02/08/2022 09:30 GMT+7

'Rút ruột' bữa ăn bán trú

THANH NGUYỄN
THANH NGUYỄN

TTO - Dư luận giận dữ vì việc "rút ruột" bữa ăn bán trú của trẻ sau vụ hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng một trường tiểu học nhận hàng trăm triệu đồng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm.

Rút ruột bữa ăn bán trú - Ảnh 1.

Phụ huynh một trường tiểu học ở TP.HCM bức xúc khi nói về bữa ăn bán trú của con trong buổi làm việc với trường (ảnh chụp tháng 11-2020) - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Thông tin hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng Trường tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TP.HCM) nhận tiền hằng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm với tổng số tiền 436 triệu đồng khiến dư luận xôn xao. Không ít tiếng gièm pha, phẫn nộ bởi đây chính là hành động "rút ruột" bữa ăn bán trú của trẻ.

Mỗi đứa trẻ rời vòng tay mẹ cha đến trường học tập trong niềm khát khao lớn lao của phụ huynh: mong con được hưởng nền giáo dục tốt, được yêu thương và được phát triển toàn diện. Chăm lo sức khỏe cho con trẻ, cung cấp bữa ăn dinh dưỡng cho con là niềm mong mỏi tha thiết của phụ huynh. Vậy nên, khi trường đề nghị khẩu phần ăn bán trú của trẻ với khoản đóng góp thỏa thuận bao nhiêu, cha mẹ trẻ thường ít khi ý kiến, trả giá.

Tuy nhiên, nỗi lo canh cánh vẫn đeo mang trong lòng phụ huynh khi cánh cổng trường học khép lại. Bọn trẻ hôm nay ăn gì? Thực phẩm đó có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng không? Quy trình chế biến có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?... Bởi họ ám ảnh không dứt trước một vài vụ việc vì lợi ích cá nhân và lòng tham của một số người mà bớt xén bữa ăn bán trú của trẻ hoặc là liên kết với đơn vị cung ứng thực phẩm kém chất lượng.

Về lý thuyết, quy trình tổ chức bếp ăn bán trú trong trường học khá chặt chẽ từ khâu cung ứng thực phẩm đến tận quá trình chế biến, giám sát. Nhà trường phải hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín. Khâu chế biến phải đảm bảo an toàn, vệ sinh và mỗi ngày đều phải lưu lại mẫu thực phẩm. Đặc biệt, vai trò giám sát của phụ huynh được đề cao để phối kết hợp với nhà trường chăm lo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ.

Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như thế. Việc ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm hoàn toàn do trường quyết định. Phụ huynh thật sự không thể giám sát nguồn gốc, chất lượng của số thực phẩm đưa vào trường học mỗi ngày. Quy trình chế biến thực phẩm, khẩu phần ăn của trẻ đảm bảo dinh dưỡng hay không đều phụ thuộc vào cái tâm của người lãnh đạo trường học.

Tôi nghĩ để ngăn chặn những lùm xùm đáng tiếc như thế, cần phải xem việc tổ chức bếp ăn bán trú trong trường học như một loại hình dịch vụ, kinh doanh. Và vai trò giám sát của phụ huynh cần được tôn trọng để có thể tham dự nhiều hơn vào khâu tìm nguồn cung thực phẩm, kiểm tra chất lượng thực phẩm, giám sát quy trình chế biến và giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ. Đó cũng là một cách neo giữ niềm tin và tạo mối quan hệ thiện cảm, tích cực giữa nhà trường và gia đình!

Nhức nhối bữa ăn bán trú Nhức nhối bữa ăn bán trú

TTO - Thông tin hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng Trường tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TP.HCM) nhận tiền hằng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm (cho bữa ăn bán trú) với tổng số tiền 436 triệu đồng khiến nhiều người phẫn nộ.

THANH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên