21/12/2021 15:45 GMT+7

Rủi ro bủa vây người mua bất động sản

BÌNH MINH
BÌNH MINH

Bất chấp tác động của dịch bệnh, nhiều chuyên gia vẫn dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với mặt bằng chung trong năm 2022. Cùng với đó, bất động sản vẫn là lĩnh vực đầu tư đem lại lợi nhuận cao, cùng với thị trường chứng khoán.

Rủi ro bủa vây người mua bất động sản - Ảnh 1.

UBND phường Thạnh Xuân (Q.12, TP.HCM) cắm bảng cảnh báo người dân giao dịch đất nền trên khu đất không được phép phân lô, tách thửa, phát triển dự án trên địa bàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, người mua nhà vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thông tin không rõ ràng, pháp lý không đầy đủ, bị thổi giá hoặc thậm chí là "bị lừa" khi mua bất động sản.’’

Lại khổ vì lời hứa của "cò đất"

Ngay sau những ngày giãn cách, người dân tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành lập tức tìm đến các sự kiện mở bán căn hộ, đi về vùng ven để tìm kiếm đất nền với hi vọng đầu tư kiếm lợi nhuận. Nhưng nhiều nhà đầu tư tốn thời gian, thậm chí mất tiền oan bởi những thông tin không chính xác từ một số cò đất.

Anh Hoàng Duy, một người mua bất động sản tại TpHCM, kể lại: Mới đây qua bài viết đăng tải trên các hội nhóm Facebook, anh tìm thấy một ngôi nhà tại quận 4, TP.HCM với hình ảnh bắt mắt đi cùng mức giá khá rẻ. Đến khi tìm đến tận nơi mới thấy là "treo đầu dê, bán thịt chó", căn hộ thực tế không giống như những gì được đăng và giới thiệu. Khi được thắc mắc thì "cò đất" giải thích vòng vo và giới thiệu anh xem căn hộ khác với mức giá cao hơn nhiều.

Những tháng qua, người đi đường tại TP.HCM có thể dễ thấy những tờ giấy dán trên cột đèn giao thông hay ven đường với nội dung "Cô Ba sang Mỹ với con cần bán gấp biệt thự giá 3 tỉ tại quận 2", "Chú Tám xuất ngoại cần bán gấp đất quận 9 giá rẻ", hay "Vợ chồng ly dị cần bán gấp đất nền Hóc Môn 199 triệu"...

Theo giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM, đó đều là những thông tin không đúng và do một số cò đất cố tình tạo ra. Họ sử dụng các thông tin mà người đi đường chú ý và dễ tin như "cô Ba, chú Tám" có vẻ là người nhà quê thật thà, hay các tình huống cần bán gấp như "xuất ngoại, đoàn tụ với gia đình hay vợ chồng ly dị…". 

Mục đích của "cò bất động sản" lúc này là nhằm tìm kiếm lượng khách hàng tiềm năng, không quan tâm đến những phiền phức mà khách hàng gặp phải. "Cò" cũng không cam kết khi sản phẩm không đúng giới thiệu, gây ra nhiều ức chế cho khách hàng. 

"Nhiều người tin tưởng vào các thông tin này đã phải lên các xe ô tô đưa đến Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh để các công ty này rao bán đất nền với giá cao. Nhiều người đã bị lừa tiền mất tật mang mà không biết kêu ai", vị giám đốc này cho biết.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 300.000 người làm môi giới bất động sản, trong đó chỉ khoảng 10% có chứng chỉ môi giới chuyên nghiệp, còn lại làm tự do. Một số môi giới tự do đã cố tình đưa thông tin sai để lừa dối người mua.

Rủi ro bủa vây người mua bất động sản - Ảnh 2.

UBND xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) dựng bảng cảnh báo người dân không nên thực hiện giao dịch mua bán trên khu đất không được phép phân lô, tách thửa, phát triển nhà ở - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dùng công nghệ để tìm kiếm bất động sản sạch

Trong khuôn khổ sự kiện VRES 2021 vừa qua, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự đoán bức tranh thị trường bất động sản 2022 sẽ lạc quan hơn. Lý do đến từ việc hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, tăng trưởng kinh tế được ông Lực dự đoán có thể đạt 6-6,6% thậm chí cao hơn.

Trong khi đó, giá bất động sản ở các phân khúc như căn hộ, đất nền từ chủ đầu tư bán ra trực tiếp (thị trường sơ cấp) liên tục tăng lên trong những tháng qua và được dự báo sẽ còn tăng. ThS Huỳnh Phước Nghĩa (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng giá bất động sản có xu hướng tăng bởi quỹ đất sạch ở thành phố hạn chế, nhiều dự án kéo dài do vướng mắc về mặt pháp lý và đặc biệt là tác động tâm lý của đợt đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua với mức giá kỷ lục 2,4 tỉ đồng/m2.

Ông Nghĩa cũng cho rằng nếu có ý định mua nhà để ở thì không nhất thiết phải mua tại dự án mở bán lần đầu mà có thể tìm mua tại các dự án đã bàn giao nhà. Đây gọi là thị trường thứ cấp (thị trường mua đi bán lại bất động sản) có quy mô rất lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Thị trường này có những ưu điểm như giảm thiểu chi phí ban đầu, tiết kiệm thời gian do nhận nhà ở ngay nhưng đi cùng với đó người mua phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu thông tin, không có đủ hình ảnh thực tế, trực quan để đánh giá thực tế.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng người mua phải trang bị kiến thức giao dịch nhà đất cơ bản, để đảm bảo an toàn nên lựa chọn nhà đất đã được cấp Giấy chứng nhận. Người mua cần tìm hiểu thông qua cán bộ tư pháp, cán bộ địa chính của UBND xã, phường, thị trấn để xác định diện tích nhà đất dự định mua có nằm trong quy hoạch hay không, có tranh chấp hay không.

Trong vài năm trở lại đây, một số công ty đã đầu tư vào lĩnh vực công nghệ trong giao dịch bất động sản giúp mua bán bất động sản trở nên dễ dàng, minh bạch và giảm thiểu rủi ro cũng như chi phí cho các bên. 

Các nền tảng công nghệ này đã "làm thay" người mua trong việc xác định thông tin pháp lý, cung cấp giá cả thị trường dựa trên số liệu giao dịch thật để người mua tiện so sánh đồng thời hỗ trợ kết nối với các ngân hàng nếu người mua có nhu cầu. Đây là xu hướng bất động sản phát triển rất nhanh trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên quy mô thế giới.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên