16/07/2016 17:51 GMT+7

Vì sao dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Erdoğan?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Tham nhũng, độc đoán và đàn áp, đó là từ phe phản đối thường chỉ trích chính quyền của ông Erdoğan, nhưng dù sao ông vẫn là nguyên thủ được dân bầu lên.

Người dân đứng trên chiếc xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara ngày 16-7 - Ảnh: Reuters
Người dân đứng trên chiếc xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara ngày 16-7 - Ảnh: Reuters

Người dân vẫn ủng hộ tổng thống Erdoğan

Theo Reuters, bất chấp cuộc đảo chính bất thành xảy ra ngày 15-7, ông Erdoğan sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Ông vẫn có hàng triệu người ủng hộ sẵn sàng dâng cả tính mạng họ vì ông.

Ông cũng nhận được sự ủng hộ của các đảng phái đối lập. Bởi vì ông đã chiến thắng tới 3 cuộc bầu cử nên ông là người có tư cách hợp pháp với địa vị của mình.

Tối 15-7, đường phố Istanbul đầy ắp người. Các đền thờ Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi người dân đổ ra đường phản đối cuộc đảo chính. Ông Erdoğan cũng gửi đi thông điệp kêu gọi tương tự trên đài truyền hình quốc gia thông qua kết nối FaceTime.

Sáng 16-7, ông Erdoğan lại xuất hiện trên truyền hình, nhưng lần này trong tư thế được quây chung quanh bởi những người ủng hộ ông tại sân bay Istanbul. Sự xuất hiện mà tờ New York Times gọi là "kịch tính" vì trước đó không ai biết ông đã ở đâu, thậm chí còn có tin đồn ông đã chạy sang Đức nương náu.

Từ lâu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có tham vọng nắm quyền điều hành đất nước. Những nhà lãnh đạo đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ như Kemal Atatürk và İsmet İnönü đều là những cựu tướng lĩnh.

Từng nhiều lần xảy ra đảo chính 

Sau cuộc bầu cử dân chủ năm 1950, Thổ Nhĩ Kỳ trải qua ba cuộc đảo chính quân sự vào các năm 1960, 1971 và 1980. Cuộc sau bao giờ cũng đẫm máu và đàn áp mạnh tay hơn cuộc trước.

Năm 1997, quân đội tiến hành cái họ gọi là "cuộc đảo chính thời hậu hiện đại" bằng việc gửi thư báo cho thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Necmettin Erbakan, buộc ông này phải từ chức sau đó.

Cuộc đảo chính đêm 15-7 vừa qua không phải là một dạng "hậu hiện đại" như vậy. Các đơn vị quân đội đã đổ ra đường và những tuyến đường chính bị phong tỏa.

Đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) thống lĩnh chính trường Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2002. Đảng này chỉ thực sự giành được quyền lực bằng cách đối đầu với lực lượng quân đội.

Năm 2007 các tướng lĩnh lại muốn lặp lại thành công năm 1997 của họ với "bức thư báo nửa đêm" chỉ trích chính trị gia Abdullah Gül, ứng cử viên của đảng AKP cho vị trí tân tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên lần đó ông Erdoğan đã đánh bại được âm mưu này và ông Gül, đồng minh của ông Erdoğan đã trở thành tổng thống. Bảy năm sau đó, ông Erdoğan được bầu kế nhiệm vị trí của ông Gül.

Dưới thời của mình ông Erdoğan biến tất cả các vị trí mang tính nghi thức trở thành các cương vị nắm quyền lực thực sự. Có thời điểm, chủ tịch đảng AKP trở nên đóng vai trò quan trọng và có thể phản biện, chất vấn ông Erdoğan trong các vấn đề chính sách.

Ông Erdoğan không giấu giếm tham vọng thay đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra một thể chế trong đó tổng thống được trao quyền nhiều hơn.

Trong nhiều năm ông Erdoğan tuyên chiến với quân đội. Hàng trăm sỹ quan bị thanh trừng với các cáo buộc vu khống, số khác bị buộc phải nghỉ hưu non. Trong khi đó cảnh sát và lực lượng tình báo được củng cố để hoạt động như một đối trọng với quân đội.

Tuy nhiên trong hai năm qua, dường như ông Erdoğan và quân đội bị dồn vào thế buộc phải chấp nhận nhau. Thực tế là họ phải chung lưng đấu cật để chống lại sự trỗi dậy không thể kiểm soát của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Cuộc chiến này đã xóa sổ hàng trăm ngàn người Kurd và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Tuy nhiên rõ ràng nhiều sỹ quan quân đội vẫn không hài lòng với ông Erdoğan. Họ phẫn nộ khi thấy những đồng chí của họ bị lạm dụng trong các cuộc xét xử mang tính dằn mặt. Nhiều người còn tin rằng tình trạng bạo lực xảy ra với PKK có một phần nguyên do từ những thương thuyết trước đó của AKP với PKK.

Tại một số lễ tang của binh sỹ trong quân đội, nhiều sỹ quan thậm chí còn đổ tội cụ thể cho ông Erdoğan vì việc một số quân nhân thiệt mạng. Họ cho rằng, sự gia tăng lực lượng thánh chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ là cái giá phải trả cho việc AKP đã dung túng với các nhóm thánh chiến tại Syria.

Cuộc đảo chính ngày 15-7 nếu thành công rất có thể sẽ là thảm họa. Vì kéo theo nó sẽ là cuộc nội chiến. Và với thất bại của nó như đã thấy, điều đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng đàn áp dữ dội hơn và xu hướng tập trung quyền lực cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

Với việc đàn áp thẳng tay được cuộc đảo chính ngày 15-7, ông Erdoğan thêm một lần nữa đánh bóng được "thương hiệu" bấy lâu nay ông cố công xây dựng là "người của nhân dân".

Trên mạng xã hội, những người theo thuyết âm mưu nói cuộc đảo chính này rất có thể chỉ là một trò hề chính trị mà ông Erdoğan đạo diễn nhằm giành thêm ủng hộ và quyền lực kiểm soát. Ai muốn nói thế nào cũng được, nhưng có một điều cốt lõi là: Nếu ông Erdoğan đã vượt qua thách thức này, ông sẽ tiếp tục trở nên mạnh mẽ hơn.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên