Phóng to |
Một góc khu rừng ma với cây cối mọc kín mít - Ảnh: Xuân Dũng |
Bí ẩn rừng ma
Lần đầu lên miền núi Quảng Trị vào thập niên 1980, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc ấy nạn đốt rừng làm rẫy còn tràn lan. Đó là tập quán phát - đốt - cuốc - trỉa của đồng bào miền ngược, di chứng của lối sống du canh du cư từ cả ngàn năm trước. Nhưng có một điều lạ là bên cạnh những núi đồi bị đốt trụi lại có những cụm rừng nguyên sinh xanh thẳm nổi lên như một cù lao, thậm chí có những cánh rừng già cây cối cao vút um tùm như không hề có bàn tay con người đụng đến. Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, một cán bộ người Kinh giải thích đó là chỗ chôn người chết của đồng bào Vân Kiều. Người sống không dám lai vãng chứ đừng nói đến chuyện phá rừng. Người ta gọi nôm na là rừng ma. Tôi nhờ anh cán bộ người Kinh đưa vào rừng ma, anh hốt hoảng từ chối và khuyên tôi đừng rước vạ vào thân.
Anh Lê Văn Quang, một thanh niên Cam Lộ, buôn bán gỗ mít, thường hay lên miền núi mua hàng. Lần ấy, vì gấp việc anh đã đi tắt qua một cánh rừng cho nhanh. Vừa mới qua khỏi, chợt có tiếng quát: ”Này, ai cho anh đi qua đây? Muốn chết hả?”. Rồi xuất hiện trước mặt mấy người Vân Kiều mặt mũi hầm hầm, xem chừng tức giận sôi gan. Quang giải thích vì gấp việc phải đi qua đây, có làm gì sai trái đâu mà bà con la mắng. Một người Vân Kiều nói chỗ chôn người chết không ai được đến gần, nhất là người lạ. Nếu ai vi phạm sẽ phải cúng một con heo dài năm gang và ba con gà cùng với rượu để tạ tội với thần linh, để ma rừng yên ổn không quấy phá người sống. Quang nghe xong là ù tai, cố sức phân trần.Thấy bộ dạng anh hiền lành, nói năng thật thà nên sau cùng họ bỏ qua. Kể lại chuyện này, Quang vẫn còn rụt cổ: ”Em khiếp đến già luôn anh ơi”. Quang kể lúc đi qua khu rừng ma không thấy nhà mồ gì cả, chỉ có một lối mòn nhỏ giữa cây cối rậm rạp mà họ bảo là nơi ở của người chết.
Tôi đem chuyện này hỏi ông Hồ Văn Cường, người xã Mò Ó (huyện Đakrông, Quảng Trị). Ông Cường cho hay đồng bào Vân Kiều khi chết được đưa ra chôn ở ngoài rừng và nơi đó thường xa chỗ ở. Mai táng xong người chết, họ bỏ chạy một mạch về nhà, không được ngoái cổ lại đằng sau. Theo quan niệm của người Vân Kiều, người ta dù chết đi vẫn còn linh hồn, nếu để hồn ma biết đường trở về nhà sẽ bắt người sống phải ốm đau bệnh tật, phải chết theo với mình. Vì vậy, chỗ chôn người chết là cách biệt hẳn và bất khả xâm phạm. Người sống, ngay cả người nhà, cũng hầu như không dám viếng thăm lãnh địa của những linh hồn. Lâu ngày mồ chôn biến thành đất bằng, cây rừng mặc sức mọc lên. Dân tộc Vân Kiều thường chôn người chết thành từng chỗ riêng theo gia tộc. Khi chôn họ thường chôn theo chiếu, chén bát, nồi niêu... dành cho người đã khuất núi. Họ quan niệm người chết vẫn sống bình thường ở một thế giới khác, thế giới của những hồn ma. Họ gọi nơi đó là lùm cu múi (nghĩa là rừng ma).
Tôi muốn đến đó một lần cho biết nhưng ông Cường lắc đầu quầy quậy: “Không được đâu, làng phạt đấy!”.
Phóng to |
Những đồ vật được người sống “chia” cho người chết trong rừng ma - Ảnh: Xuân Dũng |
Vào rừng ma
Tôi bàn với Lập, anh chàng lái buôn vốn rất thân quen với người Vân Kiều, phải tìm cách một lần vào được rừng ma. Lập hiến kế nên đi vào nửa buổi chiều, lúc ấy thường vắng người, hi vọng không gặp rắc rối. Nhưng anh chàng này hơi sợ, nên chỉ nhận nhiệm vụ trinh sát và cảnh giới phòng bất trắc, còn thì mặc tôi xoay xở. Tôi liền đồng ý.
Chúng tôi gặp cán bộ xã Hướng Hiệp trình bày ý định và nhờ giúp cho một cán bộ trẻ dẫn đường. Chính quyền xã cử ngay bí thư xã đoàn người Vân Kiều tên Hồ Văn Nhiên dẫn đường. Dọc đường đi, tôi dạm hỏi về chuyện rừng ma, Nhiên vẫn vui vẻ kể chuyện. Nhưng khi tôi đề nghị Nhiên dẫn tôi vào rừng ma để tìm hiểu rõ hơn về văn hóa miền núi thì bí thư xã đoàn hoảng hốt: “Thật tình em cũng muốn giúp anh, nhưng vào rừng ma thì không dám. Người Vân Kiều kiêng kỵ vào rừng ma, nhất là người lạ”.Tôi kiên trì thuyết phục, cuối cùng Nhiên đồng ý chỉ đường tới gần rừng ma rồi anh quay ngay về xã.
Đến nơi, Lập vội... núp vào một lùm cây um tùm ven đường. Nhìn kỹ bốn phía không thấy ai, tôi nhanh chóng rẽ vào một lối mòn, cây cối hai bên rậm rạp, chứng tỏ lâu ngày không có người vào. Đi chừng nửa cây số, hiện ra một khoảng trống giữa bốn bề rậm rạp. Rừng ma đây rồi! Tôi ngồi xuống quan sát, xung quanh lặng ngắt, không khí u tịch, nặng nề. Trước mặt tôi có một chiếc chiếu đã rách, cạnh bên là chiếc bát. Bỗng dưng tôi thấy lạnh sau gáy. Chính vào lúc này bằng trải nghiệm của bản thân, tôi mới thấm thía một sự thật mang dáng dấp nghịch lý: có những điều mình không tin có thực mà nhiều khi vẫn sợ, một nỗi sợ in sâu trong tiềm thức, khi có cơ hội sẽ bùng lên. Đang lúc nghĩ ngợi miên man thì bỗng “soạt” một cái, tôi giật mình. Hóa ra chỉ là tiếng vỗ cánh của con chim.
Rồi đột nhiên thấy hình như xa xa trong rừng ma nhô lên một tấm bia mộ. Lạ thật, người Vân Kiều làm gì có chuyện dựng bia mộ. Tôi khom lưng đi tới gần nhìn cho rõ. Đúng là một tấm bia mộ, ghi rõ tên người chết là một cán bộ người Vân Kiều. Có lẽ người nhà anh cán bộ này học cách dựng bia mộ của người Kinh. Đó là kết quả của việc giao lưu văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược vẫn diễn ra từng ngày ở đây. Tôi chụp mấy kiểu ảnh rừng ma và nhanh chóng rút khỏi “lãnh địa bất khả xâm phạm”...
Vì sao người Vân Kiều chỉ mang họ Hồ? Đến vùng miền núi Quảng Trị (và Thừa Thiên - Huế), bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy người dân tộc thiểu số nào ở đây cũng mang họ Hồ. Họ là người dân tộc Vân Kiều và Pacô (một dân tộc có nhiều điểm tương đồng với dân tộc Vân Kiều), vốn chỉ có tên mà không có họ. Nhưng vì sao người Vân Kiều và Pacô lại mang họ Hồ? Năm 1946, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã cử cán bộ vào Nam thăm hỏi đồng bào vùng cao Quảng Trị. Đoàn có gửi tặng bà con Vân Kiều, Pacô những tấm hình của Bác và áo lụa đẹp cho những người già đã sống trên 90 tuổi. Đồng bào Vân Kiều, Pacô cảm động lắm. Một thời gian sau thì diễn ra cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cán bộ làm công tác bầu cử khi ghi danh cử tri đã hỏi đồng bào họ gì? Từ thuở khai thiên lập địa, cha sinh mẹ đẻ ai nào có biết cái họ là gì, nay nghe hỏi vậy không khỏi bất ngờ và lúng túng. Có người đề nghị: xin lấy họ của Bác Hồ làm họ của mình. Thế rồi vào ngày 26-6-1946, dưới sự tổ chức của Mặt trận Liên Việt, các già làng Vân Kiều, Pacô đã tụ họp dưới chân núi Coc Tăng (Quảng Trị) tổ chức cắt máu ăn thề, rằng người Vân Kiều, Pacô mãi mãi đi theo Bác Hồ. Các đầu làng đồng thanh quyết định lấy họ Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều, Pacô. Từ đó, ngày 26-6-1946 được xem là ngày đồng bào Vân Kiều, Pa Cô chính thức mang họ Hồ. Năm 1957, khi biết tin Bác Hồ vào thăm tỉnh Quảng Bình, đồng bào dân tộc vùng cao Quảng Trị sống ở đặc khu Vĩnh Linh liền cử ông Hồ Ray ra để đề đạt nguyện vọng của đồng bào. (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị) |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Chiếc lá tránh thaiKỳ 2:Thầy lang núi và phương thuốc lạKỳ 3:Cà răng, căng taiKỳ 4: Huyền thoại về “ngải độc”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận