23/02/2018 09:38 GMT+7

Rà soát kép trường hợp phong giáo sư, phó giáo sư có 'nghi ngờ'

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Các trường hợp bị nghi về thống kê giờ giảng dạy, bị khiếu kiện... được "quan tâm" kỹ trong đợt rà soát phong giáo sư, phó giáo sư đang diễn ra.

Rà soát kép trường hợp phong giáo sư, phó giáo sư có nghi ngờ - Ảnh 1.

Một phó giáo sư cầm trên tay chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trong một đợt vinh danh tại Văn Miếu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Các hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) ngành đang trong quá trình rà soát các hồ sơ ứng viên phong giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Trong đó ứng viên không phải giảng viên được các HĐCDGS ngành đặc biệt lưu ý trong quá trình rà soát.

Phải xin xác nhận lại giờ giảng

Ngày 22-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch HĐCDGS ngành giáo dục học, cho biết với chứng kiến của Thanh tra Bộ GD-ĐT, hội đồng ngành giáo dục học đã rà soát kỹ lưỡng và khẩn trương tất cả các hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư.

Trong đợt rà soát này, thanh tra Bộ GD-ĐT khuyến cáo phải đặc biệt chú ý đến những trường hợp làm công tác quản lý Nhà nước, không trực tiếp công tác tại các cơ sở đào tạo hay các đối tượng thỉnh giảng (giảng viên cao đẳng dạy tại trường đại học hay giảng viên trường đại học này tham gia thỉnh giảng tại trường đại học khác).

Tại hội đồng ngành giáo dục học, dư luận đang quan tâm đến hai trường hợp ứng viên đều đang làm công tác quản lý, không phải giảng viên đại học và hiện cũng không làm trong ngành giáo dục.

Trả lời về những trường hợp này, GS Lộc cho biết ngoài việc rà soát trên hồ sơ đã có, hội đồng còn yêu cầu ứng viên xin lại xác nhận thêm một lần nữa về giờ giảng tại các cơ sở đào tạo. Việc này đã được ứng viên hoàn tất trước Tết nguyên đán.

Ngoài ra, hội đồng cũng đang yêu cầu các ứng viên phải cung cấp các minh chứng đi kèm về hợp đồng giảng dạy cùng các thông tin đi kèm như dạy môn nào sẽ có minh chứng về thù lao và bảng điểm…

"Cả hai trường hợp ứng viên là cán bộ quản lý đều có xác nhận giờ giảng vượt tiêu chuẩn tại các cơ sở đào tạo. Đây cũng là hai ứng viên đã đạt số phiếu tín nhiệm 100% tại hội đồng ngành trước đó" - GS Lộc cho biết thêm.

Qua quá trình rà soát kỹ lưỡng các hồ sơ, hiện tại hội đồng ngành đã hoàn tất báo cáo để gửi HĐCDGS Nhà nước. Trong báo cáo, hội đồng cũng trình bày rõ việc rà soát chung cũng như việc rà soát từng trường hợp cụ thể được chú ý. 

Về cơ bản, hội đồng một lần nữa xác định kết quả thẩm định hồ sơ đối với tất cả các ứng viên đã được đánh giá đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS thuộc ngành giáo dục học. 

Năm 2017, hội đồng ngành giáo dục có 35/47 ứng viên được công nhận chức danh GS, PGS. Theo GS Lộc, con số này không đột biến vì trước đó, năm 2016, ngành giáo dục học cũng đã có 34 người được công nhận chức danh GS, PGS.

Rà soát "kép" với ứng viên diện "nghi ngờ"

Tại HĐCDGS ngành kinh tế, dù tổng số ứng viên được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay là 78 người (1 GS, 77 PGS), nhưng lại là hội đồng có tỉ lệ ứng viên… trượt cao nhất: hơn 92% ứng viên GS và gần 40% ứng viên PGS bị loại.

GS Đinh Văn Sơn - Chủ tịch HĐCDGS ngành kinh tế, cho biết nếu xét số ứng viên ngành kinh tế nộp hồ sơ thì số lượng năm nay tăng 35-37%, nhưng nếu xét ứng viên được công nhận GS, PGS thì tỉ lệ chỉ tăng 5% so với năm 2016. Tuy nhiên, việc rà soát vẫn được thực hiện chặt chẽ.

Mỗi hồ sơ trước đây đều được giao cho 3 GS trong hội đồng ngành thẩm định thì nay chính các GS này lại đảm nhiệm việc rà soát lại hồ sơ ứng viên đó. Sau khi rà soát, các GS đều phải ký xác nhận lại về việc thẩm định này và chuyển lại cho thường trực hội đồng. 

"Riêng với những trường hợp được lưu ý, ngoài việc thẩm định nói trên, thường trực hội đồng còn trực tiếp phối hợp với đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT rà soát từng hồ sơ"- GS Sơn nói.

Theo đó, các ứng viên được "quan tâm" kỹ hơn là những ứng viên bị nghi ngờ về thống kê giờ giảng do chỉ tham gia thỉnh giảng, các trường hợp bị khiếu kiện... 

Trong đó, kể cả những trường hợp khiếu kiện nặc danh, mạo danh dù không có giá trị về mặt pháp lý, nhưng vẫn có giá trị tham khảo trong xem xét, rà soát. Còn ứng viên thỉnh giảng đều phải rà soát kỹ về hợp đồng thỉnh giảng, thanh lý hợp đồng… để minh chứng cho việc giảng dạy.

Hội đồng ngành kinh tế có khoảng 6-7 trường hợp thường trực hội đồng phải phối hợp thanh tra bộ rà soát. Tuy nhiên, theo báo cáo hội đồng đã gửi HĐCDGSNN, các kết quả kiểm tra đều khớp với việc thẩm định hồ sơ ban đầu.

Trong khi đó, GS Bạch Thành Công - chủ tịch HĐCDGS ngành vật lý, cho biết trước khi giao lại cho các GS đã được phân công thẩm định hồ sơ từ trước rà soát, thường trực hội đồng cũng đã tiến hành rà soát, thống kê. 

Có một số trường hợp thâm niên chưa đạt, nhưng bù lại điểm công trình cao nên vẫn đúng với quy định. 

Riêng hai trường hợp ứng viên bị khiếu kiện, hội đồng cũng đã tìm hiểu kỹ lưỡng và liên hệ với cơ quan quản lý ứng viên để thẩm định lại thông tin một cách đầy đủ. Đến thời điểm này, hội đồng bảo lưu các kết quả đã công nhận trước đó.

GS Trần Ngọc Thêm - chủ tịch HĐCDGS ngành ngôn ngữ học, cho biết ngay từ đầu, khi nhận thấy số lượng hồ sơ ứng viên năm nay tăng vọt so với các năm trước, HĐCDGSNN đã yêu cầu các hội đồng ngành cử người phối hợp cùng thanh tra Bộ GD-ĐT rà soát hồ sơ trước khi chuyển về hội đồng ngành làm công tác xét duyệt.

Sau đó, trong quá trình họp hội đồng ngành, thanh tra bộ cũng có mặt để giám sát.

Lý giải về số lượng ứng viên GS, PGS được công nhận năm 2017 của ngành ngôn ngữ học tăng gấp hơn hai lần năm 2016, GS Thêm cho rằng sự gia tăng này không liên quan đến hội đồng mà một trong những lý do chủ yếu do sắp thực hiện theo quy chế mới với những tiêu chí khó khăn hơn nên nhiều ứng viên có tâm lý muốn được đăng ký ngay trong đợt này.

"Trước đây, có thể ứng viên chờ đến lúc số điểm thật cao mới đăng ký. Song với tình huống năm nay, có thể ứng viên đạt đến mức độ nào đó cũng đăng ký thôi", GS Thêm chia sẻ.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên