01/02/2011 11:17 GMT+7

Rối loạn ở sân bay Cairo

Ai sẽ là nhân vật được nhắc tới nhiều trên chính trường Ai Cập trong tương lai?
Ai sẽ là nhân vật được nhắc tới nhiều trên chính trường Ai Cập trong tương lai?

TTO - Đến chiều 1-2, sân bay quốc tế Cairo vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng rối loạn khi hàng ngàn người nước ngoài chen nhau lên các chuyến bay đặc biệt để về nước hoặc ra nước ngoài nhằm tránh các cuộc bạo động tại Ai Cập kéo dài sang ngày thứ tám vào hôm nay.

* Dân Ai Cập biểu tình quy mô lớn ngày thứ 8 liên tục

qGmKAxGG.jpgPhóng to
Du khách Sheryl Horowitz (phải) ôm giám đốc tour Nancy Davis sau khi được di tản đến sân bay Athens (Hy Lạp) từ Ai Cập ngày 31-1-2011. Ảnh: AP

Trong khi đó, hôm nay cũng là ngày biểu tình quy mô rộng, với hàng triệu người tham gia nhằm lật đổ chính phủ độc tài quân sự của Tổng thống Hosni Mubarak, 82 tuổi, nắm quyền kiểm soát đất nước 30 năm qua.

Ngày càng có nhiều nước đã điều máy bay đến để đưa công dân của mình tại Ai Cập về nước. Các cửa kiểm soát vé không có đủ người làm bởi các nhân viên hàng không Ai Cập không thể đến sân bay làm việc do lệnh giới nghiêm và cấm đường tại thủ đô Cairo.

Bản thân những người di tản cũng không thể tới sân bay. Sân bay Larnaca (Đảo Cyprus) cho biết, 700 người dự kiến sẽ tới trong ngày hôm qua, tuy nhiên, chiều tối chỉ có máy bay của Không lực Mỹ chở 42 nhà ngoại giao và thành viên gia đình họ tới được sân bay.

Nhiều chuyến bay đã bị hoãn, dù chính phủ Cyprus thông báo sẽ cho phép bất kỳ nước nào sử dụng sân bay và các phương tiện sẵn có tại đây để di tản công dân khỏi Ai Cập.

Chính phủ Mỹ đã chính thức đề nghị chính phủ Cyprus hỗ trợ, và một trung tâm giải quyết tình trạng khẩn cấp đã được thiết lập ở sân bay Larnaca để theo dõi mọi hoạt động bất thường.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã sơ tán hơn 1.200 người Mỹ trên các chuyến bay do chính phủ thuê và hy vọng sẽ đưa được thêm khoảng 1.400 công dân Mỹ ra khỏi Ai Cập trong những ngày tới. Đại sứ quán Trung Quốc tại cho biết hai máy bay của nước này đã đưa tổng cộng 480 công dân Trung Quốc rời Ai Cập về nước và hai máy bay khác sẽ tới Cairo hôm nay để đưa khoảng 424 công dân Trung Quốc đang chờ ở sân bay.

Canada cũng đã điều hai máy bay đưa khoảng 500 công dân rời Ai Cập. Chính phủ Canada hỗ trợ khoảng 400USD cho mỗi vé trên hai chuyến bay đặc biệt này. Trong khi đó, chính phủ liên bang Úc đã thuê một chiếc máy bay của hãng Qantas để sơ tán công dân nước này khỏi Ai Cập.

Nhưng phải tới ngày mai (2-2) chiếc máy bay này mới tới được sân bay Cairo. Indonesia cũng có kế hoạch đưa máy bay quân sự sang Ai Cập để sơ tán hơn 6.000 công dân về nước.

Nhật Bản cho biết đã điều nhiều máy bay khẩn cấp để sơ tán hàng trăm công dân Nhật Bản. Hãng hàng không Thái Lan cũng đã lên kế hoạch cử một chuyến bay đặc biệt tới Cairo để sơ tán khách du lịch người Thái tại đây. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã đưa 1.144 công dân về nước trên 5 chiếc máy bay đêm 30-1. Trước đó, nước này đã đưa 330 người rời Cairo.

Với vị trí chiến lược ở đông Địa Trung Hải, Cyprus từ lâu được xem là địa điểm tìm đến của những người dân muốn thoát khỏi xung đột ở quê hương của mình, chủ yếu là người Lebanon. Khoảng 60 ngàn người đã chạy tới hòn đảo này trong cuộc chiến tranh 34 ngày với Israel năm 2006.

Đến nay, dù liên tục nhắc lại quan điểm chính phủ Ai Cập cần phải có hành động để thay đổi tình hình, cải cách chính trị và kinh tế để đáp ứng yêu cầu của dân chúng, Mỹ vẫn chưa chính thức tuyên bố ủng hộ Tổng thống Hosni Mubarak – đồng minh quan trọng của Mỹ tại thế giới Arab - tiếp tục lãnh đạo quốc gia Trung Đông.

Nhận định về việc chính phủ Ai Cập cải tổ nội các, chỉ định thêm các gương mặt mới như phó Tổng thống đầu tiên trong 30 năm qua ở Ai Cập, phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs nói: "Đây không phải là việc chỉ định hay bổ nhiệm nhân vật, mà là hành động ra sao”.

Ông Robert cũng cho biết Mỹ không chọn phe đường phố hay phe chính phủ để hỗ trợ, vì chuyện này không phải tùy vào Mỹ, mà là người Ai Cập sẽ quyết định kết quả của các cuộc biểu tình. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley cho biết, cựu đại sứ Mỹ tại Ai Cập Frank Wisner đang ở Cairo để gặp các lãnh đạo nước này, và kêu gọi Ai Cập chất dứt luật khẩn cấp.

Theo Reuters, phản ứng trước các cuộc biểu tình đổ máu suốt một tuần qua tại Ai Cập, ông Amr Mussa, Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) cũng là cựu Ngoại trưởng Ai Cập rất được lòng dân đã lên tiếng kêu gọi một quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Được biết, nhiệm kỳ Chủ tịch AL của ông Mussa sẽ kết thúc trong vòng hai tháng nữa và ông được cho là người có nhiều khả năng kế nhiệm Tổng thống Hosni Mubarak.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Ai Cập xúc tiến "một quá trình chuyển giao có trật tự", hướng tới "các cuộc bầu cử tự do và công bằng". Trong một tuyên bố chung, các Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU hối thúc chính quyền đưa ra cách tiếp cận từng bước, trong đó bước khởi đầu là thành lập chính phủ lâm thời và hoàn tất bằng một cuộc bầu cử dân chủ.

Dân Ai Cập biểu tình quy mô lớn ngày thứ 8 liên tục

Các cuộc biểu tình quy mô lớn của Ai Cập vẫn tiếp tục vào hôm nay, 1-2-2011, để lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Quân đội Ai Cập tuyên bố mong muốn của người dân là chính đáng, và sẽ không nổ súng bắn vào dân đang biểu tình trong hòa bình.

moPAT1hz.jpgPhóng to
Người dân biểu tình tại Ai Cập - Ảnh: AP

"Sự hiện diện của các lực lượng vũ trang trên đường phố Ai Cập là để bảo vệ an toàn và hòa bình cho dân chúng” – người phát ngôn lực lượng này thông báo trên truyền hình - "Các lực lượng vũ trang của các bạn sẽ không dùng bạo lực chống lại những con người tuyệt vời, những người luôn có vai trò quan trọng trong mọi thời khắc của lịch sử vĩ đại của Ai Cập".

Ông Mubarak, 82 tuổi, đã nắm quyền Tổng thống 30 năm nay, vừa ra mắt nội các mới, trong đó thay Bộ trưởng Nội vụ bị người dân không ưa vì lạm dụng quyền lực, vi phạm nhân quyền. Phó Tổng thống vừa được chỉ định (lần đầu tiên có chức danh này trong 30 năm tại Ai Cập) đã thông báo muốn thương lượng với phe đối lập. Người biểu tình vẫn tiếp tục công việc trong 8 ngày qua của họ với mục tiêu duy nhật là lật đổ Tổng thống.

Những người biểu tình thông báo đợt đình công kéo dài không hạn định, kêu gọi hàng triệu người xuống đường phố Cairo. Đến nay đã có ít nhất 125 người thiệt mạng ở cả phía người biểu tình và lực lượng an ninh.

Trong cuộc biểu tình phản đối chưa từng có trong lịch sử nắm quyền của mình, ông Mubarak, dưới áp lực ngày càng lớn, đã chỉ định một Thủ tướng mới. Nhưng người biểu tình không cho đó là sự thay đổi: “Chúng tôi không chấp nhận sự thay đổi nào, ngoài việc Mubarak phải ra đi” - một người biểu tình nói. Còn người biểu tình Rifat Ressat nhấn mạnh ông muốn thay đổi chính phủ hoàn toàn, là chính phủ dân sự.

Cảnh sát đã được lệnh xuất hiện trở lại sau khi biến mất kể từ khi quân đội được triển khai đối mặt với người biểu tình. Dù cảnh sát biến mất mà không đưa ra lý do chính thức, thành phố đã trở nên hỗn loạn với nạn cướp bóc, vượt tù, và người dân buộc phải tự vũ trang bằng tất cả những gì có thể để bảo vệ mình.

Có những lúc tình hình ở Ai Cập dường như đang vượt ra khỏi sự kiểm soát. Những tên cướp đã xông vào bảo tàng, cướp đi những chiếc đầu của các xác ướp Ai Cập, còn người dân bắt đầu tập hợp thành từng nhóm, tự vũ trang để bảo vệ mình trước các mối nguy xung quanh.

Những tên cướp đã đột nhập vào Bảo tàng Ai Cập nổi tiếng ở Cairo, vặt đi 2 cái đầu xác ướp và làm hư hại khoảng 10 hiện vật quý giá khác trước khi bị quân đội bắt giữ. Theo Giám đốc bảo tàng, ông Zahi Hawass, các hiện vật hiện đang được bảo quản và giám sát kỹ với sự hỗ trợ của quân đội.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak vẫn đang lan rộng ở khắp Ai Cập. Đường phố trở nên hỗn loạn. Do lo ngại những kẻ xấu lợi dụng tình hình để cướp bóc, quân đội đã phải cử những lực lượng vũ trang tới Kim tự tháp Giza, thành phố đền Luxor và những khu vực khảo cổ chính khác tại Ai Cập để bảo vệ.

Giám đốc Hawass cho rằng, cho dù bộ sưu tập của Bảo tàng Ai Cập được bảo vệ khỏi cặp mắt cú vọ của trộm cắp, thì mối nguy hiểm nhất hiện nay chính là các trụ sở của đảng cầm quyền NDP ngay bên cạnh.

“Một khi tòa nhà đó bị sập, thì nó sẽ đè lên bảo tàng”. Mỗi năm, bảo tàng, nơi đang lưu giữ chiếc mặt nạ vàng của Vua Tutankhamun thu hút hàng triệu du khách tới tham quan mỗi năm, và hàng ngàn các hiện vật chứng minh lịch sử vô cùng giàu có của Ai Cập trong 4.000 năm.

Ông Thomas Campbell, Giám đốc của Bảo tàng nghệ thuật thành phố New York nhận định, nếu các di vật đó bị hư hại, cướp bóc, thì đó sẽ là sự mất mát cho cả loài người, và toàn bộ di sản đó sẽ không thể thay thế được.

Vì bảo tàng ở vị trí diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn nhất, căng thẳng nhất ở thủ đô Cairo, quân đội Ai Cập đã phải kiểm soát tòa nhà và các tầng hầm 1 ngày trước. Những người dân Cairo cũng tạo thành “dây người” bảo vệ vòng quanh bảo tàng trước khi quân đội đến.

Trong khi đó, chính phủ các nước đã khuyến cáo công dân nước mình hạn chế đến Ai Cập, và thúc giục những người đang ở Ai Cập nên nhanh chóng di tản các sớm càng tốt khi tương lai Ai Cập vẫn chưa rõ ràng sau 1 tuần người dân nổi dậy chống chính quyền.

Đưa công dân di tản khỏi Ai Cập

KPBtKlMY.jpgPhóng to
Ảnh AP
Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan đưa ra các khuyến cáo nghiêm khắc với người dân, riêng đại sứ quán Mỹ ở Cairo cho biết các chuyến bay đầu tiên sẽ bắt đầu vào chiều nay (giờ VN) dành cho người công dân Mỹ muốn “rời đến các địa điểm an toàn hơn ở châu Âu”.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Lawrence Cannon cho biết, các chuyến bay của nước này đưa người Canada sang 1 quốc gia châu Âu khác cũng sẽ bắt đầu sớm. Danh sách các quốc gia khuyến cáo công dân không tới Ai Cập ngày càng dài, trong đó có Trung Quốc, Áo, Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Phần Lan, Nga và Ba Lan.

Những nhóm dân tự vũ trang bằng cuốc, gậy, dây xích, súng, và thậm chí cả roi đang hình thành để tự vệ và bảo vệ an toàn ở 1 số khu dân cư. Internet vẫn tiếp tục bị cắt khi chính phủ muốn hạn chế khả năng tổ chức các cuộc biểu tình mới chống Tổng thống Hosni Mubarak của phe đối lập. Các quan chức Mỹ thông báo họ không gửi được tin nhắn để khuyến cáo an toàn cho người dân.

Bất ổn hiện nay chắc chắn ảnh hưởng tới ngành du lịch quan trọng của Ai Cập, ít nhất trong thời gian trước mắt. Du lịch chiếm 5-6% GDP, và là 1 trong 4 nguồn thu từ nước ngoài quan trọng nhất với Ai Cập.

Phát ngôn viên của BP PLC, Robert Wine, cho biết dù BP đã hoạt động ở Ai Cập 40 năm, nhưng công ty này cũng đang xem xét đưa gia đình nhân viên ra khỏi Ai Cập. “Chúng tôi bị bỏ lại ở 1 đất nước không có trật tự an ninh gì cả ” - Mehmet Buyukocak, đã làm ở Ai Cập 6 năm, cho kênh NTV của Thổ Nhĩ Kỳ biết khi ông đặt chân tới Istanbul. “Người dân Ai Cập làm những điều họ muốn. ... Quân đội không can thiệp gì. Họ chỉ quan sát”.

“Ngay cả nếu Mubarak từ chức, thì sẽ vẫn hỗn loạn”

Những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí, doanh nhân của Ai Cập cũng đã rời đất nước trên các chuyến bay thuê riêng trong 2 ngày qua.

Đến nay, Tổng thống Hosni Mubarak đã đồng ý thảo luận về các vấn đề cải cách với các phe đối lập. Phó Tổng thống Omar Suleiman cho biết ông Mubarak đã yêu cầu ông bắt đầu lên kế hoạch về cải cách hiến pháp và luật trên nền tảng hợp tác với các chính đảng khác. Tuy nhiên, chưa rõ cụ thể những cải cách thay đổi đó là gì, và các phe đối lập cũng vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức.

Trong khi đó, Chính phủ Cairo tiếp tục hạn chế dân chúng đi lại, giảm các phương tiện giao tiếp. Tàu bị ngưng hoạt động, binh lính có mặt ở các điểm giao lộ. Bộ Thông tin Ai Cập cho biết, mạng di động đã ngưng hoạt động.

Hãng AFP cho biết, Thư ký Liên đoàn Arab, Amre Moussa, người từng là Bộ trưởng Ngoại giao của ông Mubarak, đã lên tiếng kêu gọi chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Trong khi đó, Liên minh châu Âu kêu gọi Ai Cập chuyển giao thể chế trong trong hòa bình.

Ông Mubarak đến nay vẫn không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ người biểu tình hay từ chức.

Mohamed Elbaradei

Cựu giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế của LHQ (IAEA), 68 tuổi. Ông trở về Ai Cập năm 2010 sau khi đoạt giải Nobel hòa bình cùng IAEA năm 2005. Có nền tảng học vấn là luật sư, ông đã chính thức tham gia chính trường khi tuyên bố Ai Cập cần sự thay máu hoàn toàn, và chấm dứt chế độ độc tài của người cầm đầu quân đội như Mubarak.

Ông đã khiến nhiều nhà đấu tranh dân chủ thất vọng khi vài tháng qua rời khỏi Ai Cập, nhưng nay ông đã trở về, tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ trong chính quyền chuyển tiếp. Ông đã có bài phát biểu với những người biểu tình ở quảng trường Tahrir, trung tâm Cairo.

Mohammed Badie

Badie, 66 tuổi, là thủ lĩnh phong trào đối lập lớn nhất Ai Cập, Tổ chức Anh em Hồi giáo. Badie được đánh giá là hơi bảo thủ, một nhân vật điển hình của các lãnh đạo tổ chức. Chính phủ tuyên bố tổ chức này bị cấm hoạt động, nhưng vẫn cho phép hoạt động trong giới hạn.

Ayman Nour

Chính trị gia và luật sư có tư tưởng tự do. Là đối thủ chính trị của ông Mubarak năm 2005 nhưng thất bại. Ông bị tù với cáo buộc sử dụng giấy tờ giả khi thành lập Đảng Ghad (Ngày mai). Sau khi bị tù 3 năm trong tổng số án 5 năm, ông được thả ra.

Amr Moussa

Tổng thư ký Liên đoàn Arab, cựu Ngoại trưởng của ông Mubarak, ủng hộ Palestine. Việc ông tham gia vào Liên đoàn Arab, tổ chức bị đánh giá là bảo thủ, ủng hộ những nhà cầm quyền Arab hiện nay, đã ảnh hưởng tới hình ảnh của ông.

Tuy nhiên, có nhiều người Ai Cập tuyên bố sẽ ủng hộ ông là Tổng thống. Kể từ khi biểu tình nổ ra, ông đưa ra khá nhiều tuyên bố. Gần đây nhất vào ngày 31-1, ông nói muốn có nền dân chủ đa đảng ở Ai Cập.

Tin bài liên quan:

Ai Cập có Phó Tổng thống sau 30 năm Tổng thống Ai Cập muốn “xóa bài làm lại”Mubarak: thay đổi hay sụp đổ?Ai Cập: biểu tình đòi lật đổ tổng thống lan rộngChính phủ Ai Cập trấn áp biểu tìnhCăng thẳng ở Ai CậpAi Cập chao đảo vì biểu tình đòi lật đổ tổng thống

Ai sẽ là nhân vật được nhắc tới nhiều trên chính trường Ai Cập trong tương lai?
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên