22/09/2023 16:09 GMT+7

Hai mảnh rác vũ trụ lớn suýt gây họa trên quỹ đạo Trái đất

Hai mảnh rác vũ trụ lớn gần như đâm sầm vào nhau trên quỹ đạo thấp của Trái đất, khoảng cách giữa hai vật thể chỉ khoảng 36m.

Minh họa các mảnh vỡ trên quỹ đạo quanh Trái đất - Ảnh: Space.com

Minh họa các mảnh vỡ trên quỹ đạo quanh Trái đất - Ảnh: Space.com

Leolabs, một dịch vụ quản lý giao thông không gian chuyên theo dõi các vệ tinh và các vật thể khác trên quỹ đạo, đã phát hiện vào ngày 13-9, hai mảnh rác vũ trụ của Liên Xô và Trung Quốc lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp.

Chúng di chuyển với tốc độ khoảng 7,5km/s (hơn 27.000km/h) ở độ cao khoảng 689km so với mực nước biển.

Theo trang tin Space.com, Leolabs xác định những vật thể này có khả năng là tàu Cosmos 807 của Liên Xô, trọng tải 400kg được phóng vào năm 1976, và tầng tên lửa Trường Chinh 4C của Trung Quốc nặng khoảng 2.000kg được phóng cách đây 5 năm.

May mắn chúng đã không đụng nhau. Theo Leolabs, một vụ va chạm của những khối rác vũ trụ khổng lồ, có năng lượng cao như trên sẽ tạo ra khoảng 3.000 mảnh vụn trên quỹ đạo thấp của Trái đất.

Bầu khí quyển của Trái đất rất mỏng manh ở độ cao này, do đó sẽ mất nhiều thời gian để những mảnh vụn nhỏ rơi trở lại Trái đất một cách an toàn. Điều này làm tăng mối nguy hiểm cho các vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo.

Cả hai mảnh rác này đều đã có hàng chục lần va chạm với các mảnh rác hoặc vệ tinh đang hoạt động khác trong vài năm qua.

Ở tốc độ trên, ngay cả những mảnh vụn nhỏ cũng có thể đe dọa các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS hoặc Trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc.

Một báo cáo gần đây của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lưu ý rằng mặc dù các biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải không gian đang được các quốc gia và các công ty triển khai, nhưng hàng ngàn mảnh vỡ hiện có trên quỹ đạo vẫn khiến các sứ mệnh không gian gặp nhiều rủi ro.

370.000 mảnh rác vũ trụ trong quỹ đạo Trái đất

Theo ESA, kể từ năm 1957 loài người đã phóng khoảng 12.170 vệ tinh. 7.630 vệ tinh trong số đó vẫn còn trên quỹ đạo ngày nay, nhưng chỉ có khoảng 4.700 còn hoạt động.

Các nhà khoa học ước tính có khoảng 370.000 mảnh rác không gian trôi nổi trong quỹ đạo Trái đất với tốc độ di chuyển lên đến 35.405km/h. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, không lối thoát, nó sẽ gây nhiều tổn thất đáng kể cho các dự án phóng tên lửa, vệ tinh vào không gian trong thời gian tới.

Rác vũ trụ chọc thủng cánh tay robot của trạm không gian ISSRác vũ trụ chọc thủng cánh tay robot của trạm không gian ISS

Một mảnh vụn trên quỹ đạo đã đâm trúng cánh tay robot trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), tạo ra một lỗ thủng xuyên qua thiết bị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên