07/08/2013 10:15 GMT+7

Robot Tò Mò chơi nhạc Happy Birthday trên sao Hỏa

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Hôm qua 6-8, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã kỷ niệm một năm ngày robot tự hành Curiosity (Tò mò) đặt chân lên bề mặt sao Hỏa.

NASA tiếp tục đưa robot lên sao Hỏa

Y57mpvVL.jpgPhóng to
Robot Curiosity bắt đầu tiếp cận núi Sharp trên sao Hỏa - Ảnh: Reuters

Theo CNN, để kỷ niệm ngày đến sao Hỏa, robot Curiosity đã tự chơi bản nhạc Happy Birthday (Sinh nhật vui vẻ) trong đêm qua bằng các công cụ sẵn có. Tất nhiên là chẳng có ai trên sao Hỏa để thưởng thức bản nhạc này.

NASA cho biết trong suốt 12 tháng qua, robot tự hành Curiosity đã đi qua quãng đường vỏn vẹn 1,6 km trên bề mặt hành tinh đỏ. Nhưng những gì mà dự án trị giá 2,5 tỉ USD thu thập được là cực kỳ đáng giá.

Trong một năm qua, robot Curiosity đã thu thập được 190 gigabit dữ liệu và gửi về Trái đất hơn 36.700 bức ảnh lớn và 35.000 bức ảnh nhỏ. Curiosity đã bắn hơn 75.000 tia laser để giúp các nhà khoa học NASA phân tích các chất liệu trên sao Hỏa. Robot này còn thu thập nhiều mẫu đá để phân tích.

Các chuyên gia NASA đùa rằng thời gian bảo hành của robot Curiosity chỉ là hai năm. Tuy nhiên các robot tự hành khác của NASA thường hoạt động rất lâu. Ví dụ cặp robot tự hành Spirit và Opportunity đặt chân lên sao Hỏa vào năm 2004 và đến giờ Opportunity vẫn hoạt động tốt.

NASA cho biết hiện Curiosity đang trên đường tới đỉnh Sharp ở sao Hỏa, một ngọn núi cao 4,8 km với cấu trúc địa lý có thể ẩn chứa lịch sử địa lý của hành tinh đỏ. “Chúng tôi vô cùng kinh ngạc với những gì có thể làm được với robot Curiosity” - CNN dẫn lời nhà khoa học NASA Ashwin Vasavada, phụ trách sứ mệnh thí nghiệm khoa học sao Hỏa.

Ông Vasavada cho biết trong năm thứ hai, robot Curiosity sẽ chủ yếu hoạt động ở núi Sharp, tiếp tục chụp ảnh, thu thập mẫu đất đá... Năm 2020, một robot tự hành khác của NASA cũng sẽ đặt chân lên sao Hỏa để thu thập mẫu đất đá đưa về Trái đất và thử nghiệm công nghệ đưa người lên sao Hỏa.

Dưới đây là những cột mốc khoa học lớn mà robot Curiosity đạt được trong 12 tháng trên sao Hỏa.

Cuộc sống có thể từng tồn tại trên sao Hỏa

Các nhà khoa học NASA cho biết những khám giá của robot Curiosity cho thấy cuộc sống có thể từng tồn tại trên sao Hỏa trong quá khứ. “Chúng tôi biết rằng sao Hỏa có điều kiện thích hợp cho các sinh vật siêu nhỏ tồn tại hàng tỉ năm trước” - giáo sư John Grotzinger thuộc Viện Công nghệ California cho biết.

Curiosity là robot đầu tiên khoan bề mặt một hành tinh khác và kết quả cho thấy mặt đất sao Hỏa chứa các khoáng chất phù hợp với sự sống. Một số tầng đất cho thấy sự tồn tại của nước.

Sau khi khoan xuống đất, robot Curiosity phát hiện đất đá trên sao Hỏa đỏ ở phía trên bề mặt mặt đất, nhưng có màu xám ở dưới lòng đất.

Bằng các công cụ trên robot Curiosity, các chuyên gia NASA xác định bầu khí quyển sao Hỏa không thay đổi nhiều trong 4 tỉ năm qua, mỏng và không phù hợp với sự sống. Tuy nhiên, sau khi hành tinh đỏ được hình thành vào 4,5 tỉ năm trước, bầu khí quyển của nó đặc hơn gấp 100 lần khí quyển Trái đất.

Robot Curiosity phải mất 253 ngày mới tới được sao Hỏa vào năm 2012. Trong quãng thời gian đó, NASA đã thu thập các dữ liệu về phóng xạ trên quãng đường từ Trái đất tới sao Hỏa. Kết quả phân tích cho thấy mức độ phóng xạ cao gấp hàng trăm lần so với Trái đất. Và các nhà du hành vũ trụ sẽ bị nhiễm phóng xạ kể cả khi ngồi trong một tàu không gian có vỏ dày.

Các nhà khoa học đang phát triển công nghệ động cơ để rút ngắn quãng thời gian bay tới sao Hỏa và đang tìm cách cải thiện chất lượng vỏ tàu vũ trụ để chống phóng xạ.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên