30/01/2011 05:31 GMT+7

Tổng thống Ai Cập muốn "xóa bài làm lại"

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Ngày 29-1 Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố đã yêu cầu chính phủ từ chức, trong bối cảnh hàng ngàn người biểu tình quyết tâm chống lại lệnh giới nghiêm của nhà chức trách dù quân đội đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực công cộng.

Ít nhất 38 người đã thiệt mạng, trong đó có 10 nhân viên an ninh, khi đối đầu với cảnh sát được trang bị đầy đủ vũ khí trong năm ngày qua.

sQvO9uGn.jpgPhóng to
Xe bọc thép của quân đội bị người biểu tình đốt cháy ở thủ đô Cairo ngày 28-1 - Ảnh: Reuters

“Tôi đã yêu cầu chính phủ từ chức và ngày 30-1 sẽ lập chính phủ mới” - ông Mubarak tuyên bố trong thông điệp gửi khuya 28-1. Trong khi đó, xe tăng đã lăn bánh vào các thành phố lớn, lực lượng cảnh sát quốc gia đã đàn áp được đa số lực lượng biểu tình, dù những người biểu tình đốt cháy nhiều trụ sở cảnh sát và xe của giới chức ở Cairo, Alexandria.

Theo AFP, ngay sau bài phát biểu của ông Mubarak, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút tới Cairo. Phát biểu sau đó với báo giới từ Nhà Trắng, ông Obama cho biết đã nói với ông Mubarak như sau: “Trách nhiệm của ông là thực hiện cho được những gì mình đã nói, có những bước đi và hành động cụ thể để giữ lời hứa (dân chủ hơn, kinh tế tốt hơn)... Bạo lực sẽ không giải quyết được cơn giận dữ của người Ai Cập. Đàn áp không bao giờ khiến người dân từ bỏ ý định lật đổ chính phủ”. Nhà Trắng tuyên bố sẽ xem xét lại viện trợ cho Ai Cập dựa trên tình hình hiện nay và trong những ngày tới.

Cho đến nay ông Mubarak, 83 tuổi, làm tổng thống 30 năm qua, không hề đưa ra ý định từ chức và rời khỏi Ai Cập. Ông Mubarak cương quyết: “Tôi đảm bảo sẽ hợp tác với dân chúng, cho phép tự do bộc lộ ý kiến nếu dân chúng tôn trọng pháp luật. Ranh giới giữa tự do và bạo loạn rất mong manh”.

Dù thừa nhận các cuộc biểu tình để dân chúng thể hiện yêu cầu hợp pháp về một chế độ dân chủ, xã hội an toàn hơn, điều kiện sống tốt hơn, chống đói nghèo và trừng trị tham nhũng, ông tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố: “Dù chúng ta đang đối mặt với vấn đề gì đi nữa thì cũng không có lý do gì để biện minh cho những hành vi bạo lực hay vô luật pháp (của nhân dân)”.

Nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã cảnh báo công dân không đến Ai Cập nếu không cần thiết. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo chuẩn bị sơ tán đại sứ quán khỏi Cairo. Nhiều hãng hàng không tạm ngưng đường bay tới Cairo không hạn định.

Ngân hàng Trung ương Ai Cập tuyên bố đóng cửa toàn bộ ngân hàng và thị trường chứng khoán vào hôm nay, kỳ thi đại học giữa kỳ cũng bị hoãn.

Hàng chục ngàn người biểu tình vẫn tiếp tục hiện diện trên đường phố Ai Cập, cho dù lệnh giới nghiêm bắt đầu vào lúc 16g ngày 29-1 (tức 21g giờ VN). Lần đầu tiên trong 30 năm ông Mubarak nắm quyền, ông đã bổ nhiệm giám đốc cơ quan tình báo quốc gia làm phó tổng thống.

Tin bài liên quan:

Mubarak: thay đổi hay sụp đổ?Ai Cập: biểu tình đòi lật đổ tổng thống lan rộngChính phủ Ai Cập trấn áp biểu tìnhCăng thẳng ở Ai CậpAi Cập chao đảo vì biểu tình đòi lật đổ tổng thống

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên