Trên Google, chỉ cần gõ từ khóa "review phim" sẽ trả về hơn 60 triệu kết quả. Trong đó, những clip review phim trên YouTube dưới dạng tóm tắt, tiết lộ một phần hay toàn bộ nội dung phim sẽ hiện ra đầu tiên.
Tập phim 70 phút, "người lười" xem review 10 phút
Tham khảo một kênh review phim có hơn 100.000 người đăng ký với 119 triệu lượt xem, có thể thấy các clip review phim được đăng tải khá thường xuyên. Tuy nhiên, điểm chung của những clip này luôn ngắn hơn bộ phim gốc hàng chục lần.
Cụ thể, ngay khi kết thúc 14 tập phim The Good Bad Mother (Người mẹ tồi của tôi), trên mạng xuất hiện ngay những clip với dòng tít như "Review phim Người mẹ tồi của tôi | Full 1-14 | Gia đình ba đời nuôi lợn".
Thời lượng 1 tập của The Good Bad Mother là 70 phút, tổng 14 tập là 840 phút. Trong khi đó, các tập review tóm tắt thì chỉ hơn 70 phút. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng dạng review này rất phù hợp cho những "người lười", có thể coi được cả chục bộ phim mà tốn ít thời gian.
Trên YouTube, các phim được review thuộc đủ thể loại, xuất hiện nhiều đối với dòng phim truyền hình. Một số review phim dài tập đáng chú ý là Cuộc sống thượng lưu gần 20 triệu lượt xem, Bạn trai tôi là hồ ly gần 10 triệu, Phi vụ triệu đô với 7,1 triệu lượt xem...
Trái ngược với sự thuận tiện, người xem có thể bị lấy đi những cảnh quay, chi tiết hay và những trải nghiệm chỉ có được trong quá trình thưởng thức phim đúng nghĩa. Như Split - phim thuộc dạng giật gân, kinh dị tâm lý với dàn diễn viên thực lực: James McAvoy, Anya Taylor-Joy...
Bộ phim có kịch bản lắt léo với hàng loạt tình tiết được cài cắm khiến người xem phải tập trung tư duy. Tuy nhiên khi thuật lại, những tình tiết mà đạo diễn cố tình che giấu được các kênh review phơi bày một cách lộ liễu, không còn mang tính gợi mở cho câu chuyện.
Bên cạnh đó, các clip tóm tắt phim nói trên còn giật cảnh nóng lên đầu, chẳng hạn như "Gái xinh to tròn sống nội tâm gặp ngay anh chàng đa nhân cách và cái kết".
Cùng với giật tít, nội dung của phim cũng bị review theo hướng rẻ tiền hóa. Nhiều kênh review chuyên cắt gọt các chi tiết nóng, lấy tình dục làm yếu tố chính để kể chuyện. Từ đó dẫn đến nhận thức sai lệch của khán giả về bộ phim.
Phần nhiều clip review này là các phim nước ngoài nổi tiếng. Đối với phim Việt được phát hành gần đây, số lượng review tóm tắt khá ít, có lẽ vì ngại vấn đề bản quyền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chủ kênh YouTube review phim hơn 1 triệu người đăng ký chia sẻ:
“Kênh của tôi chuyên hai nội dung: tóm tắt phim (recap) và đánh giá phim (review). Các thước phim minh họa thường sẽ được lấy từ trailer của phim, bởi vì trailer thường không ai đánh bản quyền. Hoặc tìm những hình ảnh hậu trường trên mạng.
Tuy nhiên từ lâu rồi tôi không làm dạng tóm tắt từ đầu đến cuối phim mới, tôi chỉ kiếm những phim xưa cũ, phim ngắn từ ngày trước để recap. Tôi biết nó nhạy cảm nhưng khán giả thích nghe kể chuyện hơn là review”.
"Đạp đổ chén cơm" người khác?
Hiện nay, các clip review phim dạng tóm tắt xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, đạt lượng xem lớn, phần nhiều vì xu hướng nhanh, gọn. Thay vì mất 2-3 tiếng để xem một phim rạp, khán giả chỉ mất 5-10 phút để biết được nội dung phim đó.
Khán giả Thạch Thảo (23 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết xem review phim dạng này mỗi ngày. Cô nói: “Vì nó nhanh hơn xem nguyên phim, có nhiều người review còn thêm mấy câu bình luận hài hước vào nên không bị chán”.
Tương tự Thạch Thảo, Nguyễn Hoàng Khôi - sinh viên năm 3 Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ: “Những clip này rất hài, giải trí. Tôi thấy một vài bộ chính kịch rất hay, tôi hay lưu tên để dành xem bản đầy đủ. Tuy nhiên, không phải clip nào cũng nói đúng nội dung, đi một mạch đường dây câu chuyện, một số clip không đàng hoàng, chêm thêm mấy câu gây cảm giác khó chịu”.
Vì nguồn lợi dễ kiếm, không cần tốn chất xám mà vẫn có lượt xem lớn nên các kênh tóm tắt phim nhanh chóng nở rộ, bị đánh sập nhưng rồi lại mọc lên như nấm.
Nguyễn Vang, 23 tuổi, Đồng Nai, cho hay thường đi báo cáo vi phạm đối với các clip review phim xuất hiện trên trang mình. Vang cho rằng review phim dạng này thỏa mãn được trí tò mò của người xem, nhưng đồng thời cũng hủy hoại bộ phim đó.
Vang nói: “Điều này tạo thành thói quen “ăn nhanh”, không nhiều người xem review rồi mà muốn xem phim nữa. Tôi thấy nó là kiểu “ăn cơm hớt”, đạp đổ chén cơm người khác để nuôi bản thân mình”.
Cũng giống Vang, Nguyễn Bích Duy, 22 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM, cho biết không thích việc các phim bị review tóm tắt. Bởi vì phim được cài cắm ở các chi tiết, góc máy, dụng ý nghệ thuật và lời thoại để tạo thành một thể hoàn chỉnh.
Theo Duy, việc xem lướt nội dung rồi đánh giá phim hay hay dở là không đủ khách quan và gây ảnh hưởng đến bộ phim.
Về điều này, Will Vũ - nhà sản xuất Chị chị em em 2 - từng chia sẻ: "Bộ phim là sản phẩm tập thể tốn rất nhiều tiền bạc và công sức để tạo ra, việc xâm phạm bản quyền sẽ đem lại thiệt hại rất lớn. Đó là hành động cực kỳ cần lên án và không thể chấp nhận.
Có thể nhiều bạn trẻ khá vô tư và chưa ý thức được đó là hành vi sai pháp luật. Nếu nhận thức được hành vi đó sẽ bị truy cứu hình sự, tôi tin các bạn trẻ sẽ cân nhắc và thận trọng hơn trước khi làm".
Hiện để thông tin thêm đến bạn đọc, Tuổi Trẻ Online đang liên lạc với các nhà phát hành và các nhà làm phim về vấn đề bản quyền ở các clip review phim dạng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận