Phóng to |
Ông Hosni Mubarak nhậm chức tổng thống Ai Cập từ tháng 10-1981. Theo báo New York Times, suốt 30 năm cầm quyền, chế độ Mubarak đã nhận hơn 60 tỉ USD viện trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế ước tính 40% trong tổng số 80 triệu dân Ai Cập vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ (2 USD/ngày). Khoảng 2/3 dân số Ai Cập dưới 30 tuổi và phần lớn thất nghiệp.
Ông Mubarak cai trị đất nước bằng bàn tay sắt. Với luật khẩn cấp, chính quyền Mubarak bắt giữ và bỏ tù người dân mà không qua xét xử tại tòa. Bằng đạo luật này, ông Mubarak đã triệt tiêu những tiếng nói khác và lực lượng đối lập. Theo ước tính từ năm 2005, khoảng 17.000 người đã bị bỏ tù vì đạo luật khẩn cấp này. Số lượng tù nhân chính trị lên tới 30.000 người. Người dân cáo buộc dưới thời ông Mubarak, tình trạng tham nhũng tại Ai Cập ngày càng trầm trọng. Năm 2010, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Ai Cập do Tổ chức Minh bạch quốc tế chấm chỉ đạt 3,1 điểm (10 là cực kỳ trong sạch, còn 0 là cực kỳ tham nhũng).
Chính sách của ông Mubarak đã “tạo ra” một đạo quân thất nghiệp, trẻ, có học. Và chính lực lượng này giờ đang có mặt trên đường phố cùng hàng ngàn người dân khác biểu tình đòi cơm áo. Những động cơ tôn giáo hay tâm lý chống Mỹ vốn quen thuộc xem chừng không tồn tại. Amr Hamzawy - giám đốc nghiên cứu Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, Libăng - cho rằng chính vì điều này mà các cuộc biểu tình đã thu hút đông đảo người ít quan tâm đến chính trị.
Các cuộc biểu tình ở Ai Cập cũng đẩy chính quyền Mỹ vào tình thế lưỡng nan. Cairo là một đồng minh quan trọng của Washington ở khu vực Trung Đông, đóng vai trò cầu nối trong nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa Israel và Palestine, là đối thủ kiềm chế ảnh hưởng của Iran. Nếu ông Mubarak bị lật đổ và một chính quyền ít thân thiện với Mỹ xuất hiện, Washington sẽ mất một chỗ dựa quan trọng ở Trung Đông vào thời điểm Iran đang quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân. Trong các phát biểu mới đây, Nhà Trắng và các quan chức Mỹ đã chọn quan điểm an toàn: lên án bạo lực, kêu gọi kiềm chế và cải tổ nhưng cũng không mô tả Mubarak là một “nhà độc tài”.
Liệu Ai Cập có là một Tunisia mới? Câu trả lời còn chưa rõ ràng như báo New York Times nhận định. Steven A. Cook thuộc Tổ chức nghiên cứu Hội đồng ngoại giao (Mỹ) cho rằng có hai nhân tố đang chi phối tình hình. Một là, lãnh đạo đối lập Mohamed ElBaradei, cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế LHQ (IAEA) và là người từng đoạt giải Nobel hòa bình. Sự hiện diện của ông ElBaradei tại Ai Cập lúc này có thể đem lại thêm uy tín và sự ủng hộ quốc tế cho phe đối lập Ai Cập. Với ông ElBaradei, có thể ông Mubarak sẽ e ngại không sử dụng vũ lực để đàn áp các cuộc biểu tình. Hai là, quân đội và lực lượng an ninh Ai Cập, mỗi năm nhận được 1,3 tỉ USD viện trợ từ Mỹ, là trụ cột chống đỡ cho chế độ của ông Mubarak. Nếu quân đội tiếp tục trung thành với mình, ông Mubarak có thể bất chấp làn sóng biểu tình trên đường phố.
Sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây cũng như nỗi lo sợ của phương Tây về một chế độ Hồi giáo cực đoan mới là những yếu tố giúp ông Mubarak đứng vững trong thời điểm này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các lực lượng xã hội ở Ai Cập đã lên tiếng nói. Và sớm hay muộn, áp lực từ phía người dân sẽ buộc ông Mubarak phải thay đổi hoặc ra đi.
Cảnh sát và người biểu tình đụng độ
Internet bị cắt, điện thoại di động bị chặn sóng trên toàn Ai Cập ngày 28-1 nhằm ngăn chặn “Thứ sáu giận dữ” của những người biểu tình, nhưng dường như biện pháp này càng làm làn sóng giận dữ dâng cao của hàng chục ngàn người khắp Ai Cập và Cairo đòi lật đổ Tổng thống Murabak bất chấp an ninh được tăng cường triệt để, nhất là tại trung tâm Cairo. AFP ngày 28-1 cho biết đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát và khoảng 2.000 người biểu tình tại quảng trường trung tâm Cairo sau buổi lễ cầu nguyện khổng lồ với sự có mặt của thủ lĩnh đối lập Mohamed ElBaradei. Cảnh sát đã sử dụng hơi gas, súng bắn đạn cao su và vòi rồng để đối phó với khoảng 5.000 người biểu tình tụ tập ở ngôi đền nằm gần trạm xe lửa trung tâm tại thành phố Địa Trung Hải Alexandria. Thủ lĩnh đối lập Mohamed ElBaradei đã trở về Ai Cập tối 27-1 và đề nghị đóng vai trò chuyển tiếp cho chính quyền của ông Hosni Murabak, người đang phải đối mặt với những cuộc biểu tình chưa từng có khiến bảy người thiệt mạng và cả ngàn người bị bắt giữ. ”Tôi có mặt ở đây với hi vọng thúc đẩy một sự thay đổi có trật tự và hòa bình” - ông tuyên bố và yêu cầu chính phủ chấm dứt “bạo lực, bắt bớ và tra tấn”. Vài giờ trước cuộc biểu tình mới “Thứ sáu giận dữ”, như Reuters cho biết, cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 20 thành viên, trong đó có tám thủ lĩnh, của Tổ chức Những người anh em Hồi giáo - lực lượng đối lập hàng đầu ở Ai Cập - rạng sáng 28-1 theo lời luật sư của tổ chức này là Abdel-Moniem Abdel-Maksoud. |
* Tin bài liên quan:
Ai Cập: biểu tình đòi lật đổ tổng thống lan rộngChính phủ Ai Cập trấn áp biểu tìnhCăng thẳng ở Ai CậpAi Cập chao đảo vì biểu tình đòi lật đổ tổng thống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận