
Những hình ảnh ấn tượng từ cuộc thi
Earth Photo (Ảnh Trái đất) là cuộc thi quốc tế thường niên dành cho những hình ảnh và thước phim kể những câu chuyện về Trái đất và những thách thức mà hành tinh chúng ta đang phải đối mặt.
Năm nay cuộc thi thu hút gần 2.000 tác phẩm. Ban tổ chức đã chọn được 122 bức ảnh, 13 bộ phim vào vòng chung khảo.
Từ miệng núi lửa bốc cháy, đến mòng biển, sông băng và rác thải, những hình ảnh được chọn cho thấy thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hùng vĩ.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức ngày 17-6 tại Hiệp hội Địa lý Hoàng gia ở London, Anh. Người thắng giải cao nhất sẽ được nhận 1.000 bảng Anh.
Những bức ảnh xuất sắc sẽ được trưng bày tại Triển lãm Earth Photo 2024, mở cửa cho công chúng từ ngày 18-6 đến ngày 21-8.
Dưới đây là một số ảnh đáng chú ý lọt vào vòng chung khảo:
Vườn ươm san hô ở Mỹ

San hô cho tương lai. Đợt nắng nóng cực độ trên biển vào mùa hè năm ngoái đã gây hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt ở Florida Keys, Mỹ. Khu vực rạn san hô này đã suy giảm 90% do dịch bệnh và các đợt nắng nóng trong quá khứ. Roxane Boonstra (ảnh) là một trong những chuyên gia tại vườn ươm Tavernier của Tổ chức Phục hồi san hô quyết tâm giúp san hô hồi phục - Ảnh: Jennifer Adler
Miệng núi lửa bốc cháy ở Turkmenistan

Darvaza Pieta. Miệng núi lửa Darvaza, còn được gọi là Cổng địa ngục, đã cháy hơn 50 năm. Nó được các kỹ sư Liên Xô khoan vào năm 1971 như một giếng khí đốt tự nhiên, nhưng khi nó sụp đổ, họ phải đốt miệng núi lửa để ngăn khí độc thoát ra ngoài. Các nhà khoa học dự đoán địa điểm này sẽ tiếp tục cháy trong nhiều thập kỷ tới - Ảnh: Liz Miller Kovacs
Cây sồi hùng vĩ ở Anh

Cây sồi cuối cùng. Cây sồi Anh này được cho là một trong những cây sồi cuối cùng được trồng ở rừng Dean, Anh quốc vào những năm 1700 để đóng tàu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy giữa các khu rừng nguyên sinh của châu Âu, cây sồi Anh là loài duy nhất có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu trong thế kỷ này - Ảnh: Mark Adams
Rừng ngập mặn ở Việt Nam

Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái. Những khu rừng ngập mặn như thế này ở tỉnh ven biển Quảng Ngãi của Việt Nam là lá chắn quan trọng chống lại bão. Thật không may, cây cối đã bị cạn kiệt do biến đổi khí hậu, dân số tăng và việc sử dụng nước để nuôi cá ngày càng tăng - Ảnh: Alex Cao
Voi ăn rác ở Sri Lanka

Thảm họa của con người. Bức ảnh này phơi bày một thực tế đau buồn ở Ampara, Sri Lanka, nơi những con voi bị buộc phải ăn rác do thiếu quản lý chất thải hiệu quả. Chất thải tích tụ gần rừng thu hút voi và các động vật khác rời khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng, và bữa ăn bằng nhựa khiến cuộc sống của chúng gặp nguy hiểm - Ảnh: Damith Osuranga Danthanarayana
Sông băng tan chảy ở Thụy Sĩ

Thay đổi cảnh quan. Các dòng sông băng ở Thụy Sĩ được phủ bằng vải để bảo vệ chúng khỏi tan chảy. Sông băng ở Thụy Sĩ đã mất đi 1/3 thể tích chỉ trong 10 năm qua - Ảnh: Anna Korbut
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận