01/05/2014 10:35 GMT+7

Rời quê lúa đến với Điện Biên

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Trong chuyến đi khám bệnh cấp thuốc cho bà con xã Nà Hỳ (thuộc chương trình “Tháng 3 biên giới” của Tuổi Trẻ), chúng tôi đi cùng ôtô của bác sĩ Nguyễn Đức Thế, phó trưởng khoa ngoại - chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Kỳ 1: Theo lời Tướng Giáp, 1954 người lính quay lại Kỳ 2: Ngôi làng mang tên đại đội

cPO5bn6Y.jpgPhóng to
Nhân dân Điện Biên phát triển chăn nuôi để đóng góp thực phẩm cho chiến trường những năm 1960-1970 - Ảnh tư liệu

Vị bác sĩ mới ngoài 30 tuổi, đẹp trai và đầy tự tin. Cứ ngỡ Thế quê ở Điện Biên, trò chuyện mới hay anh là “thế hệ thứ ba” từ huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) lên đây xây dựng Điện Biên.

“Nhà tôi lên từ thời ông nội của tôi anh ạ, bố tôi khi ấy theo gia đình lên đây, ông chỉ mới 10 tuổi”. Thế kể về “sự tích” gia đình bắt đầu như thế.

Ký ức nhọc nhằn

Để có một Điện Biên như hôm nay, không chỉ có những cựu binh ở lại xây dựng nông trường mà còn có hàng ngàn hộ dân từ nhiều tỉnh châu thổ sông Hồng ngược lên Tây Bắc, trong đó đông nhất là dân của tỉnh Thái Bình. Lời kêu gọi đi xây dựng Điện Biên của Chính phủ ngày ấy đã được đông đảo người dân tỉnh này hưởng ứng.

Trong cuốn sách lịch sử Đảng bộ tỉnh, câu chuyện di dân lên Điện Biên ngày đó được viết ngắn gọn: “Thực hiện chủ trương của trung ương về vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã vận động chuyển 2.480 người, trong đó nhiều đảng viên, đoàn viên lên xây dựng 13 hợp tác xã”.

Hợp tác xã Tân Bình ở Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, là một trong số những nơi có đông đúc người Thái Bình lên xây dựng vùng kinh tế mới như thế. Ông Nguyễn Thế Nghi, bố của bác sĩ Thế, đã lớn lên, trưởng thành làm “xã viên” ở hợp tác xã đó.

Ông Nghi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về những ngày đầu lên Điện Biên cách nay đúng 50 năm: “Đấy là năm 1964, kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đó tôi cũng vừa tròn 10 tuổi. Sau này nghe bố tôi kể lại chứ bấy giờ còn bé quá đã biết gì đâu. Quê tôi ở xã Trung An (Vũ Thư, Thái Bình). Thấy bố mẹ kêu người tới bán nhà, ao, vườn rồi cả nhà dắt díu nhau lên ôtô đi “khai hoang vùng kinh tế mới Tây Bắc”.

Bố tôi, ông Nguyễn Đức Tín, khi ấy mới ngoài 50 tuổi, cùng mẹ tôi và đàn con sáu đứa gói ghém chăn màn áo quần vật dụng ra tập trung ở xã. Nhà cửa đã bán, đất ruộng trả lại cho hợp tác xã.

Ôtô chờ đón sẵn ở trụ sở xã. Mấy chiếc xe tải chở đồ đạc, mấy chiếc xe ca chở người, đi mất mấy hôm thì lên đến nơi, nhưng xe phải dừng ở Nà Tấu bởi không thể chạy vào Mường Phăng. Xuống xe đã chiều. Cả nhà cứ thế đi bộ, ông anh cả và hai bà chị của tôi cùng với tôi đều đi bộ.

Mẹ tôi đặt đứa em gái 6 tuổi và đứa em trai út 4 tuổi vào đôi quang gánh rồi quảy đi. Đi hơn 10 cây số thì tới Mường Phăng. Bốn bề heo hút, rừng núi âm u.

Anh cán bộ dẫn đoàn chỉ cho cả nhà một căn lán nhỏ rồi bảo: “Cả gia đình vào đây ở tạm!”. Hỏi ra mới biết căn lán ấy cũng của một hộ đi khai hoang từ dưới xuôi lên, chịu không nổi khổ cực vừa bỏ về từ tuần trước.

Mệt và đói, cả nhà cứ thế trải chăn chiếu ra đất ngủ vùi. Chừng 4g sáng hôm sau, trời còn tối mịt, chợt có tiếng ồn ào, cả nhà choàng dậy. Hóa ra lại có thêm hai hộ ở cạnh căn lán của chúng tôi cũng không chịu nổi khó khăn đã quyết định về xuôi.

Vậy là gồng gánh đi từ Mường Phăng cho kịp ra Nà Tấu đón xe về xuôi. Sau này bố tôi kể rằng lúc đó ông cũng hoang mang lắm, nhìn vợ và đàn con sáu đứa lít nhít rồi nhìn rừng núi mênh mông, không thể không “đấu tranh tư tưởng”! “Mình là đảng viên phải gương mẫu, nếu bỏ về như thế thì không được”, bố tôi nói với cả nhà như vậy.

Và từ hôm đó, 4-5 giờ sáng ông đã trở dậy vác phảng vác cuốc ra rừng. Đất Thái Bình tấc đất tấc vàng, lên đây đồng rừng mênh mông, sức bao nhiêu cứ khai phá bấy nhiêu. Là nông dân quen lam lũ cần cù, bố tôi làm gương cho cả nhà, cứ thế ruộng nương của gia đình được mở mang.

Dù lên đây Nhà nước có hỗ trợ mấy tháng lương thực ban đầu nhưng vẫn đói. Bố tôi đề ra “chiến lược” lấy ngắn nuôi dài, ban đầu trồng khoai trồng đỗ, khai phá ruộng kề suối để làm lúa nước, rồi lập thêm vườn trồng cam quýt, nuôi lợn nuôi gà. Giờ thì vắn tắt như thế, nhưng cũng mất ba bốn năm gia đình mới tạm đủ ăn, nói cho sách vở là “ổn định lương thực”.

Nhưng mà cũng hãi lắm chú ạ, những năm đó hổ còn về vồ trâu ở Mường Phăng như cơm bữa. Đêm đêm hổ đi tìm mồi, nhà nào nhà nấy đóng kín cửa. Có lần tận mắt tôi thấy hổ lao từ rừng ra bắt trâu của đồng bào dân tộc Thái ở đây, đồng bào gõ kẻng gõ thùng để đuổi nhưng nó vẫn điềm nhiên vật chết con trâu. Cơ cực ngày ấy không thể kể sao cho hết, nhưng tôi nghiệm ra mình cứ bền lòng rồi được đáp đền”.

Vc7L1JXj.jpg
Ông Nguyễn Thế Nghi trước hồ Pe Luông do ông đấu thầu 22ha mặt nước nuôi cá - Ảnh: Ngọc Quang

Và hi vọng bừng lên

Nhờ cần mẫn khai hoang, canh tác nên sau đó mỗi năm gia đình ông Nghi dư ra vài tấn thóc. Nhưng cũng phải 10 năm sau nữa mới có thể gọi là có của ăn của để.

“Năm 1974 ông mua được chiếc xe đạp, đó là cả một gia tài rất lớn lúc bấy giờ, rồi mua thêm được cái radio để nghe tin tức. Ở Mường Phăng ngày đó nhà nào có xe đạp, có radio được coi là khá giả”.

Cũng năm đó (1974) ông Nghi vào bộ đội, tham gia hết chiến dịch giải phóng Tây nguyên lại tiếp tục chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năm 1980, tranh thủ về phép, ông Nghi cưới vợ. Vợ của ông, bà Phạm Thị Sửu, cũng là con gái của một hộ gia đình ở Thái Bình đi kinh tế mới lên đây trước cả gia đình ông, từ năm 1961.

Từ Mường Phăng, năm 1986 ông Nghi quyết định đưa cả nhà ra thị trấn Điện Biên Phủ (thời điểm bấy giờ chỉ mới là thị trấn huyện lỵ).

Và cũng với cái gốc nông dân Thái Bình, lại được trui rèn qua quân ngũ, cuộc “kinh tế mới” của thế hệ thứ hai với ông Nghi được tiến hành bài bản hơn.

Cũng khai hoang vỡ đất nhưng bây giờ ông làm “kinh tế” bằng cách đào ao nuôi cá. Từ 5.000m2 ao cá, hai vợ chồng ông bắt đầu xây nhà cửa mặt phố, nuôi con cái học hành thành tài.

Khi tôi tìm gặp, ông Nghi đang ở trang trại của mình tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Hóa ra mát tay với nghề nuôi cá, mười mấy năm trước khi hồ thủy lợi Pe Luông vừa hình thành, ông đã đấu thầu 22ha mặt nước của hồ này nuôi cá.

Trong ngôi nhà thênh thang ở dưới chân đập, vừa trông coi một trang trại chừng 3ha với cây ăn quả và ao cá, vừa quản lý mấy nhân viên trông coi chăm sóc cá trong lòng hồ Pe Luông.

Ngoài bác sĩ Thế, con trai đầu, con gái thứ hai Nguyễn Thị Thắm đang là giảng viên dạy ở Trường đại học Kinh tế quốc dân dưới Hà Nội.

Điện Biên kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử thì hành trình lìa xa quê xứ lên với Điện Biên của gia đình ông Nghi cũng vừa tròn 50 năm.

Nửa thế kỷ đã qua, từ ngày cậu bé Nghi lên 10 tuổi đi bộ 10 cây số đường rừng để vào Mường Phăng, đêm đêm run rẩy nghe cọp gầm vượn hú, và hôm nay người đàn ông tráng kiện vào tuổi 60, tự tay cầm lái ôtô như con thoi từ thành phố vào trang trại, con cái thành đạt, có lẽ cũng chính là đền bồi của mảnh đất này dành cho những ai bền lòng yêu dấu cùng miền đất cuối trời Tây Bắc Tổ quốc.

Tôi chợt nhớ tới một câu trong truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải, câu chuyện lấy bối cảnh về Điện Biên những ngày sau chiến thắng khi những số phận từ nhiều miền đất đến đây, đối mặt với thách thức gian nan, thì cuối cùng vẫn có một kết thúc có hậu.

Cái câu “triết lý” của nhà văn là: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...”.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên