18/01/2011 11:03 GMT+7

Bắc Phi: người dân tự thiêu để phản đối chính phủ

XUÂN TÙNG
XUÂN TÙNG

TTO - Cuộc nổi dậy của người dân Tunisia rõ ràng đã gây chấn động đến các quốc gia láng giềng, khi một loạt vụ tự thiêu đã xảy ra ở nhiều nước Bắc Phi như Algeria, Ai Cập và Mauritania trong ngày 17-1.

adrwIz0n.jpgPhóng to
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy Abdu Abdel-Monaim Kamal đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: AP

Tại Ai Cập, một người đàn ông 50 tuổi tên Abdu Abdel-Monaim Kamal, chủ một nhà hàng, đã tưới xăng lên người và tự thiêu, trong khi hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ tại thành phố Ismailia, phía đông thủ đô Cairo. Trước đó ông Kamal đã tranh cãi gay gắt với chính quyền địa phương xung quanh việc chính quyền bắt các nhà hàng phải mua bánh mì với giá đắt gấp năm lần bình thường. Cảnh sát gần đó đã kịp thời dập tắt ngọn lửa.

Tình hình ở thủ đô Cairo đang hết sức căng thẳng, theo tường thuật của BBC, an ninh đang được siết chặt để ngăn chặn bạo loạn bùng phát.

Các vụ tự thiêu cũng xảy ra tại các quốc gia Bắc Phi khác. Tại Mauritania, một người đàn ông 43 tuổi tên Yacoub Ould Dahoud đã lái xe đến trước tòa nhà chính phủ tại thủ đô Nouakchott và tự thiêu trong xe. Trước đó Dahoud đã lập một trang Facebook có tên “Hãy chấm dứt tham nhũng và độc tài tại Mauritania” với lời đề tựa “Chẳng phải đã đến lúc người dân Mauritania chọn lựa tự do cho mình hay sao?”.

Tại Algeria vừa có thêm hai vụ tự thiêu nằm trong số một loạt vụ tự tiêu gần đây để phản đối chính phủ, theo AP.

“Tình trạng tuyệt vọng”

“Một trào lưu mới khủng khiếp tại thế giới Ả Rập: tự thiêu” - nhà phân tích Blake Hounshell bình luận trên trang blog foreignpolicy.com hôm 17-1.

“Có một thứ gì đó thật khủng khiếp và cũng thật cảm động về những vụ tự thiêu này. Đó là những hành động gây sốc trong nỗi tuyệt vọng nhằm gây sự chú ý, khiếp sợ và cả sự cảm thông” - CNN dẫn bình luận của ông Hounshell.

Các vụ tự thiêu nói trên lấy cảm hứng từ cái chết của Mohamed Bouazizi, một thanh niên Tunisia 26 tuổi. Tuyệt vọng vì bị cảnh sát tịch thu gánh rau quả - phương tiện kiếm sống duy nhất của gia đình, Bouazizi đã tự thiêu và qua đời hồi đầu năm nay.

Hành động của Bouazizi đã trở thành một biểu tượng tại Tunisia, quốc gia có nhiều người trẻ tuổi thất nghiệp và một vị tổng thống cầm quyền lâu năm. Nhiều nước Bắc Phi khác cũng ở vào hoàn cảnh tương tự - số đông người trẻ tuổi giận dữ vì tình trạng thất nghiệp, giá cả tăng vọt và tham nhũng lan tràn trong chính phủ.

Tình trạng ở Ai Cập cũng tương tự Tunisia, người dân đang rất bất mãn vì giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vùn vụt. Một trang Facebook tại Ai Cập đã kêu gọi biểu tình vào ngày 25-1 tới để “cách mạng chống lại tham nhũng, đàn áp, nghèo khổ và thất nghiệp”.

Tuy nhiên bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc nổi dậy ở Tunisia, nhiều khả năng sẽ không có biểu tình lớn ở Ai Cập, theo BBC, bởi người dân không tin có thể thay đổi được gì từ các cuộc biểu tình.

Vị “nhiếp chính của Carthage” đã kịp thời mang theo 1,5 tấn vàng khối có trị giá 55,65 triệu USD, vào thời điểm chính quyền tổng thống Ben Ali trên bờ vực sụp đổ, theo tiết lộ mới nhất từ tờ Daily Mail.

M06X8wDo.jpgPhóng to
Bà Leila Ben Ali - Ảnh: tunisiawatch.com

Tờ Daily Mail dẫn nguồn từ ông Moncef Cheikhrouhou, chuyên gia kinh tế hàng đầu Tunisia, nói bà Leila Ben Ali đã trực tiếp đến gặp thống đốc Ngân hàng trung ương Tunisa yêu cầu được lấy số vàng. Ban đầu ông này từ chối nhưng sau đó đã phải nhượng bộ do sự can thiệp trực tiếp từ phía cựu Tổng thống Ben Ali - lúc đó vẫn còn tại vị. Hiện số vàng trên được cho là đang ở Saudi Arabia, nơi hai vợ chồng ông Ben Ali đang tị nạn chính trị.

Vụ việc chắc chắn sẽ làm bùng lên ngọn lửa giận dữ của người dân Tunisia, vốn vô cùng căm ghét lối sống xa hoa và tham nhũng của gia đình cựu Tổng thống Ben Ali. Khi tổng thống bị lật đổ Ben Ali đang lẩn trốn tại Saudi Arabia thì vợ của ông, bà Leila, được cho là đang ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) - một địa điểm mua sắm quen thuộc của gia đình tổng thống.

Người phụ nữ xuất thân là thợ uốn tóc này, được người dân Tunisia gọi là “Nữ nhiếp chính ở Carthage” vì quyền lực vô hạn và lòng tham muốn của cải, xe hơi sang trọng và những ngôi nhà xa hoa, cũng được so sánh với một nhân vật nổi tiếng khác - Imelda Marcos, vợ của cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Bà Leila cũng được biết đến vì sở thích sưu tập xe hơi, gia đình Ben Ali có khoảng 50 chiếc xe hơi đắt tiền, và thú vui tiêu hàng trăm ngàn USD vào những cuộc mua sắm ở Dubai.

Truyền hình chiếu cảnh những người bạo động tràn vào phá hủy những xe hơi sang trọng trong ngôi nhà của gia đình tổng thống mà họ gọi là “Gia đình mafia”.

Hai con gái của tổng thống Ben Ali đã chạy trốn đến khách sạn Disneyland tại Pháp, có giá 474 USD một đêm, cùng với vô số nhân viên bảo vệ và hộ tống. “Đoàn tùy tùng của họ rất đông, đến nỗi những người xung quanh ngay lập tức chú ý - một nhân viên Disneyland nói với tờ Daily Mail. Hai cô con gái của tổng thống giống như công chúa, trang sức đầy đá quý, trong khi xe Limousine chạy tất bật ra vào”. Nesrine Ben Ali, con gái 24 tuổi của tổng thống Ben Ali, được biết đến với sở thích chở những thức ăn đắt tiền ra biệt thự riêng bằng phi cơ riêng, và nuôi một con cọp tên Pasha trong nhà làm cảnh.

Người ta đánh giá tài sản của gia đình tổng thống Ben Ali lên tới 5,53 tỉ USD và đang được cất giữ tại Pháp. Cả sáu người con của ông Ben Ali đều là những triệu phú, đã trốn thoát ra nước ngoài sau cuộc lật đổ cùng những món tiền lớn.

Tuy nhiên giờ đây khối tài sản khổng lồ của gia đình Ben Ali đang bị đe dọa. Hôm 17-1 tờ Daily Mail dẫn lời một quan chức Pháp nói nước này đang xem xét trục xuất hai con gái của ông Ben Ali và đóng băng toàn bộ những tài sản liên quan đến chế độ Ben Ali.

XUÂN TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên