28/11/2017 09:23 GMT+7

Ra ngõ gặp nhà hàng ngoại

BẢO NGỌC - NGỌC AN
BẢO NGỌC - NGỌC AN

TTO - Chuỗi nhà hàng nước ngoài được nhượng quyền tại Việt Nam đang chiếm lĩnh các trung tâm thương mại, nhưng phải qua thời gian mới biết ai sẽ trụ lại được.

Ra ngõ gặp nhà hàng ngoại - Ảnh 1.

Gần đây, đại diện thương mại nhiều "ông lớn" trong ngành kinh doanh ẩm thực thế giới như Little Caesars, Jumbo Group, The Boiling Crab, Element Fresh... đã có mặt tại Việt Nam để xúc tiến nhượng quyền, mở rộng chuỗi nhà hàng thực phẩm, đồ uống.

Liên tục chào mời nhượng quyền

Sau 71 thương vụ nhượng quyền chuỗi nhà hàng, cửa hàng thực phẩm, đồ uống ngoại tại Việt Nam, nhiều cái tên đã trở nên quen thuộc với người Việt, xuất hiện rộng khắp, như: BBQ Chicken, Burger King, McDonald’s, Starbucks... Nhiều thương hiệu ngoại đang tiếp tục mở rộng ra Đà Nẵng, Hải Phòng thông qua nhượng quyền kinh doanh.

Từng 15 lần đến tìm hiểu cơ hội nhượng quyền chuỗi cửa hàng kinh doanh pizza Little Caesars (Mỹ), ông Bill Shreiber, phó giám đốc phát triển toàn cầu của Little Caesars, đánh giá VN là một thị trường thực sự tiềm năng, nên Little Caesars rất muốn nhượng quyền chuỗi cửa hàng kinh doanh pizza tại Việt Nam. Hiện Little Caesars là chuỗi cửa hàng kinh doanh pizza lớn thứ 3 tại Mỹ với hơn 5.000 nhà hàng tại 18 quốc gia.

Mới đây, Công ty nhà hàng hải sản Jumbo Group (có mạng lưới trải rộng khắp Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản) cũng ký với Công ty N.V của Việt Nam để nhượng lại mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng hải sản tại thị trường này. 

Một loạt "ông lớn" khác cũng được thông tin đang dòm ngó thị trường VN, như thương hiệu pizza 120 tuổi Grimaldi’s New York, nhà hàng Boiling Crab® hay cửa hàng đồ uống Presotea®...

Nhượng quyền kèm chi phí khủng

Với giá cả không quá đắt, nhiều người trẻ đang lựa chọn các cửa hàng đồ ăn nhượng quyền, thậm chí là nơi gặp gỡ, trao đổi công việc. Theo chị Bùi Thu Hà - một nhân viên văn phòng sống tại quận 1, TP.HCM, đồ ăn mang phong cách ngoại đang trở thành xu hướng của nhiều người trẻ vì phong cách hiện đại, tiện ích cũng như thường xuyên được giảm giá.

Với sự mới mẻ, những thành công trong nhận nhượng quyền lĩnh vực ăn uống thời gian qua khá rõ. 

Như Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) qua nhận nhượng quyền 21 thương hiệu như lẩu Kichi Kichi, nướng Gogi House, bia Vuvuzela... doanh thu năm 2013 mới đạt 501 tỉ đồng, năm 2016 đã tăng 5 lần, đạt 2.628 tỉ đồng. Trong năm 2018, dự tính hệ thống của Golden Gate sẽ đạt 400 nhà hàng trên cả nước.

Trong khi đó, VietMac từng là cái tên đáng chú ý bởi sản phẩm độc đáo cơm kẹp thuần Việt ra đời năm 2011. Với số cửa hàng lên tới gần 10 điểm bán sau một năm, mục tiêu 5 năm sau sẽ có 100 chi nhánh và vươn ra ngoài Việt Nam, nhưng những khó khăn đã khiến VietMac phải thay đổi mô hình hoạt động.

Theo bà Vũ Nguyễn Hà Mi - giám đốc marketing VietMac, để mô hình nhượng quyền thành công phải chịu lỗ 5-10 năm khi giá thuê mặt bằng đắt đỏ, phải đủ số lượng cửa hàng để tạo lợi thế quy mô. Do đó, VietMac đã phải chuyển sang hợp tác, bán qua các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện dụng...

Tương tự, Pizza Home cũng phải thay đổi chiến lược. Ông Hoàng Tùng, người sáng lập thương hiệu này, cho biết để có một thương hiệu nhượng quyền phải trả cho họ phần trăm doanh thu, chi phí marketing, tối thiểu cũng vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng/lần chuyển nhượng. Tự phát triển hệ thống nhưng ông Tùng cho biết khi phát triển đến một giai đoạn sẽ phải tìm đối tác nhượng quyền.

Cuộc chơi khắc nghiệt

Nhiều quán ăn truyền thống Việt Nam đã hình thành được chuỗi kinh doanh, như bánh cuốn Gia An, cà phê Mộc, bánh cuốn Trảng Bàng, cà phê Trung Nguyên... Nhưng trên thực tế không ít thương hiệu khác đã "rơi rụng" hoặc phải bán thương hiệu cho đối tác. Thậm chí, theo các chuyên gia, có "đại gia" Việt nhận nhượng quyền đã ngậm đắng nuốt cay, lỗ trong khi vẫn phải trả cả tỉ đồng cho đối tác ngoại.

Dù McDonald's sắp mở cửa hàng ra Hà Nội nhưng theo ông Ngô Trọng Thanh - giám đốc Công ty Mancom, ngay một số "đại gia" ngoại cũng bị "sa lầy" ở Việt Nam và phải chấp nhận rút khỏi thị trường, như Subway, New York Café and Dessert... 

Ông Thanh cho rằng để đầu tư mỗi cửa hàng fastfood có vốn không dưới 300.000 USD, phải chấp nhận bù lỗ vài năm và không có nhiều doanh nghiệp Việt đủ sức "chịu đòn". Quản lý cũng là yếu tố cốt lõi. Số lượng tăng, quy trình vận hành lỏng lẻo, thế là mất bản sắc...

Một chuyên gia Bộ Công thương dẫn ví dụ về chuỗi cà phê T.N đã định hình, có thương hiệu, nhưng chính T.N sau đó khó phát triển tiếp. 

"Các doanh nghiệp VN khi chuỗi cửa hàng tăng lên con số hàng trăm là... vỡ trận. Họ cần học cách làm của nước ngoài là tỉ mỉ, sáng tạo, và chỉ có tốt lên mới thành công được" - vị chuyên gia này nói.

Nhiều thương vụ nhượng quyền

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy đến cuối tháng 9-2017 đã có 184 thương vụ nhượng quyền từ chuỗi cửa hàng, mô hình kinh doanh nước ngoài vào Việt Nam.

Các thương vụ nhượng quyền kinh doanh diễn ra trên nhiều lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, thời trang, giáo dục, bán lẻ, các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Nhưng sôi động hơn cả là nhượng quyền chuỗi nhà hàng, cửa hàng ăn nhanh, đồ uống với 71 thương vụ.

Không chỉ thương hiệu nổi tiếng ở các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... mà những thương hiệu ở Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippines... cũng đang nỗ lực thâm nhập Việt Nam.

BẢO NGỌC - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên