06/09/2019 09:04 GMT+7

Rưng rưng cô giáo lội nước lũ vào giữ trường, 'cõng' khai giảng lên núi

THÁI BÁ DŨNG - VĂN ĐỊNH
THÁI BÁ DŨNG - VĂN ĐỊNH

TTO - Trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, có hai cô giáo trẻ 'cõng' khai giảng lên điểm trường trên đỉnh Ngọc Linh, còn ở 'rốn lũ' Hương Khê, thầy cô lội nước lũ vào giữ trường cho học trò...

Rưng rưng cô giáo lội nước lũ vào giữ trường, cõng khai giảng lên núi - Ảnh 1.

Thấy nước lũ dâng, các cô giáo ở Trường mầm non xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh băng nước lũ đến dọn tài sản - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Băng qua nước lũ vào giữ trường

Sáng 5-9, một nhóm cô giáo ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đứng bên dòng nước lũ lo lắng nhìn về trường học. Sợ trôi hết bàn ghế, đồ dùng học tập, các cô giáo ở Trường mầm non xã Hà Linh đã băng qua dòng nước lũ để vào trường.

Chờ thuyền của dân mãi, bốn cô giáo ở trường này đã quyết định lội băng nước lũ vào trường vì sợ nước lũ dâng quá cao. Nước lũ luôn chảy xiết, các cô cứ lội sát nhau.

Cô Nguyễn Thị Hương nhớ lại năm 2010 ở huyện Hương Khê xảy ra trận lũ lịch sử, cô giáo Trần Thị Hoa, dạy ở Trường mầm non Hương Thủy, vì lo lắng về bàn ghế, sách vở học sinh bị cuối trôi nên chèo thuyền đến trường đã bị nước lũ cuốn trôi. "Nước lũ đang chảy như thế này chỉ cần sơ sẩy là nguy lắm..." - cô Hương tâm sự.

Sau hơn 10 phút băng nước lũ đến trường, người cô giáo nào cũng ướt sũng vì nước sâu và mưa lớn. Các cô lội quanh trường vớt những con thú đồ chơi đến những đôi dép của các cháu để cất lên cao tránh nước lũ cuốn trôi. "Thấy nước lũ dâng ngập trường mà không vào là không yên tâm được " - cô Ngô Thị Phương Thúy chia sẻ.

Cũng trong ngày khai giảng, thầy Lê Ngọc Sơn - hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Phố (xã Gia Phố, huyện Hương Khê) - chèo thuyền đến thì thấy nước lũ đã băng qua cửa sổ của các phòng học. Nước lũ kéo dài thì sẽ có lượng bùn non phủ kín trường, ngoài ra còn khiến nhiều học sinh thiếu sách vở, áo quần đến trường.

"Không có năm học nào ngày khai giảng lại mưa lũ. Thầy cô chỉ biết nhìn trường chìm trong lũ, còn học sinh lo tránh lũ theo cha mẹ. Lũ kéo dài, bàn ghế ngâm trong nước sẽ hư hỏng, học sinh thiếu thốn đủ bề" - thầy Sơn lo lắng.

Nhiều thầy cô ở vùng "rốn lũ" huyện Hương Khê chia sẻ lũ về đã vất vả, sau khi lũ rút càng vất vả hơn. Thầy cô phải thay nhau canh nước lũ rút để dọn bùn non, quén dọn sân trường, phòng học mất cả tuần mới xong. Các em học sinh mới mua sách vở, áo mới để tham dự lễ khai giảng thì nay bị ướt và trôi. Sau lũ sẽ có rất nhiều em đến trường thiếu thốn...

Ông Trần Đình Hùng - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê - cho biết ngày khai giảng ở vùng lũ, thầy cô đều thay nhau trực để di dời tài sản. Sau khi nước lũ rút, các trường ngập lụt phải hơn 1 tuần mới ổn định dạy học. Đặc biệt trường học ở xã Phương Mỹ phải mất 2 tuần, thậm chí 3 tuần mới dạy học được.

"Sẽ không tổ chức lễ khai giảng nữa, giờ chúng tôi đang lo lắng khi nào nước lũ rút mất bao nhiêu ngày để ổn định trường lớp. Trường nào nghỉ lâu quá sẽ tổ chức dạy bù cho học sinh" - ông Hùng nói.

Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, sau lũ phải khẩn trương khắc phục để sớm đi vào dạy học và sẽ có kế hoạch cho học sinh vùng lũ học kịp chương trình của Bộ GD-ĐT.

Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh

Rưng rưng cô giáo lội nước lũ vào giữ trường, cõng khai giảng lên núi - Ảnh 2.

Cô Trà Thị Thu cùng học trò điểm trường Tắk Pổ - Ảnh: NVCC

Sáng 5-9, một lễ khai giảng vô cùng đặc biệt nằm ở một điểm trường trên đỉnh Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam được tổ chức. Hình ảnh buổi lễ được thông tin trên Tuổi Trẻ Online ngay lập tức nhận được xúc cảm lớn từ bạn đọc.

"Tôi đã bật khóc khi được thấy những hình ảnh này", "Buổi khai giảng đơn sơ mà thân thương, ấm cúng tình nghĩa người dạy học làm sao!"... nhiều bạn đọc bình luận trên Tuổi Trẻ Online.

Tắk Pổ là một thôn nằm cheo leo bên những sườn núi ở độ cao trên 1.000m tại huyện Nam Trà My. Do địa hình nằm cách quá xa trung tâm xã nên nhiều năm nay, một điểm trường nhỏ được các thầy cô giáo tổ chức, các thầy cô thay phiên nhau ở lại đây dạy chữ cho học sinh Ca Dong.

Cô Trà Thị Thu (25 tuổi) là một trong hai giáo viên trẻ mới được Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập phân công lên nóc Tắk Pổ dạy chữ. Điểm trường nơi hai cô phụ trách nằm cách trung tâm xã 10km nhưng chỉ 500m là có thể đi xe máy, quãng đường còn lại phải đi bộ.

Lễ khai giảng 5-9 cũng là buổi đầu tiên cô mặc áo dài, đứng trước những đôi mắt tròn xoe của những học sinh mà cô đảm nhận trong năm học mới.

Ông Võ Đăng Thuận, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, cho biết do điều kiện đi lại quá khó khăn nên "chúng tôi cố gắng động viên, cho giáo viên lên cắm ở từng nóc, tận dụng những gì đơn giản nhất nhưng vừa đủ và trang trọng để các em học sinh ở điểm trường có được một lễ khai giảng thật ấm cúng".

Sáng 5-9, hai cô giáo trẻ gồm Trà Thị Thu (25 tuổi) và Riah Uối (23 tuổi) lục tục dậy từ lúc 4h sáng để chuẩn bị cho thời khắc đón phụ huynh, "đại biểu" và 34 học trò đến điểm trường dự lễ khai giảng.

"Vì không có ai nên tôi và cô Uối phải tự làm mọi thứ. Từ cắm hoa, trải bàn, xếp bàn ghế, lấy cuốc dàn bùn đất để lấy chỗ khai giảng" - cô Thu nói.

Cô Thu cho biết khi mọi việc vừa "hòm hòm" thì ngoài lớp sương ướt đẫm quanh trường, hai phụ huynh và đám học trò cũng đã rậm rịch bước chân tới sớm để dự lễ khai giảng.

"Trên tay mỗi em, em thì nhành hoa, em thì bó lá dương xỉ... các em được cha mẹ hái cho để mang đến đưa cho cô trang trí lễ khai giảng" - cô Thu khoe.

Đơn sơ và trong sáng

Cô Thu kể khi học sinh đã có mặt đông đủ, cô đứng "điều phối" chương trình, cô Uối đứng ở hàng sau cùng để sắp đặt học sinh vào đúng vị trí. Lúc này, một người đàn ông 35 tuổi, mang đôi dép tổ ong lò dò từ dưới chân núi đi lên.

"Buổi lễ khai giảng hôm nay chúng ta rất vinh dự được đón anh Hồ Văn Hiếu - là nóc trưởng Tắk Pổ. Mình giới thiệu thật to lên cho các em nghe thì tiếng vỗ tay vang lên, các em vẫy cờ chào đón. Rất nhiều phụ huynh đứng ở cạnh các ngôi nhà gần đó nhìn qua cũng hoan hô, chào mừng "đại biểu lãnh đạo" dự lễ khai giảng" - cô Thu thuật lại.

Cả cô Uối và cô Thu đều nói rằng dù rất đơn sơ nhưng buổi lễ khai giảng sáng đầu tiên năm học mới - cũng là ngày đầu tiên cô đứng lớp ở Tắk Pổ, lại tràn ngập tiếng nói cười của cả học sinh lẫn phụ huynh.

Những nghi thức của buổi lễ gần như được "tối giản hóa", chỉ giữ lại các nội dung chính bao gồm lễ chào cờ, đọc thư chúc mừng năm học mới của Tổng bí thư, Chủ tịch nước và cô giáo phụ trách điểm trường đứng lên gửi gắm học sinh những dự định, kế hoạch trong năm học mới.

Chương trình khai giảng được kết thúc bằng "nghi lễ" đón học sinh đầu cấp. Những học sinh vừa hết mẫu giáo, sau khi dự lễ khai giảng được cô giáo Riah Uối dẫn ra một mô đất kế bên trường. Lúc này, cô Thu trong tà áo dài, cầm lá cờ đỏ tươi đưa ánh mắt trìu mến dẫn học sinh đi qua hàng rào bằng những thang gỗ bao quanh trường chính thức vào lớp 1.

2 cô giáo trẻ dạy chữ "trên mây"

Trà Thị Thu cho biết cô tốt nghiệp ĐH Quảng Nam và lên Nam Trà My dạy học từ năm 2015, nhưng đây là lần đầu tiên cô được phân công lên phụ trách ở điểm trường Tắk Pổ. Cô Riah Uối cũng mới nhận công tác, kém cô Thu 2 tuổi - cả hai đều chưa lập gia đình.

Để bám núi dạy chữ cho học sinh, cô Uối và cô Thu phải ăn ở ngay tại điểm trường. Đầu tuần cõng giáo án, sách vở kèm theo cá khô, gạo, mắm, muối đủ cho một tuần đứng lớp. Ngày cuối tuần lại đi một tiếng rưỡi xuống núi mua sắm những thứ cần thiết.

Anh Nguyễn Bình Nam - một tình nguyện viên trực tiếp xây nhiều điểm trường vùng cao tại Nam Trà My - cho biết nhiều lần lên núi, chứng kiến hai cô giáo trẻ ngồi co ro trong mưa lạnh, ngày dạy chữ đêm chong đèn cô đơn giữa bốn bề núi rừng mà mắt anh cay cay.

"Có lên đó mới thấy được sự tận hiến, hi sinh vì nghề dạy học, tình yêu học trò vô bờ bến của những giáo viên. Đôi khi ở miền xuôi, những nơi đủ đầy chúng ta không thấy hết được, nếu qua sách báo cũng thật khó để hiểu hết, cảm nhận hết" - anh Nam nói.

Ông Võ Đăng Thuận, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, cho biết năm học mới này huyện Nam Trà My có 30 trường với hơn 8.800 học sinh, trong đó tới 97,8% là học sinh con em đồng bào Ca Dong và các dân tộc khác, phần lớn đời sống còn rất khó khăn. "Tới nay vẫn còn một số điểm trường đang được dựng tạm bợ, tường ván gỗ, mái lợp tôn để tổ chức dạy chữ cho học sinh ở các nóc (làng) nằm cách quá xa. Trong đó có điểm trường Tắk Pổ" - thầy Thuận cho biết.

Bạn đọc có nhu cầu đóng góp cho trường học ở Tắk Pổ có thể đóng góp tại:

- Phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

- Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ xây điểm trường Tắk Pổ - Nam Trà My, Quảng Nam".

- Chuyển tiền vào ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ xây điểm trường Tắk Pổ - Nam Trà My, Quảng Nam".

Lễ khai giảng của 34 trò, 2 cô và 1 Lễ khai giảng của 34 trò, 2 cô và 1 'đại biểu' lãnh đạo là trưởng nóc

TTO - Để đến được lễ khai giảng 5-9, hai cô giáo trẻ đã mang theo quần áo, thức ăn dự trữ dài ngày về điểm trường từ trước đó nhiều hôm. Những hình ảnh lễ khai giảng được một giáo viên ghi lại đã làm "nao lòng" người.

THÁI BÁ DŨNG - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên