02/11/2023 18:54 GMT+7

Rút 50% bảo hiểm xã hội một lần liệu bao lâu được rút phần còn lại?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng nếu cho rút 50% bảo hiểm xã hội một lần và để lại 50% cần quy định trong thời gian bao nhiêu năm, nếu không đóng thì cho họ rút.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là về 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.

Được rút ra gần 46%, còn 54% để lại?

Nêu ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ rút bảo hiểm xã hội một lần là chính sách mà người lao động quan tâm nhất.

Ông nêu rõ việc đưa ra chính sách giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm cũng có phần tác động, giúp giảm rút bảo hiểm một lần.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại việc hầu như các nước trên thế giới không cho rút một lần.

Còn với Việt Nam lại khác, vì nhiều người có khó khăn trước mắt nên làm vậy, do đó theo Chủ tịch Quốc hội, dù thiết kế theo phương án nào thì nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm đoán chuyện này.

Tuy nhiên, phải thiết kế chính sách thế nào để lưu người ta lại trong hệ thống, hạn chế bớt việc rút.

Từ đó, ông Huệ gợi mở cần thiết kế làm sao để người lao động có lựa chọn tốt nhất và đề nghị các đại biểu cho ý kiến thêm.

Cũng nêu ý kiến tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay theo phương án 2 của dự thảo đưa ra sẽ cho người lao động rút 50% và giữ lại 50%. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề cơ sở nào để rút 50%, bởi điều này phải căn cứ vào khả năng đóng - rút.

Ông dẫn chứng với phần chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại, sau này đóng tiếp nhằm có lương hưu.

"Ví dụ, cơ cấu đóng quỹ bảo hiểm xã hội là 25,5%, trong đó 8% là người lao động đóng, còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 17,5% thì có 14% là chế độ hưu trí, tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản và 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.

Tôi nghĩ nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, phần còn lại do doanh nghiệp, người lao động đóng sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra gần 46%, còn 54% để lại.

Đó là tính theo cơ sở khoa học, có nghĩa cho anh lấy cả ốm đau, tai nạn, thai sản, còn riêng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng để lại để sau này đóng tiếp, hưởng. Theo tôi, 46% là hợp lý, còn 50% họ hỏi cơ sở nào thì không giải thích được", ông nói.

Cũng theo ông Phớc, với phương án 2 cần quy định trong thời gian bao nhiêu năm, nếu không đóng thì cho họ rút hay có phương án nào đó, chứ hiện nay vẫn bỏ ngỏ, nói cách khác là có khoảng trống.

"Tức là khi người lao động chỉ rút 46%, để lại 54% hay rút 50%, để lại 50% thì sau bao nhiêu năm mà họ không tiếp tục quay trở lại đóng sẽ được rút cả, chứ không lẽ tiền đó lại để bảo hiểm xã hội chiếm dụng?", ông Phớc đặt vấn đề.

Nếu cho rút 50%, số tiền còn lại sẽ rất thấp

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) cho rằng lần sửa đổi này có những phản ứng trái chiều, chủ yếu là vấn đề thời gian đóng và rút một lần.

Việc giảm thời gian đóng xuống 15 năm, theo ông Hải một mặt sẽ tạo điều kiện mở rộng đối tượng, song lại xảy ra tình trạng nhận lương hưu thấp, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu.

Bên cạnh đó, nếu cho phép rút một lần với 50% thì số tiền còn lại sẽ rất thấp, khi về già không còn nhiều ý nghĩa với an sinh xã hội.

"Mục tiêu của việc giảm rút một lần nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội khi về già. Tuy nhiên, quy định được rút 50% sẽ gây ra những phản ứng trái chiều, nên phải giải thích, tuyên truyền tốt để người dân hiểu được ý nghĩa của chính sách này", ông Hải nói.

Quỹ bảo hiểm xã hội đầu tư vào 2 lĩnh vực

Về danh mục đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội, với vai trò là chủ tịch quỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói rất thận trọng khi có 2 nguyên tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội bị xử lý hình sự do đầu tư vào công ty tài chính của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và bị mất vốn.

Ông thông tin hiện nay đầu tư vào 2 lĩnh vực. Thứ nhất là 80% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ bởi đảm bảo chắc chắn và hỗ trợ được cho ngân sách, chính sách tài khóa nhưng lãi suất không cao.

Có những thời điểm lãi suất 8 - 10% nhưng có giai đoạn xuống 4,7%, thậm chí như năm dịch, lãi suất còn 2,26%. Còn lại 20% gửi ở ngân hàng thương mại nhưng chỉ có 4 ngân hàng lớn để đảm bảo an toàn.

2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần: Còn nhiều ý kiến khác nhau2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần: Còn nhiều ý kiến khác nhau

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chính thức trình Quốc hội về 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên