21/01/2013 06:21 GMT+7

Không thể ứng xử với biển tùy tiện

T.T
T.T

TT - Xung quanh bốn dự án ngầm dưới bãi biển Nha Trang (Tuổi Trẻ ngày 17, 18 và 19-1), chúng tôi đã đặt câu hỏi với Bộ VH-TT&DL nhưng đến nay chưa được trả lời. Trong khi đó, dư luận và đặc biệt là các kiến trúc sư tiếp tục bày tỏ nhiều ý kiến phản biện.

WoRzfMsd.jpgPhóng to
Đoạn bãi biển Nha Trang đã rào và đang bị đào để xây nhà hàng ngầm của khách sạn Nha Trang Plaza - Ảnh: Ph.S.Ngân

KTS Trần Thanh Cường (phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, giám đốc Công ty TNHH AF chuyên tư vấn kiến trúc xây dựng ở Nha Trang): Biển Nha Trang cần dịch vụ “mang chất biển”

"Với tư cách công dân, chúng tôi đang xem xét việc gửi kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị người đứng đầu Chính phủ có biện pháp để Khánh Hòa dừng ngay việc xây dựng phá hỏng cảnh quan và xâm hại môi trường này lại"

KTS Nguyễn Tấn Vạn

Thành phố Nha Trang được thiên nhiên ưu đãi có dải bờ biển tuyệt đẹp. Không gian công cộng dọc bờ biển Nha Trang rất quan trọng. Dải cây xanh dọc công viên biển không chỉ mang ý nghĩa là cây xanh mà còn tạo ra khoảng lặng, một không gian êm đềm bên cạnh một thành phố ồn ào, náo nhiệt phía trong để tạo cân bằng, hài hòa.

Tỉnh cho phá bỏ không gian đó để thay vào bằng hàng loạt dự án kinh doanh vũ trường, quầy bar, karaoke ở dưới thì quá phí. Các chủ dự án đều nói sẽ cải tạo lại bề mặt công viên nhưng tôi nghĩ khó làm được điều đó. Nói chung nó mâu thuẫn nhau, không hài hòa được. Nhà hàng bêtông cốt thép có tiền thì làm được, nhưng để có không gian bờ biển Nha Trang như hiện nay phải mất mấy chục năm nuôi dưỡng. Mà cái thiên nhiên ta hiện có tôi nghĩ quý hơn những vũ trường, nhà hàng bêtông cốt thép chuẩn bị làm.

Trên báo Tuổi Trẻ mới đây (ngày 19-1) đăng ý kiến của một lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho rằng biển Nha Trang không chỉ để tắm mà cần phải có thêm các dịch vụ khác. Tôi nghĩ đó chỉ là một quan điểm riêng về các dự án ngầm này. Tôi đồng ý biển Nha Trang cần phát triển thêm các dịch vụ, nhưng phải là những dịch vụ mang chất của biển như lái thuyền buồm, thể thao bãi biển, lặn biển... Theo tôi biết, hiện các khách sạn lớn ở phía tây đường Trần Phú như Yasaka, Lodge... đều có dịch vụ vũ trường, karaoke và họ cũng đang vắng khách và còn rất nhiều địa điểm tốt trong thành phố cho những dịch vụ này. Vậy tại sao lại đưa thêm các dịch vụ đó xuống lòng đất ở phía đông con đường này?

Còn về đường hầm qua đường Trần Phú của khách sạn Nha Trang Plaza tôi thấy hợp lý, nhưng tỉnh Khánh Hòa cần phải có quy hoạch về việc này. Chẳng hạn như một đoạn đường cần làm bao nhiêu đường hầm, khách sạn nào được làm đường hầm, mỗi đường hầm cách nhau bao nhiêu mét... để người dân bình thường cũng có thể sử dụng đường hầm ấy, chứ không phải đợi khách sạn nào xin là cho như tình trạng hiện nay. Bên cạnh đó, việc đào đường hầm qua đường rồi phải làm cầu thang dẫn lên công viên, chứ không thể cho làm nhà hàng ngầm như khách sạn Nha Trang Plaza hiện nay.

VĂN KỲghi

-------------------------------

* Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN Nguyễn Tấn Vạn: “Đừng can thiệp thô bạo vào biển”

Hội Kiến trúc sư (KTS) VN không hề được tham vấn và cũng không hề biết gì về việc xây dựng các công trình ngầm dọc bờ biển Nha Trang. Chúng tôi chỉ biết sau khi đọc báo Tuổi Trẻ. Tôi đã gọi điện và đề nghị chi hội KTS Khánh Hòa cung cấp thông tin chi tiết hơn.

Sau khi có những thông tin ban đầu từ hai nguồn trên, ý kiến của tôi, với tư cách chủ tịch Hội KTS VN, về việc Khánh Hòa cho phép xây dựng một lúc bốn công trình ngầm dọc bờ biển Nha Trang là: “Cần hết sức thận trọng và đặt lợi ích lâu dài lên trên những lợi nhuận kinh doanh trước mắt. Tôi đi nước ngoài cũng nhiều, thực mục sở thị nhiều công trình đẹp ven biển của các thành phố du lịch nổi tiếng thế giới và chưa thấy ai có ý tưởng kỳ khôi làm những công trình ngầm ngay sát bờ biển - một trong những bờ biển đẹp nhất thế giới - như Nha Trang đang làm.

Thế giới đã xác định thiên niên kỷ thứ ba này là kỷ nguyên biển. Biển mênh mông nhưng cũng rất nhạy cảm và con người không thể ứng xử với biển tùy tiện, vụ lợi và thiển cận như vậy được. Có một câu nói nổi tiếng mà các nhà quy hoạch khi đụng đến mỗi mét bờ biển đều phải biết: “Can thiệp thô bạo vào biển, biển sẽ tát vào mặt!”. Rất nhiều bài học đau đớn về xâm hại bờ biển, can thiệp thô bạo vào cảnh quan và môi trường ở nhiều đô thị lớn trên thế giới và ngay ở VN đã được các phương tiện thông tin đại chúng nêu ra suốt hàng chục năm ròng rã. Nhưng cũng không thể cứu vãn được cảnh quan và môi trường biển khi bờ biển đã bị bêtông hóa, sinh vật biển đã phải thay đổi tập quán sinh hoạt do tiếng ồn, nước thải...

Tôi không hiểu vì sao những công trình có quy mô lớn, trên một bãi biển đã được xếp hạng danh thắng quốc gia, ở một vị trí hết sức nhạy cảm về môi trường và cảnh quan như vậy mà không có sự tham vấn của Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ VH-TT&DL lẫn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp như hội quy hoạch đô thị, hội KTS... Về những công trình lấn biển, ven biển và vi phạm danh thắng, làm xấu cảnh quan biển ở Nha Trang, nhiều người đã lên tiếng. Nhưng vụ xây cất “hoành tráng” này quả thật là rất nghiêm trọng và chúng tôi được biết khá muộn. Đoàn chủ tịch Hội KTS sẽ tập hợp các tư liệu, lấy ý kiến các KTS, các nhà quy hoạch và có công văn bày tỏ quan điểm đến UBND thành phố Nha Trang và UBND tỉnh Khánh hòa với tư cách các nhà chuyên môn.

TH.H. ghi

T.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên