Với những người cầm bút, quả thật đây là món quà vô giá nhân kỷ niệm 87 năm Ngày báo chí cách mạng VN (21-6).
Bạn đọc còn tin yêu, còn nhiều gửi gắm cũng có nghĩa là người cầm bút phải ý thức hơn trách nhiệm xã hội của mình. Mọi nỗ lực tìm kiếm thông tin của nhà báo, của mỗi tờ báo, suy cho cùng cũng nhằm phục vụ tốt hơn quyền được biết, quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Ở đó còn có cả một sự trông đợi lớn hơn của đông đảo người dân là hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội minh bạch, xem báo chí là cầu nối hữu ích để lắng nghe dân và luôn tự sửa mình.
Song môi trường tác nghiệp của báo chí đang có một sự thật: “Khi nào còn những sự thật bị che giấu, khi nào nhà báo còn đi tìm sự thật thì có thể còn có những nhà báo bầm dập”, như lời nhà báo lão thành Hữu Thọ đã nói.
Tác nghiệp của nhiều nhà báo đang đứng trước những “bức tường đá”, đúng như cách gọi của Tuổi Trẻ trong loạt bài “Khi quyền tác nghiệp bị xâm phạm”. Nhiều đề nghị cung cấp thông tin “nóng” của báo chí đã bị cơ quan chức năng “ngâm” đến nguội ngắt. Nhà báo mỏi mòn chờ đợi những cuộc hẹn phỏng vấn, cung cấp thông tin…
Những cách hành xử như thế này với báo chí đã trở thành chuyện không hiếm. Hầu như ở cơ quan công quyền nào cũng có quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng không phải ở đâu quy chế này cũng được tôn trọng. Thậm chí có tư tưởng “trang bị” quy chế chủ yếu để đảm bảo không vi phạm quy định, còn trên thực tế nó không được vận dụng và phát huy.
Dự luật tiếp cận thông tin hướng đến những mục tiêu trên từng được thảo luận rất sôi động trên nhiều diễn đàn vào năm 2009, nằm trong chương trình lập pháp của Quốc hội khóa XII, nhưng rất tiếc đến nay dự luật này vẫn nằm trong kế hoạch lập pháp và chưa rõ bao giờ sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua? Trong khi đó, bảo vệ quyền được biết, được tiếp cận thông tin của người dân, kể cả các chế tài khi quyền này bị xâm phạm bằng những cơ chế, quy định minh bạch… đang là đòi hỏi bức bách của thực tiễn cuộc sống và rất chính đáng của mọi người dân.
Và nếu coi báo chí là một kênh để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận thông tin và rộng rãi nhất, thì việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, hay các hoạt động tác nghiệp của báo chí, cũng chính là bảo vệ quyền được thông tin của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận