Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổ ra đường sau lời kêu gọi hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Erdogan - Ảnh: AFP |
Theo Al Jazeera, tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng có 265 người chết, 1.440 người bị thương sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một nỗ lực “thanh lọc” và truy cứu trách nhiệm những người có liên quan, 2.839 binh sĩ và gần 2.800 thẩm phán nước này bị bắt giữ chỉ trong ngày 16-7.
Từ Washington, ngày 16-7, Tổng thống Mỹ, Barack Obama kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ nên đứng lên ủng hộ chính phủ “do dân bầu ra”.
Nhà Trắng, trong một thông báo sau đó cho hay, cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã kêu gọi “tất cả các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ nên ủng hộ chính phủ dân chủ ở nước này, kiềm chế, tránh bạo lực đổ máu”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Matxcơva sẵn sàng làm việc mang tính xây dựng với chính phủ hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại: “Tình hình chính trị căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nguy cơ đe dọa tấn công khủng bố ở nước này và một cuộc xung đột quân sự trong khu vực đang đe dọa đến ổn định khu vực và quốc tế”.
Mátxcơva cũng khuyến cáo công dân nước này nên hạn chế ra đường trong bối cảnh còn nhiều vấn đề bất ổn.
Viết trên trang Twitter, Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif, nhấn mạnh “cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ không có chỗ trong khu vực này và cam chịu thất bại".
Lãnh đạo một số nước châu Âu cũng lên tiếng ca ngợi nỗ lực ngăn chặn cuộc đảo chính của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói: “Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy sự chín chắn và lòng can đảm của mình…nhưng phải trả giá bằng nhiều sinh mạng”.
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cũng ca ngợi sự hỗ trợ nền dân chủ một cách mạnh mẽ của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ Mông Cổ ngày 16-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu. EU hoàn toàn ủng hộ chính phủ dân chủ, hiến pháp và pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ".
Đức, quốc gia chủ chốt trong EU, khẳng định trật tự được thiết lập dựa trên các nguyên tắc dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ phải được tôn trọng. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh Berlin lên án “bất kỳ nỗ lực thay đổi trật tự dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng vũ lực”.
Cho đến thời điểm hiện tại, tình hình cơ bản được kiểm soát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, căn cứ không quân Incirlik ở Adana, miền nam nước này vẫn đang bị phong tỏa. Đây là căn cứ chính của lực lượng liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Nói với CNN, một quan chức Mỹ xác nhận mọi hoạt động tại căn cứ bị đình chỉ cho đến khi chính quyền Ankara chắc chắn rằng lực lượng không quân đã nằm trong tay chính phủ.
Trong nỗ lực đảo chính bất thành trước đó, hai máy bay F-16 trút bom xuống dinh Tổng thống và tòa nhà Quốc hội ở Ankara khiến nhiều người bị thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận