28/05/2014 11:08 GMT+7

Quyết không "thua buồn"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những ngày ở đảo Lý Sơn, một ngư dân đã kể với tôi: “Giữa biển, mạng sống con người nhỏ nhoi lắm”. Nhỏ nhoi thật, khi tưởng tượng những chiếc tàu gỗ với chiếc máy vài trăm mã lực của họ giữa mênh mông sóng nước.

Hỗ trợ tàu cá Đà Nẵng bị Trung Quốc đâm chìmThi thể ngư dân tử nạn đã được đưa về đảo Lý SơnTàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam

Lại càng nhỏ nhoi khi gặp bão lớn, sóng dữ, càng nhỏ nhoi hơn khi gặp những chiếc tàu sắt lớn hơn vài chục lần mang dã tâm chiếm biển, chiếm đảo. Nhưng Lý Sơn đã được coi là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, nên con người tuy nhỏ nhoi như thế nhưng lại cũng không nhỏ nhoi như thế. Một ngư dân đang phải nằm bờ, chờ tàu sửa chữa sau cú đâm va hư hại bảo tôi: “Không sợ Trung Quốc, cũng không sợ bão. Đã ra biển thì không sợ gì cả”. Mấy ngày này, câu chuyện thường được nghe nhất ở Lý Sơn cũng đương nhiên là chuyện biển Đông, từ ngư dân đến các bô lão đã rời biển, ngày đêm lo việc ở đình làng, từ những phụ nữ suốt đời luật quật trên ruộng hành tỏi đến em bé còn đeo khăn quàng đỏ. Và trong những câu chuyện ấy, tôi nghe được một nỗi lo sợ của họ: “Không sợ gì cả, chỉ sợ thua buồn”.

“Thua buồn”, từ của người Lý Sơn dùng nghe là lạ. “Thua buồn” nghĩa là nản lòng, nhụt chí, là bỏ cuộc, ông Phạm Thoại Tuyền, một “nhà Lý Sơn học”, giải thích với tôi. Thì ra đó là nỗi sợ của người Lý Sơn, mà họ thì lại chưa bao giờ nản lòng, bỏ cuộc. Từ hàng trăm năm nay, Hoàng Sa vẫn là điểm đến, là hải trình thường xuyên nhất mà những ngư dân Lý Sơn lựa chọn. “Đó là ngư trường của chúng tôi, của cha ông chúng tôi” - người dân nào cũng nói như vậy, dù rằng Hoàng Sa không chỉ có những đe dọa của thiên tai, mà nhiều hơn lại chính là những đe dọa của “nhân tai”. “Tàu tui bị cướp phá lần này là lần thứ mười mấy rồi chứ” - ngư dân Nguyễn Lộc nói. “Có lần tôi và toàn bộ anh em bị bắt, giam trên tàu của họ mất mấy tháng để đòi tiền chuộc. Sau rốt tụi tôi tuyệt thực họ mới thả về...” - ngư dân Lê Khởi kể. Những câu chuyện như vậy có thể ghi lại được từ đầu An Vĩnh tới cuối An Hải, từ Lý Sơn vào đến Bình Châu, Bình Sơn và còn ở nhiều vùng biển khác của VN nữa. Mỗi lần gặp “nhân tai” như vậy, cả một gia sản tiêu tan, chưa kể đến tính mạng. Nhưng rồi tàu lại vẫn vươn khơi, người lại vẫn bám biển, vẫn tiếp tục ước mơ có được chiếc tàu sắt mạnh hơn, lớn hơn để đi xa hơn, đánh bắt được nhiều hơn. Không bỏ cuộc, không “thua buồn”, vì: “Thua buồn là mắc mưu Trung Quốc. Họ chỉ chờ vậy thôi, chờ dân mình bỏ biển” - người Lý Sơn giải thích rành mạch vậy. Với họ, ý thức về chủ quyền thật rõ ràng, và bám biển không chỉ là để mưu sinh.

Lại một chiếc tàu Lý Sơn cập bến. Tàu của anh Dương Văn Giàu đã bị tàu Trung Quốc cướp phá tất cả trang thiết bị nhưng vẫn bám trụ ở lại trên biển gần 20 ngày, mượn ngư cụ tàu bạn để đánh bắt, “gỡ lại chút vốn”. Vừa vào bờ, anh đã khẳng định ngay: “Vay tiền sắm lại thiết bị xong sẽ quay ra Hoàng Sa”. Quyết không “thua buồn”, tinh thần ấy của ngư dân đảo Lý Sơn, những cột mốc sống ở Hoàng Sa như truyền cho những người ở đất liền điểm tựa và sức mạnh, lại cũng đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu về một sự trợ sức đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên