20/02/2019 11:20 GMT+7

Rối ren Brexit trước giờ G

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đã 'gửi gắm' vấn đề Brexit vào tay Chúa trời trong bối cảnh nước Anh đang dần tiến về hạn chót rời EU (29-3) mà chưa chốt được thỏa thuận 'ly hôn'.

Rối ren Brexit trước giờ G - Ảnh 1.

Ông Stephen Goodall, cựu quân nhân 96 tuổi của quân đội Hoàng gia Anh, mong được bỏ phiếu một lần nữa để giữ Anh ở lại EU - Ảnh chụp màn hình Aljazeera

Nước Anh sẽ rời EU ngày 29-3 và tới thời điểm này, theo báo Financial Times (Anh), Chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra bất cứ yêu cầu nào về việc xin gia hạn thêm thời gian đàm phán.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang nỗ lực để giành thêm những nhượng bộ khác từ "tổng hành dinh" EU ở Brussels nhằm thuyết phục Hạ viện thông qua nội dung thỏa thuận rời khối.

Về vấn đề Brexit, sự việc giống như khi đứng trước tòa hay trước biển khơi; chúng ta đang ở trong tay Chúa. Và chúng ta không thể biết chắc khi nào Chúa sẽ giải quyết vấn đề này

Ông Juncker tỏ vẻ bất lực khi trả lời báo Stuttgarter Zeitung (Đức) ngày 18-2 về tình hình giải quyết vấn đề Brexit hiện nay.

EU không phản đối gia hạn

Chủ tịch EC Juncker cũng nói sẽ không nước thành viên nào của EU phản đối nếu Anh muốn xin gia hạn thêm thời gian đàm phán, vượt quá thời hạn chót 29-3. Tuy nhiên ông cũng đề xuất khoảng thời gian kéo thêm không nên dài hơn vài tháng để tránh việc nước Anh sẽ lại là nơi tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện của EU trong tháng 5 năm nay.

"Tôi thấy khó hình dung về chuyện cử tri Anh sẽ lại đi bỏ phiếu lần nữa trong đợt bầu cử của châu Âu. Điều đó trong suy nghĩ của tôi sẽ thật là chuyện mỉa mai của lịch sử. Dù vậy tôi không thể loại trừ chuyện đó" - ông Juncker nói.

Nhiều quan chức EU cũng lưu ý đợt bầu cử khóa mới của Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra trong các ngày 23 đến 26-5 tới đây, cũng như việc quốc hội mới sẽ đi vào hoạt động từ đầu tháng 7, sẽ trở thành một mốc giới hạn thời gian tự nhiên buộc Brexit, nếu có xin gia hạn, cũng sẽ không thể vượt qua thời điểm cuối tháng 6 năm nay.

Ông Juncker đưa ra bình luận trong bối cảnh Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay tổ chức vòng đàm phán mới với người đồng cấp Michal Barnier tại Brussels cùng tổng công tố Anh Geoffrey Cox.

Tuy nhiên EU vẫn khẳng định sẽ không thay đổi bản thỏa thuận pháp lý 585 trang đã thống nhất được trước đó với bà May. Thủ tướng Anh dự kiến sẽ tới Brussels ngày thứ năm (21-2) để đàm phán tiếp với ông Juncker.

Honda tháo chạy khỏi Anh?

Trong ngày 18-2 nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn quốc tế đồng loạt đưa tin Honda thông báo kế hoạch tới năm 2021 sẽ rút nhà máy sản xuất của họ khỏi Swindon, cách thủ đô London của Anh khoảng 80 dặm về phía tây. 

Đây là nhà máy xe hơi lớn thứ tư của Anh và tạo ra khoảng 3.500 việc làm cho người dân địa phương. Đây cũng là nơi sản xuất các mẫu Honda Civic với 90% sản phẩm làm ra cung cấp cho thị trường châu Âu.

Từ lâu Vương quốc Anh là nơi đặt nhà máy phục vụ nhu cầu xe hơi ở châu Âu của các hãng xe hơi Nhật Bản như Honda, Nissan, Toyota. Tuy nhiên thời gian qua các hãng xe Nhật đã có những động thái rời bỏ trung tâm của châu Âu vì lo ngại những viễn cảnh làm ăn khó khăn hơn khi Anh không còn là thành viên EU.

Bất chấp trong thông cáo Hãng Honda lý giải việc rút khỏi Anh là vì "những thay đổi chưa có tiền lệ trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu", giới quan sát, đặc biệt các chuyên gia phân tích, khẳng định nguyên nhân chính là sự bất trắc của Brexit.

Nghị sĩ Đảng Bảo thủ, bà Sarah Wollaston MP, bình luận trên tài khoản Twitter: "Honda đã gia nhập với các hãng Nissan, Ford, JLR, Panasonic, Sony, Dyson, Philips, Hitachi, Toshiba, FlyBMI cho thấy những hậu quả trong thế giới thực của Brexit".

Thực tế, theo thống kê đến ngày 18-2 của Hãng tin Bloomberg, khoảng 250 doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán để di dời cơ sở từ Anh tới Hà Lan, tránh những rủi ro từ tình huống không thể đoán định hiện nay của Brexit. 

Trong năm 2018 đã có 42 công ty làm xong công tác dịch chuyển này. Ngoài Hà Lan, nhiều doanh nghiệp cũng đã/sẽ rời Anh để tới những nước khác như Đức, Pháp, Ireland.

"Cuộc chiến cuối cùng" của cựu chiến binh

Ở cái tuổi gần đất xa trời và đang phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng người lính già Stephen Goodall vẫn quyết tâm phải tham gia cuộc vận động yêu cầu chính quyền tổ chức lại cuộc trưng cầu ý dân lần hai có tên People's Vote về Brexit.

Đã từng luôn đứng về bên chiến thắng trong những cuộc chiến quá khứ, lần này ông Goodall hi vọng mình có thể tái lập thành tích đó với "cuộc chiến cuối cùng" là Brexit.

Ông Goodall ủng hộ châu Âu bởi: "Những kinh nghiệm của bản thân trong Thế chiến thứ hai đã khiến tôi tin rằng chúng ta phải bảo vệ một châu Âu hòa bình và dân chủ mà quá nhiều người trong thế hệ của chúng tôi đã hi sinh vì nó".

Đức cảnh báo ngừng dẫn độ công dân sang Anh ngay sau Brexit Đức cảnh báo ngừng dẫn độ công dân sang Anh ngay sau Brexit

TTO - Theo báo Financial Times ngày 17-2, Berlin cho biết sẽ ngừng dẫn độ công dân Đức sang Anh ngay sau khi Brexit xảy ra, kể cả trong trường hợp Anh đạt được thỏa thuận rời Liên minh châu Âu (EU).

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên