06/11/2014 11:05 GMT+7

Rối loạn tiền đình: Chẩn đoán đúng, điều trị được

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Nhiều người khi bị chóng mặt thường được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiền đình. Tuy nhiên vì sao bị bệnh, ngay cả bác sĩ có khi chưa xác định được.

Theo bác sĩ, tập thể dục bằng cách đi bộ giúp phòng ngừa rối loạn tiền đình - Ảnh: N.C.T.
Theo bác sĩ, tập thể dục bằng cách đi bộ giúp phòng ngừa rối loạn tiền đình - Ảnh: N.C.T.

“Rối loạn tiền đình là triệu chứng rất mơ hồ, không nói lên điều gì cả và người bác sĩ giỏi phải xác định được bệnh nhân bị rối loạn tiền đình do bệnh gì để chữa trị hiệu quả” - PGS.TS Đặng Xuân Hùng, phó chủ tịch Hội Tai mũi họng TP.HCM và các tỉnh phía Nam, cho biết.

90-95% bệnh nhân rối loạn tiền đình ngoại biên

Theo PGS Xuân Hùng, có hai loại rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình ngoại biên thuộc chuyên khoa tai mũi họng và rối loạn tiền đình trung ương thuộc chuyên khoa nội thần kinh.

Trong đó 90-95% bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên, còn lại là rối loạn tiền đình trung ương. Rối loạn tiền đình ngoại biên có đặc điểm khởi phát đột ngột với cường độ nặng trong khoảng vài giây, vài phút hoặc vài giờ, có thể kèm theo triệu chứng ù tai.

Còn rối loạn tiền đình trung ương khởi phát từ từ hoặc đột ngột với cường độ trung bình nhưng kéo dài có khi vài tuần hoặc vài tháng.

Nguyên nhân của rối loạn tiền đình ngoại biên gồm có: viêm thần kinh tiền đình do siêu vi gây ra, viêm tiền đình, bệnh meniere, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp.

Nguyên nhân của rối loạn tiền đình trung ương thường gặp nhất là migranie, nhiễm trùng não, suy động mạch cột sống thân nền, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác.

Với bệnh rối loạn tiền đình trung ương, ngoài triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng, bệnh nhân còn có các triệu chứng thần kinh khác như liệt... Ngoài ra, một số bệnh lý như tiểu đường, nhược giáp, thuốc... cũng có thể gây rối loạn tiền đình.

Khi bị rối loạn tiền đình, người bệnh có nhiều cảm giác như chóng mặt, mất thăng bằng, choáng váng, lảo đảo, bồng bềnh.

Trong đó chóng mặt là biểu hiện đặc thù của rối loạn tiền đình ngoại biên, còn mất thăng bằng là biểu hiện đặc thù của rối loạn tiền đình trung ương. Cần lưu ý, chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên là triệu chứng tự giới hạn, tức không cần điều trị thì trong vòng bảy ngày bệnh cũng sẽ tự hết...

Phụ nữ dễ mắc bệnh

“Rồi loạn tiền đình là bệnh thường gặp ở phụ nữ, hay xảy ra ở người yếu tâm lý, tâm lý không ổn định, hay hoảng hốt, lo sợ.

Khi tiếp xúc nhiều với mùi thực phẩm như bơ sữa, rượu, cà phê, thuốc lá... phụ nữ cũng dễ bị tác động rất mạnh. Có những người chỉ cần ngửi thấy mùi của những thực phẩm trên là cảm thấy quay cuồng, chóng mặt.

Ngoài ra, mỗi lần có kinh nguyệt phụ nữ cũng dễ bị rối loạn tiền đình với triệu chứng chủ yếu là chóng mặt. Trong khi nam giới ít bị bệnh hơn do tâm lý vững vàng hơn” - PGS Xuân Hùng cho biết như vậy.

Ngoài ra, theo PGS Xuân Hùng, rối loạn tiền đình còn hay gặp ở phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh (45 tuổi). Những người về hưu cũng bị rối loạn tiền đình rất nhiều, đặc biệt là những người có chức khi còn đang làm việc.

Nguyên nhân là do đang từ môi trường làm việc sôi động, năng nổ sang môi trường về hưu buồn tẻ, đơn điệu nhưng chưa kịp chuẩn bị tâm lý nên người về hưu rất dễ bị stress (căng thẳng thần kinh), chóng mặt, ù tai, nghe kém và có biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật như tim đập nhanh, mặt tái mét, lo âu, hoảng hốt, sợ hãi.

Cần lưu ý, với người bị rối loạn tiền đình không nên cách ly môi trường làm việc vì càng cách ly môi trường làm việc thì càng chóng mặt nhiều hơn, thậm chí còn bị ù tai, hoa mắt, lảo đảo, tâm trí rối loạn. Cách tốt nhất là tránh làm việc quá sức để tránh bị rơi vào stress.

Phòng bệnh bằng đi bộ, aerobic

Theo PGS Đặng Xuân Hùng, với rối loạn tiền đình ngoại biên, cách tốt nhất để không bị bệnh là phải biết cách phòng ngừa.

Thứ nhất là phòng ngừa bằng cách thường xuyên đi khám sức khỏe để phát hiện những bệnh lý nội khoa gây chóng mặt như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý về tri giác...

Khi phát hiện sớm và điều trị được bệnh gốc sẽ không bị rối loạn tiền đình ngoại biên. Thứ hai là tập thể dục bằng cách đi bộ và dang tay hít thở giúp người không bị mất thăng bằng, đặc biệt là tập aerobic, đây là phương pháp cực kỳ quan trọng và hiệu quả.

Nếu không phòng ngừa hoặc không điều trị, bệnh sẽ tái đi tái lại hoài không hết, người bệnh dễ có nguy cơ bị té, thậm chí bị chấn thương sọ não do chóng mặt, mất thăng bằng khi đang chạy xe hoặc đi bộ.

Ngoài việc phòng bệnh thì sự trấn an của bác sĩ khi khám bệnh cũng rất quan trọng, giúp bệnh nhân giảm ngay các triệu chứng rối loạn tiền đình ngoại biên. Người bệnh cũng không nên quá lo lắng.

Nếu người bệnh không an tâm, cứ chạy hết bác sĩ này đến bác sĩ khác điều trị lòng vòng lại càng thêm lo lắng, hoảng hốt sẽ làm cho triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa càng dữ dội hơn.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên