21/10/2024 15:26 GMT+7

Rác vũ trụ tràn ngập quỹ đạo Trái đất, con người sẽ làm gì?

Hàng ngàn vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất có thể gây thảm họa trong những thập kỷ tới với số lượng rác vũ trụ 'khủng'. Con người có thể làm gì?

Giải pháp nào cho các vụ va chạm rác vũ trụ? - Ảnh 1.

Số lượng vệ tinh và rác vũ trụ sẽ ngày càng nhiều lên - Ảnh: Getty Images

Mối nguy từ rác vũ trụ

Hiện nay có một lượng lớn rác vũ trụ - các mảnh vỡ từ các vệ tinh - trên quỹ đạo. Trong đó có gần 37.000 mảnh vỡ có kích thước hơn 10cm được các mạng lưới giám sát không gian theo dõi, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Ngoài ra, có hơn 1 triệu mảnh vỡ từ 1 - 10cm có khả năng gây nguy hiểm, nhưng không thể giám sát được. "Điều này có nghĩa là bạn không thể thấy, không thể tránh, và hiện tại bạn không thể bảo vệ vệ tinh của mình trước chúng", ông John Janka, làm việc tại Công ty truyền thông Viasat (Mỹ), cho biết.

Tuy nhiên, mối lo ngại không chỉ dừng ở việc rác vũ trụ có thể gây hư hại cho vệ tinh hay tàu vũ trụ. Các chuyên gia còn nhận thức rõ về mối nguy hiểm được gọi là hội chứng Kessler, được đặt theo tên nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là Donald J Kessler.

Năm 1978, ông Kessler cùng với ông Burton G Cour-Palais đã công bố một lý thuyết rằng khi số lượng vệ tinh tăng, khả năng va chạm cũng tăng. Khi va chạm tăng sẽ tạo ra nhiều mảnh vỡ hơn, do đó khả năng xảy ra nhiều va chạm hơn cũng tăng. Và khi khối lượng rác vũ trụ đạt điểm tới hạn, một vụ va chạm có thể gây ra một loạt va chạm không thể dừng lại trên quỹ đạo.

Giải pháp nào cho các vụ va chạm rác vũ trụ? - Ảnh 2.

Số rác vũ trụ tăng mạnh theo thời gian - Ảnh: NASA

Một bài báo tổng quan của Viasat vào năm 2022 cũng vẽ ra một bức tranh tương tự: nếu đạt điểm tới hạn, toàn thể nhân loại sẽ bất lực nhìn rác vũ trụ tăng lên không kiểm soát được. 

Nếu không có sự can thiệp kịp thời, kỷ nguyên vũ trụ có thể đi đến hồi kết và con người sẽ mắc kẹt trên Trái đất bên dưới lớp rác này trong nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.

Chúng ta sẽ không thể tiếp tục khám phá vũ trụ, đồng thời mất đi các lợi ích từ công nghệ không gian như định vị, dự báo thời tiết, internet vệ tinh...

Giải pháp nào?

Giải pháp nào cho các vụ va chạm rác vũ trụ? - Ảnh 3.

SpaceX phóng tên lửa Falcon 9 hồi tháng 5-2021 - Ảnh: Getty Images

Theo dõi và điều khiển các vệ tinh để tránh va chạm là một trong những cách quản lý rủi ro. Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã quản lý các vệ tinh Starlink theo cách này, song đây cũng không phải là giải pháp an toàn vì số lượng vệ tinh ngày càng nhiều trên bầu trời vào những năm tới. Báo Guardian ngày 19-10 dẫn một ước tính cho thấy vào năm 2030 sẽ có gần 60.000 vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất.

Theo ông Ian Christensen, giám đốc cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Secure World Foundation (Mỹ), mối quan tâm hiện nay là sự phối hợp giữa các nhà điều hành vệ tinh, đảm bảo việc trao đổi dữ liệu để biết vệ tinh của họ đang ở đâu.

Một số chuyên gia lập luận rằng việc hợp tác trên toàn cầu là "điều không thể tránh khỏi", làm sớm tốt hơn là để muộn. Các tổ chức phi lợi nhuận như Secure World Foundation và Outernet Council (Anh) đang vận động ngành công nghiệp vũ trụ phát triển các hệ thống "có thể tương tác".

Aalyria, công ty con của Google, đã phát triển phần mềm Spacetime có khả năng giám sát  ăng ten và tìm ra kết nối tốt nhất giữa các vệ tinh đang di chuyển. Việc chia sẻ và chuẩn hóa mọi thứ trên khắp vũ trụ sẽ khiến việc kết nối và liên lạc hiệu quả hơn.

Rác vũ trụ tràn ngập quỹ đạo Trái đất, con người sẽ làm gì? - Ảnh 4.Lần đầu chụp được ảnh cận cảnh rác vũ trụ cỡ lớn nặng 3 tấn

Việc tiếp cận rác vũ trụ cỡ lớn ở khoảng cách gần mà không đụng vào nó mở đường cho việc dọn dẹp rác vũ trụ trong tương lai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên