22/01/2019 06:10 GMT+7

Rao bán tràn lan nhà ở xã hội

TIẾN LONG - ĐOÀN CƯỜNG
TIẾN LONG - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Trong khi nhiều người đủ điều kiện vẫn không thể mua được nhà ở xã hội, không ít người có được suất mua hay thuê căn hộ lại chuyển nhượng cho bên thứ ba với lý do “không có nhu cầu”, dù không được phép.

Rao bán tràn lan nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Khu chung cư Phước Lý ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng dù bị cấm mua bán, chuyển nhượng nhưng vẫn có nhiều rao bán trên các trang bất động sản - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Việc mua bán nhà ở xã hội khi chưa được phép không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua mà bản thân người bán cũng có thể bị phạt tiền, thậm chí bị thu hồi nhà ở xã hội đã mua.

Giá bán lại rất cao

Khu chung cư Phước Lý (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có 602 căn hộ là chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, cho thuê đối với các đối tượng đủ điều kiện. Dù người được thuê không được phép giao dịch chuyển nhượng nhưng vẫn có nhiều người rao bán trên các trang mua bán bất động sản.

Một người rao bán căn hộ chung cư tầng trệt có diện tích 62m2 với giá gần 1 tỉ đồng/căn đã "quảng cáo" rằng có hợp đồng thuê nhà chung cư và thuê quyền sử dụng đất ở tại dự án này, dù trên bìa hợp đồng có ghi rõ: nghiêm cấm mua bán, đổi cho hoặc cho người khác sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào.

Chung cư thu nhập thấp An Trung 2 (quận Sơn Trà), dự án nhà ở xã hội ngoài ngân sách, cũng xuất hiện rao bán trên các trang bất động sản với giá... cao gấp 2-3 lần so với giá đã được phê duyệt. 

Vào vai người mua, chúng tôi được một người rao bán 2 căn hộ chung cư An Trung 2 ở tầng 8 và 9 với giá khoảng 1,5 tỉ đồng/ căn, cao gần gấp 3 lần đơn giá được phê duyệt. Khi hỏi về giấy tờ pháp lý chung cư, người này khẳng định "sẽ hoàn tất thủ tục, không phải lo gì cả".

Theo đại diện Liên doanh DMC&579 (chủ đầu tư dự án), danh sách 324 người mua căn hộ chung cư tại đây đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, Sở Xây dựng đã công khai danh sách này. "Khi bàn giao căn hộ, nếu người nhận bàn giao không đúng như hợp đồng, không thuộc danh sách đã phê duyệt, cơ quan chức năng sẽ thu hồi" - vị này nói.

Rao bán tràn lan nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Lách luật

Trong khi đó, trên nhiều trang web rao bán nhà đất tại TP.HCM, việc rao bán nhà đất tại các dự án nhà ở xã hội cũng diễn ra tràn lan. Chị T. - người đăng tin rao căn hộ 56m2 tại dự án nhà ở xã hội F.H, quận Gò Vấp với giá 1,5 tỉ đồng - cho biết đã mua căn hộ này từ một chủ khác thuộc diện được xét mua nhà tại dự án nhưng không có nhu cầu nên muốn bán lại.

Theo chị T., ngoài số tiền phải trả theo giá gốc căn nhà này khoảng 800 triệu đồng, chị phải trả thêm khoảng 200 triệu cho người nằm trong danh sách. "Hai bên đã mua bán theo hợp đồng ủy quyền và sau 5 năm đủ điều kiện bán, người mua ban đầu sẽ tự làm thủ tục chuyển nhượng và sang tên" - chị T. nói, đồng thời cho biết sẵn sàng liên hệ với chủ nhà cũ để ký hợp đồng ủy quyền trực tiếp với khách mua lại.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án F.H có 80% nhà ở xã hội và 20% nhà ở thương mại, nhưng nhiều người được suất mua nhà ở xã hội tại đây đã sang nhượng lấy tiền chênh lệch với lý do "không có nhu cầu ở".

Tương tự, trên một trang chuyên rao bán nhà đất đã đăng một tin rao bán nhiều căn hộ tại dự án J.C (quận 7), trong đó có ba căn hộ nhà ở xã hội diện tích 45m2 và 72m2, với giá tương đương 1,1 - 1,6 tỉ đồng. 

Khi nghe chúng tôi có nhu cầu mua, anh Ch. - người đăng tin rao bán các căn hộ - cho biết giá bán căn hộ nhà ở xã hội thấp hơn nhiều căn hộ thương mại. Ví dụ cùng căn hộ 72m2, căn hộ nhà ở thương mại có giá tầm 2 tỉ, trong khi căn hộ nhà ở xã hội chỉ khoảng 1,6 tỉ đồng.

Theo nhiều người bán căn hộ nhà ở xã hội, khách hàng có nhu cầu mua với giá rẻ phải chấp nhận “lách” luật. “Chủ nhà sẽ viết giấy di chúc tặng cho căn nhà và ký hợp đồng ủy quyền cho người mua toàn quyền thanh toán tiền mua, chuyển nhượng căn nhà với chủ đầu tư. Người mua nhà ở xã hội cũng không vay được ngân hàng” - anh Ch. cho biết.

Phải công khai danh sách người mua

Trong khi không ít người có suất mua nhưng không có nhu cầu ở, nhiều người đủ tiêu chí xét duyệt nhưng gặp rất nhiều khó khăn để mua nhà ở xã hội. Chị Q. (29 tuổi, đang làm việc tại một cơ quan nhà nước) cho biết đang ở cùng cha mẹ, có nhu cầu ở riêng nên tính tìm mua căn hộ nhà ở xã hội. 

Chị Q. đã đến tìm hiểu một dự án nhà ở xã hội đầu tư ngoài vốn ngân sách trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10), tuy nhiên do có quá nhiều người nộp hồ sơ nên chị Q. cho biết cũng khó hi vọng được mua. “Người đủ điều kiện cũng khó mua, trong khi người có suất mua lại bán lại kiếm lời, rất bất công cho người có nhu cầu ở thật” - chị Q. nói.

Theo luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn luật sư TP.HCM, tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Mặt khác quy định cũng cấm người mua nhà ở xã hội bán lại trước 5 năm. Tuy nhiên việc quy định cấm mua bán nhưng lại không có biện pháp ngăn chặn.

“Việc hậu kiểm sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến việc nhiều người bán sang tay suất mua nhà ở xã hội để kiếm lời, trong khi nhiều người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội” - ông Phượng nói.

Theo ông Phượng, muốn hạn chế tình trạng trên, cần phải có sự phối hợp kiểm tra chặt giữa cơ quan quản lý nhà nước với ban quản lý, ban quản trị dự án. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần phải công khai danh sách người được duyệt mua, thuê mua nhà ở xã hội để ban quản trị, người dân chủ động giám sát, tố cáo những người “tranh” suất mua rồi bán kiếm lời.

“Nếu không công khai thông tin đầy đủ để người dân cùng phát hiện, ngăn chặn việc mua bán không đúng luật sẽ rất thiệt thòi cho người khó khăn có nhu cầu ở thật” - ông Phượng nói.

* Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội:

Thường xuyên kiểm tra

a4

Để quản lý, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn, Hà Nội đã giao cho công an các địa phương thường xuyên kiểm tra người sử dụng nhà ở xã hội, trường hợp sử dụng nhà ở xã hội nếu không đúng đối tượng sẽ bị thu hồi.

Ngoài ra, hằng năm chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra tình trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn. Nếu phát hiện việc mua bán, chuyển nhượng nhà sai đối tượng, sẽ kiến nghị thành phố có biện pháp thu hồi.

* Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư Hà Nội:

Nhiều rủi ro pháp lý

a5

Theo quy định, các đối tượng mua nhà ở xã hội phải sử dụng sau 5 năm mới được chuyển nhượng, mua bán. Việc mua bán trước thời điểm này chỉ có thể thực hiện bằng giấy tay nên tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi trái luật và vô hiệu.

Cụ thể, người mua không thể thực hiện sang tên, công chứng hợp đồng mua bán, sổ đỏ vẫn mang tên chủ cũ, họ hoàn toàn có thể mang giấy tờ nhà ở đi cầm cố, thế chấp ở các tổ chức tín dụng đen, hoặc đặt vào đâu đó để vay mượn. Và rất dễ xảy ra phát sinh tranh chấp bất lợi cho người mua nhà. Người bán cũng có thể bội ước vì khi có tranh chấp ra tòa, giấy tờ viết tay sẽ bị hủy.

* Ông Phạm Tất Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam:

Khó quản lý

a2

Rất khó quản lý các giao dịch mua bán nhà ở xã hội vì không thực hiện qua sàn mà diễn ra trên thị trường tự do, mua bán chui. Tuy nhiên, vẫn có một số sàn giao dịch bất động sản nhận lại dự án nhà ở xã hội để huy động khách hàng, vì không phải dự án nào trong quỹ nhà ở xã hội cũng hút được khách hàng.

Có những dự án nhà ở xã hội xây dựng ở vị trí không phù hợp nên rất khó bán, chủ đầu tư dự án phải niêm yết qua sàn để quảng cáo cho người dân nắm được thông tin giao dịch, dù đây là sản phẩm chính sách chứ không phải sản phẩm giao dịch thông thường.

Chẳng hạn, một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội ở huyện Quốc Oai, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh rất khó bán nhà vì quá xa trung tâm. Đó là một thực tế mà chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cần phải tính toán lại để tránh cho chủ đầu tư có nguy cơ không thu hồi được vốn đã đầu tư.

Đ.TUÂN ghi

* PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM:

Phải xử nghiêm các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm

a1

Việc để cho người mua nhà ở xã hội "lách luật" chuyển nhượng căn hộ cho người khác có nhiều nguyên nhân. Dù quy trình lập danh sách, xét duyệt các đối tượng được quy định chặt chẽ nhưng có khi chủ đầu tư, cơ quan quản lý thực hiện qua loa, thiếu trách nhiệm.

Cũng có chủ đầu tư do muốn bán được nhà nên không sàng lọc kỹ đối tượng mua nhà. Ngoài ra, công chứng viên cũng có trách nhiệm khi công chứng các hợp đồng ủy quyền để che giấu việc mua bán nhà ở xã hội trái quy định.

Để xảy ra tình trạng mua bán trái phép, các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới. Phải có quy định xử lý trách nhiệm cụ thể, nghiêm khắc đối với các đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trên. Riêng những trường hợp cố tình vi phạm, phải kiên quyết thu hồi nhà để đảm bảo công bằng chính sách cho những người nghèo thật sự.

* Ông Lê Văn Tuấn - Chánh thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng:

Phạt tiền và thu hồi nếu vi phạm

a6

Theo quy định người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký; chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gán liền với đất theo quy định.

Kể từ thời điểm được phép bán nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất….

Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (nếu nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) …

Nếu vi phạm thì bị phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với người được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại nhà ở hoặc cho mượn nhà ở; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (nếu có) và đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

TP.HCM yêu cầu rà soát hồ sơ pháp lý khu nhà ở xã hội Hưng Phát TP.HCM yêu cầu rà soát hồ sơ pháp lý khu nhà ở xã hội Hưng Phát

TTO - Văn phòng UBND TP.HCM vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến về việc rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án Khu nhà ở xã hội Hưng Phát (Quận 8, TP.HCM).

TIẾN LONG - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên