Phóng to |
Hơi cay được xịt khắp quảng trường để giải tán đám đông - Ảnh: AFP |
Hãng tin AP cho biết cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc và là hiệu ứng lan từ Tunisia. Trên quảng trường Tự do ở trung tâm Cairo - nơi chỉ cách tòa nhà chính phủ Ai Cập vài bước chân, các đám đông lên đến 30.000 người hô to: “Đả đảo Hosni Mubarak! Chúng tôi không cần ông”.
Đến đêm hôm qua, hàng nghìn người biểu tình vẫn đứng ngoài trời để chắn đường và dựng bục diễn thuyết quanh tòa nhà chính phủ. Một lực lượng an ninh cỡ hàng nghìn người đã đến lúc 1g sáng và bắt người biểu tình, dồn đuổi họ vào các ngõ nhỏ và xịt hơi cay khắp quảng trường. Người dân gục xuống đất vì khó thở.
Tiếng đạn từ vũ khí tự động vang lên khi cảnh sát đuổi một số người biểu tình vào con đường dọc theo sông Nile ở khu thị tứ của Cairo. AP mô tả khoảng 20 cảnh sát đã quây đánh rất mạnh một người biểu tình bằng dùi cui.
Phóng to |
Gigi Ibrahim - một trong những người biểu tình cuối cùng rời quảng trường, cho biết: “Mọi thứ kết thúc thật tồi tệ, nào là bắn đạn, phụt vòi rồng, dồn đuổi bằng gây gộc. Tôi bị một vật giống như đá chọi vào lưng. Một số người còn bị bắn vào mặt”. Nhiều người phải lên xe cấp cứu với máu túa ra trên mặt.
Trong đợt trấn áp của cảnh sát, một số người biểu tình trở nên hung hãn và đập tan một chốt cảnh sát, kéo lê nó đi rồi phóng hỏa. Một xe cảnh sát bị lật và đốt chát đằng sau bảo tàng Ai Cập. Người biểu tình cũng đốt một rào chắn kim loại và chặn cầu lớn trên sông Nile. Người ta nhìn thấy cảnh sát còng tay một nhà báo, đập vỡ kính và tịch thu máy ảnh của cô.
Đã có 2 dân thường chết ở thành phố Suez và 1 cảnh sát thiệt mạng vì bị đá ném vào đầu.
“Chúng tôi muốn thay đổi như Tunisia”
“Đây là lần đầu tiên tôi đi biểu tình vì Ai Cập gần đây đã trở thành một quốc gia hèn kém”, Ismail Syed, một nhân viên khách sạn phải vật lộn mưu sinh với lương 50 USD một tháng, nói. “Chúng tôi muốn nhìn thấy sự thay đổi, giống như Tunisia”.
Phóng to |
Người dân dùng mọi phương tiện để chống lại cảnh sát - Ảnh: AFP |
Cuộc biểu tình ở Tunisia có một người chết, đó là một người bán rau nghèo khó đã tự đốt cháy thân mình để phản đối nạn nhũng nhiễu. Hành động đó được ít nhất 6 người Ai Cập làm theo.
Cũng giống như cuộc biểu tình ở Tunisia, lời hiệu triệu ở Ai Cập được tung lên Facebook và Twitter và được 90.000 người hưởng ứng. Các nhà tổ chức biểu tình cập nhật từng phút các hướng dẫn về nơi tập trung để đối phó với cảnh sát.
Đại diện của Twitter cho biết dịch vụ của họ bị Ai Cập chặn vào lúc 11g sáng qua (11g tối qua theo giờ VN) và khiến các ứng dụng của họ bị ảnh hưởng.
AP cho hay gần một nửa trong 80 triệu dân Ai Cập sống dưới hoặc chỉ nhỉnh hơn mức nghèo đói mà Liên Hiệp Quốc đưa ra, nghĩa là 2 USD/ngày. Nạn đói lan rộng, tỉ lệ thất nghiệp cao và giá cả lương thực, thực phẩm không ngừng tăng đã khiến người dân phẫn nộ và gây áp lực lên chính quyền của ông Mubarak.
“Tôi ủng hộ sự thay đổi”, Sami Imam, một giáo viên về hưu 53 tuổi, bày tỏ. “Cảnh sát không thể giết chúng tôi vì chúng tôi có mục đích rõ ràng. Chúng tôi sắp chết đói rồi”.
Một ông bố của 4 đứa con cho biết ông đã không đến hàng thịt trong 6 tháng qua vì không thể mua nổi thịt.
Hơn nữa, ông Mubarak, hiện 82 tuổi và đang ốm yếu, vẫn chưa quyết định cụ thể về tương lai đất nước. Ông không chỉ định một cấp phó nào kể từ khi nắm quyền vào năm 1981 và có thể con trai ông sẽ kế nhiệm. Cuộc bầu cử nghị viện mà đảng Dân chủ quốc gia của ông giành chiến thắng cũng được coi là có gian lận.
Trong vài tuần gần đây, ông Mubarak và con trai liên tục hứa đảm bảo cải cách kinh tế như những lời hứa vài chục năm qua. Nhưng những điều đã qua khiến người dân không thể tin tưởng.
“Người dân Ai Cập có quyền thể hiện quan điểm của họ”, Ngoại trưởng Hosam Zaki của nước này nói. Tại Washington, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết Ai Cập - đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông, vẫn ổn định và người dân có quyền biểu tình nhưng bà cũng hối thúc các bên không gây ra bạo lực.
------------------------------------
Tự thiêu theo “kiểu Tunisia"Tunisia quốc tang 3 ngàyBắc Phi: người dân tự thiêu để phản đối chính phủLời cảnh báo từ Tunisia
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận