hứng khởi hơn là được biết mình ổn định ra sao và thế nào sau những chuyến đi.

Các tác giả viết du ký hiện nay được thời. Thời mới cho họ cơ hội đi nhiều đi rộng, đi trong đi ngoài, đi thực địa và đi sách vở. Thời mới cho họ khả năng viết và in và phổ biến cái viết sau cái đi của mình nhanh chóng đến độc giả. Mỗi cuốn sách là sự chia sẻ hành trình của tác giả về địa dư, về văn hóa, nhưng cuối cùng vẫn là hành trình tâm hồn, tình cảm. Cái "hương xứ lạ" (exotism) hiển nhiên là không thể thiếu, nhưng cái làm nên sức hút của những trang viết du ký là tính cách cá nhân của người viết hiện ra trong tâm trạng đi. Tôi những muốn các tác giả trẻ viết du ký hiện nay tìm đọc Phạm Quỳnh và những người đương thời ông ở thể loại này. Ví như ai thích so sánh, đối chiếu thì có thể ngược lên đầu thế kỷ 20 theo chân Phạm Quỳnh sang Paris năm 1922 trong thiên du ký Pháp du hành trình nhật ký và trở lại Paris năm 2012 cùng Phan Việt trong Một mình ở châu Âu, từ đó có thể thấy ra một lịch trình của người Việt Nam đi đến đâu và đi như thế nào.

Và đừng quên điều ông chủ bút Nam Phong đã viết sau khi đi chơi Lạng Sơn, Cao Bằng về là không cứ phải đi Tây đi Tàu mới gọi là đi "du lịch" rồi về viết "du ký", mà đi trong nước nơi gần nơi xa cũng về viết được.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên