Bắc Phi: người dân tự thiêu để phản đối chính phủ
Phóng to |
Người Jordan biểu tình đòi bánh mì và tự do - Ảnh: Reuters |
Tunisia như đang chuyển ngọn đuốc sống cho các nước láng giềng. Tại Ai Cập, hơn mười người dân đã tự thiêu, trong đó một người tự châm lửa đốt ngay trước cửa tòa nhà chính phủ ở Cairo. Mới đây ngày 21-1, lại thêm ba người tự thiêu là một thanh niên thất nghiệp 35 tuổi tên Salah Saad Mahmoud và hai công nhân dệt may. Salah chuyển đến thủ đô Cairo và làm việc quần quật để kiếm tiền mua nhà và cưới vợ, nhưng suốt những năm qua anh ta chỉ có đủ cái bỏ vào miệng mình.
Thế là ngay trên một con phố lớn ở Cairo, anh ta đã tự biến mình thành một ngọn đuốc sống và hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Tại Algeria, năm vụ việc tương tự cũng đã xảy ra, mới nhất là vụ diễn ra ở khu vực gần biên giới Tunisia và người tự thiêu cũng là một người đàn ông thất nghiệp 36 tuổi. Ở Mauritania, một người cũng đổ xăng vào người và châm lửa đốt trước cửa phủ tổng thống ở Nouakchott. Một vụ tương tự xảy ra ở Sudan hôm qua.
“Thế hệ lạc lối” lên tiếng
Những đợt chấn động từ cơn địa chấn Tunisia này như đang lan tỏa khắp thế giới Ả Rập, dẫn đến các cuộc biểu tình đông đảo.
Tại Jordan hôm 21-1, hơn 5.000 người đã đổ ra đường phố thủ đô Amman và các thành phố khác đòi chính quyền Thủ tướng Samir Rifai từ chức. “Người dân Jordan sẽ không cúi đầu. Chúng tôi muốn có bánh mì và tự do” - những người biểu tình hô vang trên đường phố. Họ mang theo những biểu ngữ như “Chúng tôi đòi hỏi công bằng xã hội và tự do”, “Nói không với sự đàn áp, nói có với sự thay đổi”, “Chúng tôi đòi một chính quyền cứu rỗi quốc gia”... Và chính quyền Jordan đã phải lập tức công bố kế hoạch trị giá 283 triệu USD nhằm nâng lương cho các viên chức nhà nước.
Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng giải pháp của chính phủ chỉ là muối bỏ biển bởi số người nghèo ở Jordan chiếm đến 25% dân số, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 14%. “Biện pháp ấy chỉ là trò mị dân, chúng tôi đòi hỏi cải tổ toàn diện” - Maisarah Malas, thành viên của một nghiệp đoàn lao động ở Jordan, khẳng định. Kỹ sư 52 tuổi Marwan Malihi cho biết kể cả với mức lương mới thì thuế má và giá cả vẫn quá cao so với thu nhập của người dân.
Tại Algeria và Ai Cập cũng nổ ra các cuộc biểu tình. Bạo động do giá thực phẩm tăng cao ở Algeria lan ra nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Algiers làm hai người thiệt mạng. Ở thành phố Algiers, ông Said Saadi, lãnh đạo phong trào Biểu tình vì văn hóa và dân chủ, khẳng định sự giận dữ của người dân Algeria còn dữ dội hơn Tunisia.
“Chỉ trong năm 2010 ở đây đã xảy ra hơn 9.700 vụ bạo động” - ông Saadi cho biết. Tại Sudan, công chúng và phe đối lập kêu gọi “chấm dứt chế độ toàn trị” của Tổng thống Omar al-Bashir. Ở Yemen, sinh viên đổ ra đường phố biểu tình. Vào đầu tuần, 200 người Oman cũng biểu tình phản đối tình trạng giá cả tăng cao và nạn tham nhũng, một hiện tượng cực kỳ hiếm hoi ở quốc gia vùng Vịnh này.
Khi phân tích hiện tượng này, giới quan sát phương Tây cho rằng đây là sự lên tiếng của một “thế hệ lạc lối” trong thế giới Ả Rập. Từ Tunisia, Morocco cho đến Jordan, Ai Cập và Yemen, phần đông dân số là trẻ dưới 30, có học thức nhưng thất vọng và giận dữ với tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng, mức lương thấp, giá cả tăng cao và nạn tham nhũng thâm căn cố đế trong chính phủ.
Các báo cáo chính thức cho biết ở nhiều quốc gia Ả Rập, tỉ lệ thất nghiệp trung bình vào khoảng 12%, nhưng thất nghiệp ở thanh niên lên đến 20-40%. “Để tìm được việc làm tốt có lương cao, bạn phải quen biết một ai đó trong chính quyền - sinh viên luật 22 tuổi Asma Nairi ở Tunis cho biết - Chúng tôi không thật sự sống. Chúng tôi như những con rối trong tay (tổng thống Tunisia) Ben Ali”. Kỹ sư Karim Ali, 25 tuổi, khẳng định: “Chúng tôi làm không đủ sống, còn một thiểu số lại thừa mứa tiền bạc, đất đai và nhà cửa. Chính chính quyền đã biến chúng tôi thành một thế hệ lạc lối”.
Linh hồn Ả Rập tan vỡ
Nhà báo Ai Cập nổi tiếng Hisham Kassem cho rằng bạo động ở Tunisia và làn sóng biểu tình, tự thiêu tại các nước Ả Rập là một “hồi chuông cảnh báo” đối với các nhà lãnh đạo ở khu vực này, vốn có không ít người cũng đang cai trị theo cách của tổng thống bị lật đổ Ben Ali. “Chắc chắn họ đang sợ đến phát run lên” - nhà báo Kassem mô tả. Trên thực tế, tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Ả Rập hôm 19-1 ở Cairo, ông Amr Moussa, tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, đã cảnh báo: “Linh hồn Ả Rập đã tan vỡ do nghèo đói, thất nghiệp và suy thoái”.
Ông thừa nhận người dân Ả Rập đang rơi vào sự giận dữ và thất vọng ở mức chưa từng có trước nạn tham nhũng và yếu kém của chính phủ. Trước đó một tuần, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi đến thăm Qatar cũng đã cảnh báo: “Nền tảng của khu vực đang chìm dần trong cát ở rất nhiều nơi, theo rất nhiều cách”. Mà các nhà lãnh đạo Ả Rập thì thường ngồi trên chiếc ghế quyền lực suốt đời. Liệu sự kiện Tunisia có gây tác động dây chuyền tại các quốc gia Ả Rập?
Các nhà lãnh đạo khu vực đã bắt đầu có những biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của “hiện tượng Tunisia”. Kuwait quyết định cung cấp cho mỗi công dân 3.599 USD (tổng chi phí lên đến 4 tỉ USD). Vua Saudi Arabia kêu gọi người dân “kiên nhẫn”. Syria tăng cung cấp nhiên liệu trợ giá cho người dân. Ai Cập cũng tuyên bố sẽ tăng trợ giá để chống lại tình trạng giá bột mì, đường và rau tăng cao. Yemen giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp. Jordan cắt giảm thuế nhiên liệu...
Thế nhưng, liệu những biện pháp đó đã đủ sức chữa trị những căn bệnh sâu xa của các xã hội này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận