22/01/2013 00:42 GMT+7

Quyền quyết định là ở tỉnh!

HUỲNH HIẾU - VĂN KỲ
HUỲNH HIẾU - VĂN KỲ

TT - Đó là khẳng định của ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - khi cho rằng ba trong bốn dự án ngầm dưới bãi biển Nha Trang không cần thỏa thuận với Bộ VH-TT&DL, tại buổi họp báo chiều 21-1.

Không thể ứng xử với biển tùy tiệnKhánh Hòa: Quy hoạch dự án ngầm chưa công bố cho dân biết

CfA7wgsa.jpgPhóng to

Người dân yêu Nha Trang lo ngại bãi biển đẹp ở đây sẽ bị tổn hại - Ảnh: Phan Sông Ngân

Tại buổi họp báo, ông Lê Văn Dẽ - giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa - trình bày quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt và mô tả bốn dự án ngầm dưới bãi biển Nha Trang.

Chưa công bố quy hoạch

Theo quy hoạch này, dải đô thị và công viên dọc bờ biển Nha Trang sẽ tổ chức giao thông trục đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng phục vụ du lịch, gắn kết chức năng và kiến trúc cảnh quan phần bờ biển phía đông với các khu đô thị phía tây đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng. Quy hoạch có nội dung cụ thể: “Có thể bố trí một số hạng mục dịch vụ du lịch, giải trí tại khu vực này”.

Theo ông Lê Đức Vinh, trong định hướng phát triển, khu trung tâm được tỉnh quan tâm đầu tư, đặc biệt là dải công viên bờ biển. “Phải thực hiện công viên bờ biển ngoài phục vụ cộng đồng và du khách với cây xanh bóng mát, bãi tắm đẹp còn có các dịch vụ, trong đó có dịch vụ trên mặt đất và dưới ngầm. Bốn dự án ngầm này mở đầu cho các dự án dọc công viên này nhằm đạt được mục tiêu trên” - ông Vinh nói.

Vì sao người dân chưa được biết quy hoạch này nên không ít người lo lắng khi Tuổi Trẻ thông tin về bốn dự án ngầm dưới bãi biển Nha Trang? Ông Dẽ cho biết quyết định điều chỉnh quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 9-2012 và theo quy định, trong thời gian một tháng kể từ khi được phê duyệt, địa phương phải công bố quyết định phê duyệt đó. “Tuy nhiên, đến nay tỉnh Khánh Hòa chưa thể công bố quyết định phê duyệt này vì bản vẽ điều chỉnh quy hoạch được Sở Xây dựng thuê đơn vị tư vấn thiết kế làm, sau đó sở tham mưu cho UBND tỉnh ký và tỉnh phải trình lên Bộ Xây dựng phê duyệt. Tôi gửi từ tháng 5-2012 đến nay vẫn chưa được phê duyệt, dẫn đến chậm trễ như vậy” - ông Dẽ phân bua.

Chưa có phản biện

Bờ biển Nha Trang là tài sản vô giá, cho làm những công trình ngầm dưới bãi biển trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã có nghiên cứu khả năng gây tổn hại bờ biển không? Đã tham khảo công trình ngầm dưới bãi biển ở các nước khác chưa? Quá trình xây dựng các công trình ngầm có phá vỡ không gian đặc hữu của bờ biển Nha Trang không? Đã tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn chưa? Những câu hỏi này chưa có giải đáp rõ ràng và đầy đủ từ UBND tỉnh Khánh Hòa và các ngành chức năng của tỉnh tại cuộc họp báo.

Nhưng vấn đề này được cắt nghĩa bất ngờ khi kiến trúc sư Bùi Dũng - chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa - cho rằng với những công trình lớn và nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân thì cần phải có sự phản biện xã hội. “Tôi nghĩ những dự án này tỉnh nên giao cho chúng tôi phản biện, đóng góp ý kiến xác đáng hơn” - ông Dũng thẳng thắn.

Cái gì xây ngầm thì rất khó lường

“Các dự án ngầm trên bãi biển đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa và báo cáo đã được cấp nào phê duyệt?”. Đại diện Sở Tài nguyên - môi trường cho biết mới chỉ có hai dự án nhà hàng Bốn Mùa và Nha Trang Plaza báo cáo sở và UBND TP Nha Trang phê duyệt. Hai dự án ngầm còn lại không cần có báo cáo. Ông Vinh giải thích thêm việc quản lý không gian ngầm trong đô thị theo nghị định 38, tùy quy mô, không nhất thiết các công trình đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên kết thúc buổi họp báo, ông Vinh có tâm sự: “Công trình ngầm phải thận trọng, đặc biệt là những tác động môi trường. Tôi nói thật những cái gì dưới đất, những cái gì xây ngầm thì rất khó lường trước, bởi trong quá trình làm có những biến động không thể lường được”.

Chỉ hỏi bộ khi công trình ảnh hưởng xấu

Bà Phan Thanh Trúc - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Khánh Hòa - cho rằng trong bản đồ xác định ranh giới của danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang (được công nhận năm 2005) thì phần mép nước bờ biển đường Trần Phú trở ra được tính là vịnh Nha Trang, còn toàn bộ bờ biển Nha Trang không nằm trong diện tích của danh lam thắng cảnh mà là khu vực tiếp giáp. “Ở khu vực tiếp giáp, khi có dự án có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích thì sẽ thực hiện thẩm định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vì vậy, khu vực tiếp giáp này không phải bắt buộc có thẩm định của Bộ VH-TT&DL” - bà Trúc phân tích. Tuy nhiên khi được chất vấn “Với tư cách là lãnh đạo một cơ quan quản lý nhà nước về danh thắng, theo bà, ba dự án ngầm còn lại có nên hỏi ý kiến của bộ không?” thì bà Trúc không trả lời.

Còn ông Vinh cho rằng dự án Nha Trang Sao cần hỏi ý kiến bộ vì có liên quan đến di tích danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ. Với ba dự án ngầm còn lại thì không cần vì chỉ nằm ở khu vực tiếp giáp vịnh Nha Trang và đã được điều chỉnh trong quy hoạch. “Quyền quyết định là ở tỉnh” - ông Vinh khẳng định.

Phạm vi vịnh Nha Trang theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa

Ngày 11-9-2012, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định (số 2260/QĐ-UBND) về việc ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý các hoạt động trên vịnh Nha Trang. Quy chế này quy định phạm vi phối hợp trong công tác quản lý các hoạt động trên vịnh Nha Trang như sau: “Trên biển: từ mũi Kê Gà đến mũi Cù Hin. Ranh giới được xác định theo quyết định số 738/QĐ-UB ngày 21-3-2005 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xác định ranh giới vịnh Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa. Trên bờ: dọc bờ biển vịnh Nha Trang từ mũi Kê Gà đến mũi Cù Hin về phía đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng”.

P.S.N.

HUỲNH HIẾU - VĂN KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên