15/03/2013 09:35 GMT+7

Rối bời với sữa

LAN ANH
LAN ANH

TT -Ngày 15-3 hằng năm được nhiều nước, trong đó có Việt Nam, lấy là Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới. Thế mà chỉ riêng với sản phẩm sữa, người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục bị móc túi vì những chiêu trò của các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận. Từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến hai đợt tăng giá sữa.

Bất lực hay buông lỏng quản lý giá sữa?

Khác hẳn với các loại thực phẩm khác, nếu giá tăng thì người dùng có thể chuyển sang thứ phù hợp hơn với điều kiện kinh tế của mình. Nhưng sữa thì không thể làm như vậy, bởi theo một chuyên gia về thực phẩm, vị giác của trẻ em rất bén nhạy nên rất khó thay thế loại sữa đã quen dùng. Triệt để lợi dụng điểm yếu này, các hãng sữa luôn có chính sách tăng giá 1-2 lần/năm và được lách bằng các chiêu công thức mới, vỏ hộp mới, nghiên cứu mới, mà thật ra chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Mỗi người VN hiện chỉ được dùng trung bình 17 lít sữa/năm, chỉ bằng 1/10, thậm chí là 1/20 so với các nước Âu - Mỹ. Chính vì thế, sữa dù được coi là loại thực phẩm tốt giúp phát triển chiều cao, nhưng rất nhiều trẻ em VN vẫn rất hãn hữu mới có cơ hội được uống sữa. Hai năm trước, do bất bình với vấn nạn giá sữa, một cuộc điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đã chỉ ra việc giá sữa bột ở VN cao một cách bất thường so với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Nhưng rồi vì vị giác của trẻ không thể ngày một ngày hai thay đổi, các bà mẹ lại phải cắn răng mua dù giá sữa cứ đua nhau tăng không ngừng nghỉ.

Gần đây, bức màn giá sữa đã được vén lên, khi giá nhập khẩu của một nhãn sữa sản xuất nguyên hộp tại Pháp được công khai chỉ 80.000 đồng/hộp, nhập khẩu về VN tính cả thuế chưa đầy 100.000 đồng/hộp, nhưng giá bán trên thị trường đến 400.000 đồng.

Trong khi đó, việc quản lý chất lượng sữa cũng bối rối hơn bao giờ hết khi sản phẩm vốn quen gọi là sữa, giờ lại chỉ được gọi là thực phẩm dinh dưỡng công thức có thành phần sữa, một cái tên vừa dài vừa trúc trắc khó gọi, vừa gián tiếp loại thứ vốn là “sữa” ra khỏi danh mục hàng hóa được Nhà nước quản lý giá. Đó là chưa kể vô số những loại sữa mập mờ nguồn gốc, công bố là sữa nhập khẩu nhưng thực tế lại sản xuất...trong nước; sữa không đảm bảo dinh dưỡng; sữa không an toàn vệ sinh thực phẩm...

Giá sữa thì luôn tăng, trong khi chất lượng lại không đúng tiêu chuẩn. Vậy cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ giám sát, quản lý giá và chất lượng sữa - những người hằng tháng nhận lương từ tiền thuế của dân - sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên