Vị phụ huynh đạo mạo nọ chỉ vào những cái tựa sách như: Ai đã bĩnh lên đầu chuột chũi? Ở nơi quỷ sứ giặc non rồi ngao ngán lắc đầu: không hiểu trẻ sẽ học được gì khi đọc "mấy quyển tào lao" như này, hình vẽ thì ghê, mà câu chuyện cũng chẳng ra hồn.
Vâng, cũng dễ hiểu, với tâm lý của không ít phụ huynh, sách cho trẻ con phải có bài học gì đó, có thể là bài học đạo đức, bài học làm người, bài học cư xử, bài học trưởng thành, bài học làm giàu... mới là sách đáng để trẻ phải đọc và ba mẹ bỏ tiền ra mua.
Những yêu cầu đầy tính thực tế trong những lần bạn cùng nhiều phụ huynh khác đi mua sách như: Có sách nào dạy trẻ không nói dối, có sách nào dạy trẻ không quậy phá, có sách nào dạy trẻ biết nghe lời, biết tự lập, biết học giỏi...
Hàng trăm những thứ thực dụng như vậy áp vào, để bạn và các phụ huynh khác quyết định đó là một cuốn sách con phải đọc. Những quyển sách gánh vác "sứ mệnh" nặng nề này, có đủ để làm đứa trẻ thích sách nhiều hơn không?
Có lần trò chuyện với một nhân viên bán sách, bạn cũng được biết những cái tên sách, bộ sách có tính "ứng dụng thực tế" đầy thực dụng như: gieo mầm tính cách, dạy con nên người, trở thành nhà lãnh đạo nhí... dễ được phụ huynh lựa chọn hơn là những tác phẩm văn chương hay, hay được xem là sách kinh điển như: Thỏ Peter, Miền dâu dại...
Nhưng với những đứa trẻ, liệu chúng có thích đọc những quyển dạy đạo đức hơn là đưa những quyển như Chuyện xóm gà, như Dr.Seuss, nhóc Nicolas?
Theo dõi Ô cửa sách, bạn rất thích cách trải nghiệm với sách vở và việc đọc cho trẻ con đầy cởi mở, bạn cũng thấy đồng cảm với suy nghĩ của chủ dự án, thạc sĩ Vũ Thanh Tâm, rằng "Dạy trẻ con, đừng nói đạo lý.
Nếu suốt ngày bắt trẻ đọc sách đạo lý, là bạn đang khiến trẻ ghét sách chứ không phải yêu sách đâu. Dạy đạo lý, trẻ sẽ có vẻ ngoan tức thời, nhưng không bền. Vì nó là ấn từ bên ngoài vào. Bị dạy đời mãi, trẻ sẽ sinh ra chán mà làm ngược lại.
Đơn giản vì trẻ thích chống đối cái gì nhàm chán thôi! Hãy nuôi dưỡng trẻ bằng những câu chuyện trong trẻo thuở ấu thơ, để tình bạn, tình yêu thương từ những câu chuyện tưởng như chẳng chứa kết luận nào sẽ thấm dần, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ từ bên trong. Bồi đắp tâm hồn là quá trình lâu dài nhưng bền chắc, khác với nói đạo lý, như lên dây cót chạy một vòng là hết hơi".
Không hiểu sao bạn cứ nhớ ánh mắt ngơ ngác của cô bé gái, con vị phụ huynh đã chỉ trích mấy cuốn sách trong đầu bài viết, lúc cô bị giằng tay kéo đi, trước quyển "giặc non" bé đang mở ra đọc say sưa nãy giờ.
Sự tiếc nuối trong ánh mắt đứa trẻ bị giằng ra khỏi niềm vui được - tự - mình - chọn - một - quyển - sách - mình - thích để đọc, khiến bạn cũng giật mình.
Đọc sách đâu cần sách phải gánh vác nhiều giá trị "liền tay", chúng chỉ cần làm cho đứa trẻ vui cười, thấy có mình trong đó, thấy trí tưởng tượng của mình cũng giống với câu chuyện được kể, thì hẳn niềm vui đọc sẽ được kéo dài, bền bỉ, rộng mở hơn.
Mọi thứ hẳn nhiên là do sự lựa chọn. Nhưng hãy để cho trẻ con đọc sách và cười vui thôi, có được không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận