25/05/2015 11:04 GMT+7

Rộng cửa mời tư nhân đầu tư vào cầu, đường, bệnh viện...

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Tất cả dự án theo hình thức đối tác công tư PPP sẽ đem ra đấu thầu. Nếu doanh nghiệp nhà nước muốn tham gia PPP phải liên doanh với doanh nghiệp khác.

Cầu Bình Lợi nằm trên tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (đường Phạm Văn Đồng) là dự án BT đầu tiên do doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với VN thực hiện. Trong ảnh: thi công cầu Bình Lợi năm 2013  Ảnh: THUẬN THẮNG
Cầu Bình Lợi nằm trên tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (đường Phạm Văn Đồng) là dự án BT đầu tiên do doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với VN thực hiện. Trong ảnh: thi công cầu Bình Lợi năm 2013 - Ảnh: Thuận Thắng

Một khung hành lang pháp lý nhằm thu hút thêm nguồn vốn tư nhân vào xây dựng hạ tầng: cầu, đường, bệnh viện, nhà máy điện... đã được ban hành, đó là nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ông Lê Văn Tăng, cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), phân tích:

- Một số dự án thực hiện thời gian qua trên thực tế không phải hoàn toàn hợp tác công - tư, mà là hợp tác công - công: vốn thì vay ngân hàng nhà nước, doanh nghiệp nhà nước làm, đến nửa chừng thấy khó khăn thì trả lại Nhà nước. Tới đây sẽ không còn hiện tượng đó nữa.

Tất cả dự án PPP sẽ đem ra đấu thầu. Nghị định quy định rất rõ đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, nếu doanh nghiệp nhà nước muốn tham gia PPP phải liên doanh với doanh nghiệp khác (tư nhân).

* Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm vào VN đầu tư PPP nhưng đã phải ra đi, như dự án nước sạch của Malaysia ở TP.HCM hay dự án điện gió... Chúng ta sẽ khó đáp ứng giá đầu ra sản phẩm của họ vì quá cao?

- Nếu giá thành 1 kWh điện là 10 cent mà chúng ta mua có 8 cent thì đúng là khó. Nghị định PPP lần này có tính đến giải quyết vấn đề trên thông qua phần vốn góp nhà nước. Nguyên tắc là Nhà nước sẽ bù đắp phần vốn thiếu hụt để biến dự án từ không khả thi thành khả thi.

Ví dụ một dự án đường cao tốc nhà đầu tư phải bỏ 800 triệu USD để xây dựng. Với mức phí chúng ta cho nhà đầu tư thu theo quy định thì 50-55 năm sau họ mới thu hồi được vốn và có lợi nhuận. Rõ ràng xét về mặt hiệu quả là không cao, vì vậy cơ chế mới cho phép các cơ quan lập dự án tính phương án tài chính để Nhà nước hỗ trợ.

Ví dụ Nhà nước hỗ trợ 200 triệu USD và nhà đầu tư chỉ phải bỏ 600 triệu USD, nhưng họ vẫn được thu phí như phương án bỏ ra 800 triệu USD. Như vậy chỉ 30-35 năm sau nhà đầu tư có thể thu hồi vốn và có lãi. Lúc này dự án trở nên có hiệu quả hơn. Đó là cách làm của PPP. Các dự án điện gió, nước sạch... cũng như thế. Nếu Chính phủ thấy cần thiết phải đầu tư sẽ bỏ ra phần thiếu hụt về tài chính để nhà đầu tư sẵn sàng tham gia đầu tư thực hiện dự án.

* Hiện nhiều dự án như lọc dầu Nhơn Hội, Vũng Rô... đều xin đến hàng ngàn tỉ đồng hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Nhà nước làm sao để có tiền hỗ trợ?

- Phải hiểu rõ các dự án như Nhơn Hội (Bình Định) hay Samsung đầu tư vào Bắc Ninh không phải PPP. Đây là các dự án mà nhà đầu tư thấy đầu tư ở VN có thể thuận lợi, sinh lời thì họ vào đầu tư.  Nhà nước không tham gia đầu tư các loại dự án đó. PPP chỉ gồm dự án nào thuộc trách nhiệm Nhà nước phải làm như: nhà máy điện, đường giao thông, sân bay...

* Ngoài các dự án Nhà nước phải chủ động làm, nghị định mới có hướng khuyến khích nhà đầu tư tự đề xuất dự án. Việc ưu đãi 5% trong đấu thầu cho nhà đầu tư tự đề xuất dự án PPP được hiểu như thế nào, mục đích gì, thưa ông?

- Với dự án PPP, có thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất. Họ tổ chức đấu thầu đảm bảo cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên nhằm khuyến khích sự sáng tạo của nhà đầu tư, quy định mới cho phép tự đề xuất dự án mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa nghĩ ra. Chẳng hạn, quy hoạch ở Hà Nội không có bệnh viện ở Mỹ Đình, nhưng nhà đầu tư khảo sát và thấy rằng đầu tư bệnh viện ở đó có thể phục vụ xã hội, có hiệu quả thì cho phép nhà đầu tư lập đề xuất dự án và lập báo cáo nghiên cứu khả thi. 

Trước đây, Nhà nước quy định nếu nhà đầu tư đề xuất dự án thì đương nhiên nhà đầu tư được chỉ định thầu để thực hiện. Nhưng nay nghị định quy định rõ nhà đầu tư đề xuất vẫn được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng sau đó không đương nhiên được chỉ định thầu mà vẫn phải đấu thầu. Chỉ có 5% là ưu đãi, nghĩa là nhà đầu tư đề xuất chỉ được có giá cao hơn các nhà đầu tư khác 5%. Mục tiêu là tránh trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án nhưng do không bị cạnh tranh có thể đẩy giá lên tới 150% hay 200%... 

* Nhà đầu tư lo chính sách thay đổi, thu phí thay đổi theo năm có thể giảm. Việc đảm bảo cho nhà đầu tư trước rủi ro chính sách thế nào? Nghị định PPP mới ra đời, ông có kỳ vọng làn sóng đầu tư mới sẽ vào VN?

- Khi đầu tư theo hình thức PPP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư và sẽ phải tuân thủ chứ không phải muốn làm gì thì làm. Chúng ta quen làm dự án đầu tư công, nhưng PPP hoàn toàn khác.

Tôi lấy ví dụ dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, khi Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị tiền sơ tuyển, các nhà đầu tư nêu họ được thu phí 30 năm. Nhưng nếu có xe hơn 30 tấn đi vào làm hỏng đường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phải làm lại đường vì các anh là người kiểm soát xe quá tải.

Nếu không, họ yêu cầu phải có chi phí cho họ kiểm soát xe quá tải suốt 30 năm. Họ cũng nói rất rõ trong 30 năm sau khi làm con đường này, Chính phủ VN không được làm con đường nào song song trong khoảng cách 30-50km. Có nghĩa là mọi việc đều phải rất rõ ràng, cụ thể, chứ không như đầu tư công.

Về làn sóng đầu tư mới, khi soạn nghị định, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giao nhiệm vụ rõ là ban soạn thảo phải đứng cả hai góc độ nhà quản lý và nhà đầu tư. Nếu chỉ đứng góc độ nhà quản lý thì nhà đầu tư họ không vào đâu. Phải hiểu nhà đầu tư họ lo cái gì, quan tâm cái gì. Nên chúng tôi phải sang tận Singapore để hội thảo, để nghe nhà đầu tư nói. 

* Hiện nay đã có rất nhiều trạm thu phí trên quốc lộ. Khi có PPP, theo ông, liệu có giảm bớt các trạm thu phí cho người dân không? Nên cho nhà đầu tư PPP khai thác quỹ đất bên cạnh các dự án PPP để giảm thu phí?

- Theo quy định về đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư thì có nhiều loại hợp đồng dự án khác nhau được áp dụng như: BOT, BTO, BT... Trong đó tại điều 2, khoản 5 của nghị định quy định: Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án.

 Như vậy căn cứ vào tính chất của từng dự án, khả năng quỹ đất hiện có, hiệu quả của việc sử dụng đất, khi lập và phê duyệt dự án PPP cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét việc áp dụng loại hợp đồng BOT hoặc kết hợp một phần BOT và một phần BT nhằm tăng tính khả thi của dự án và giảm mức thu phí.

* Ông Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN):

Cân nhắc các giải pháp ngoài thu phí

PPP là hình thức đầu tư cần thiết phải mở rộng vì nguồn lực nhà nước có hạn, và cũng đã có nhiều dự án PPP cho thấy kết quả tốt. Tuy nhiên, để phát triển các dự án PPP không chỉ có giải pháp cho tăng trạm thu và mức thu phí. Ví dụ như việc một nhà đầu tư bất động sản muốn đầu tư đường trên cao, bù lại họ được sử dụng một quỹ đất nhất định thì cũng nên cân nhắc đồng ý. Có thể dùng đất đai để bù cho nhà đầu tư bởi nếu không sẽ không có dự án, không có dự án thì không có hạ tầng.

Vấn đề nữa là làm sao để tính mức thu phí, thời gian thu phí phù hợp. Muốn thế phải minh bạch, công khai. Hiện nay có dự án PPP nhưng nhà đầu tư không thu phí trực tiếp từ người dân mà qua một doanh nghiệp khác, như nhà máy nước sạch thu phí qua công ty nước sạch thành phố. Sắp tới có thể có dự án xử lý nước thải thì họ sẽ thu phí qua giá bán nước sạch.  

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên