06/12/2020 11:22 GMT+7

Rock thực sự đã chết?

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Rock Việt đã chết ư? Thật khinh suất khi kết luận như thế.

Rock thực sự đã chết? - Ảnh 1.

Dù theo đuổi những nhánh rock khác nhau, cả Con đường không tên và Human chắc chắn có mặt trong những album đáng nghe nhất của nhạc Việt trong năm qua

1. Hơn bốn năm trước, khi Trần Lập qua đời, đó dường như không chỉ là sự ra đi của một con người, mà còn như một dự cảm cho sự hấp hối của một thứ lớn hơn thế. Suốt bốn năm qua, nhạc rock Việt Nam chênh vênh và dần tách khỏi mạch chảy chính thống sôi sục. Có người tuyên bố: "Rock đã chết, chết nhục nhã!". 

Có lẽ, chết thì chưa, và còn lâu mới chết, nhưng đúng là rock đã co mình vào những nhóm nhỏ lẻ, nó ồn ã trong góc khuất, rồi dần trở thành một chốn để người ta trầm ngâm ôn lại hoài niệm cũ hơn là đợi chờ những bùng nổ mới.

Thế rồi, chỉ trong một tháng trở lại đây, rock bỗng cựa quậy, đúng vào thời điểm không ai chờ đợi nó nhất, với hai album của hai tên tuổi lớn. Một là Con đường không tên của Bức Tường, một cái tên chỉ nhắc tới thôi là bao ký ức rock Việt ùa về. Hai là Human của Tùng Dương, một nhà thám hiểm của âm nhạc đương đại. 

Một bên vẫn là thứ rock "bình dân học vụ", có chút tinh thần sinh viên những năm 2000, một bên là rock trong phiên bản cách tân, phần phối khí công phu và chính xác như một cỗ máy tinh vi, phần lời ca đặc quánh triết lý. Trước nay đó vẫn là hai mặt của rock, có thể gần gũi như hơi thở mà cũng có thể nặng trĩu ý thức phản tư.

2. Một nửa đầu của Con đường không tên có thể gây thất vọng. Ta sẽ tự hỏi thời đại nào rồi mà họ còn viết ra những lời ca cổ vũ ước mơ thẳng đuồn đuột như thế? Nó có thể phù hợp vào 20 năm trước, nhưng giờ, những từ về "ước mơ cao vời", "tự hào đặt dấu chân", "tìm kiếm ánh sáng trong đường hầm" đã bị dùng đến mòn vẹt như một cuốn sách self-help cũ kỹ. 

Giọng hát của Phạm Anh Khoa cũng không phù hợp những ca khúc như thế, giọng anh khắc khoải, phiêu du, nhiều đè nén hơn so với giọng hát Trần Lập năm xưa rền vang, sáng tỏ, máu lửa, như tiếng ra lệnh của một thủ lĩnh thanh niên.

Nhưng nửa sau của album thì khác. Khép lại những bản nhạc lạc thời, họ bắt đầu hát về hồi ức, về bài ca xưa, về những điều đã qua không còn quay lại, những điều có thể khiến người ta bật khóc. 

Nói cho cùng, chúng cũng không có gì mới. Hình ảnh về "cơn mưa đêm" của Tháng 10 vẫn vương vấn hình ảnh cơn mưa tháng 5 ướt nhòa năm nào. Song, nó lồng ghép hoàn hảo với hình tượng của Bức Tường hôm nay: một kỷ niệm đẹp đẽ mà ta đánh mất.

3. So với Con đường không tên đầy sự hồi tưởng, đào bới lại quá khứ thì Human của Tùng Dương lại là một album có chất viễn tưởng trong thời đại tiệm cận hậu con người, tựa như một phiên bản âm nhạc của bộ phim Blade Runner - mà trong đó nhân loại tìm mọi cách để phân biệt giá trị người đích thực và sự giả làm người.

Tất cả những khía cạnh của sự tồn tại đều được soi ngắm qua lần lượt từng track nhạc của Human: sự hoài thai, sự ra đời, sự vật lộn trong đời, sự chết - những suy nghiệm dồn dập, ráo riết, và ở một khoảnh khắc, khi câu hỏi "Riêng ta là ai là ai hay là sai?" cất lên trong ca khúc Adam, ta cảm thấy như đang bị hỏi cung, bị dồn đến chân tường. 

Khoảnh khắc đó, âm nhạc của Tùng Dương trở thành một phiên tòa chất vấn, buộc tội, không cho ai được phép né tránh hay chạy trốn.

4. Dù theo đuổi những nhánh rock khác nhau, cả Con đường không tênHuman chắc chắn có mặt trong những album đáng nghe nhất của nhạc Việt trong năm qua. 

Rock Việt đã chết ư? Thật khinh suất khi kết luận như thế. Chỉ là, việc rock phải sinh tồn trong nền âm nhạc mùa vụ ngày nay giống như một loài vật xứ lạnh liên tục trữ năng lượng phải đối phó với mùa hè vạn vật sinh sôi không kiểm soát.

Dễ nhận thấy, hầu như tất cả những người hát rock đều không phát hành các ca khúc đơn lẻ như các ngôi sao pop, rap, dance ở Việt Nam. Các sản phẩm của họ thường dài hơi và trọn vẹn. Dòng nhạc rock đã khai sinh ra cái gọi là "concept album", và bất cứ ai tự nhận mình hát rock không thể phản bội lý tưởng âm nhạc ấy để chạy đua theo những bản hit tức thời.

Cho nên, khi người ta không chạy đua, không có nghĩa là người ta bị bỏ lại phía sau.

Rock Việt Rock Việt 'không chết cũng không sống, thật ra chưa bao giờ sống thực sự'

TTO - Bài đăng trên kênh của ban nhạc rock Ngũ Cung Pentatonic với tiêu đề “Rock đã chết! Chết nhục nhã” đang nhận về nhiều sự quan tâm của những khán giả yêu thể loại âm nhạc đầy máu lửa này.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên