26/11/2021 09:08 GMT+7

Quốc lộ 1: Đừng để “ổ gà” hóa “ổ voi”

SƠN LÂM - MẬU TRƯỜNG - DUY THANH
SƠN LÂM - MẬU TRƯỜNG - DUY THANH

TTO - Các nhà quản lý, chuyên gia giao thông cho rằng quốc lộ 1 hư hỏng nặng triền miên có nhiều nguyên nhân mà việc sửa chữa hiện nay chỉ như chữa bệnh theo triệu chứng chứ chưa phải từ gốc.

Quốc lộ 1: Đừng để “ổ gà” hóa “ổ voi” - Ảnh 1.

Chiều 25-11, nhiều phương tiện, xe, máy tập kết trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Đông Hòa (Phú Yên) để sửa chữa hàng loạt hư hỏng trên mặt đường - Ảnh: DUY THANH

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua trên tuyến quốc lộ 1 có nhiều đơn vị sửa chữa đang đào đắp, vá đường. Tuy nhiên, đa phần là "hư đâu sửa đấy".

Ngán ngẩm đường về miền Tây

Từ giữa tháng 5 hằng năm, khi miền Tây bắt đầu vào mùa mưa, những tuyến đường ở vùng này cũng nhanh chóng bị xuống cấp hơn. Năm 2020, quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Long An đã được làm mới trở lại sau nhiều năm xuống cấp.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng xe đi lại thời gian qua giảm sút, phần lớn tuyến đường quốc lộ 1 cải tạo mới qua tỉnh Long An đều còn tốt. 

Tuy nhiên, tại một số điểm qua địa bàn huyện Bến Lức, đặc biệt là tại các giao lộ vào khu công nghiệp, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện nhiều "ổ gà" lõm sâu xuống mặt đường do xe có tải trọng lớn thường xuyên qua lại. Nhiều "ổ gà" xuất hiện sau một tháng không được sửa chữa đã tiếp tục bị cày xéo thành "ổ voi".

Trong khi đó, đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang cũng có nhiều đoạn xuống cấp thường xuyên do không có hệ thống thoát nước. Nước đọng trên mặt đường lâu ngày, cùng với lượng xe qua lại nhiều khiến mặt đường mau hư hỏng hơn.

Theo ghi nhận ngày 24-11, mặt đường quốc lộ 1 dù đã được duy tu trong những ngày qua nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một số đoạn mặt đường xấu, "ổ gà" và "ổ voi" rải rác suốt đoạn qua tỉnh Tiền Giang gây nguy hiểm cho xe qua lại.

Theo tài xế taxi Trần Lê Hải (quê Long An): "Đường làm mới xong, có ổ gà mà không sửa ngay thì không khác gì bẫy người đi đường. Nếu thấy đường vắng mà chạy theo đúng tốc độ cho phép 70 - 80km/h thì dễ rụng càng vì ổ gà, ổ voi xuất hiện bất thình lình, không thể né được. Không hiểu sao người ta toàn đợi đường hư nặng mới chịu cào lên sửa".

Trao đổi thêm về chuyện đường xấu, riêng đoạn tuyến tránh Cai Lậy, ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 - Tiền Giang sửa chữa tuyến tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). 

Theo ông Thành, thời gian qua do mưa nhiều và chủ đầu tư cũng không có kinh phí duy tu nên tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy xuất hiện nhiều chỗ bị hư hỏng gây khó khăn cho xe cộ qua lại.

Ngoài tuyến tránh thị xã Cai Lậy, một số đoạn quốc lộ 1 bị hư hỏng trong thời gian qua cũng đang được các đơn vị tập trung sửa chữa để bà con đi lại được an toàn trong thời gian tới, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới.

Còn về việc đoạn quốc lộ 1 đã làm mới năm 2020 và nay xuất hiện nhiều "ổ gà" không được sửa chữa, ông Thành cũng cho biết sẽ cho người đi kiểm tra và bảo trì ngay.

Quốc lộ 1: Đừng để “ổ gà” hóa “ổ voi” - Ảnh 2.

Tuyến tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) xuất hiện nhiều “ổ gà” gây nguy hiểm cho giao thông - Ảnh: M.TRƯỜNG

Quốc lộ 1 qua miền Trung: phải "trị" dứt điểm

Ông Nguyễn Thanh Nhật, một tài xế xe tải Bắc - Nam, cho biết hiện nay đoạn quốc lộ 1 qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa là tệ nhất. 

"Đặc biệt cả tháng nay, mùa mưa, đoạn quốc lộ 1 qua Phú Yên hư hỏng khá nặng nề, là nỗi ám ảnh của giới lái xe. Năm nào tôi thấy đoạn này cũng phải vá víu nhưng sau đó hư lại hoàn hư. Cần phải có giải pháp gì đó bền vững cho quốc lộ 1" - ông Nhật nói.

Theo ông Trần Đức Trung - phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III - khi dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 hoàn thành năm 2015, thiết kế quốc lộ này tối đa cho 12.000 - 15.000 lượt xe qua lại mỗi ngày đêm. 

Tuy nhiên, hiện nay lưu lượng xe (chỉ tính ôtô) qua lại trên quốc lộ 1 qua Phú Yên mỗi ngày là 17.000 xe, còn thời điểm cao nhất là năm 2019 thì lên đến 18.000 xe/ngày đêm. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Đông - giám đốc Sở GTVT Phú Yên - lại đưa ra con số "giật mình" hơn, là quốc lộ 1 qua tỉnh này mỗi ngày có đến gần 40.000 ôtô các loại qua lại.

"Đối với hệ thống công trình giao thông, một xe quá tải đã cày nát đường rồi, còn đây vừa quá tải về lưu lượng xe, vừa nhiều xe quá tải thì chất lượng đường bị ảnh hưởng, xuống cấp là rõ", PGS.TS Trần Chủng - chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - nói.

Cũng theo ông Chủng, miền Trung có địa chất phức tạp, thời tiết mưa lũ kéo dài, quốc lộ 1 nhiều đoạn ngập nhiều ngày trong lũ, phá vỡ cấu trúc của đường.

Trong khi đó, ông Trần Đức Trung cho biết thêm rằng quốc lộ 1 qua các tỉnh duyên hải miền Trung được đưa vào sử dụng cuối năm 2015, đến nay đã gần 6 năm. 

"Theo quy định thì sau khi hoạt động 4 năm là phải trùng tu. Tuy nhiên, đến nay công tác này vẫn chưa làm, quá thời hạn rồi, nên theo tôi đây là nguyên nhân lớn nhất khiến đường hỏng" - ông Trung nói.

Không có kinh phí trùng tu, vậy quốc lộ 1 qua các tỉnh duyên hải miền Trung sửa chữa kiểu gì cho đảm bảo? Theo ông Trần Đức Trung, hiện nay Cục Quản lý đường bộ III đã trình cho Bộ GTVT đề xuất cấp kinh phí khoảng 493 tỉ đồng để sửa chữa 6 vị trí xung yếu hư hỏng nặng trên quốc lộ 1 qua Phú Yên.

Theo PGS.TS Trần Chủng, việc bề mặt quốc lộ 1 bong tróc, hư hỏng thì vá giống như kiểu người bị sốt thì cho uống thuốc hạ sốt, tức là chỉ trị triệu chứng, trong khi điều cần thiết là phải tìm ra nguyên nhân gây sốt để điều trị dứt điểm. 

"Các công trình giao thông cũng vậy thôi. Bong tróc, hư hỏng, sụp lún là dấu hiệu công trình bị hỏng, phải tìm hiểu sâu nguyên nhân là gì. Thật là bài toán khó nếu bảo đào hết đường lên để sửa, nhưng cần phải biết căn nguyên để có biện pháp phòng ngừa. Ví dụ như đường hỏng, vậy nguyên nhân trực tiếp là lưu lượng xe quá lớn, đường quá tải nên phải có cách giảm tải cho đường bằng cách nâng cấp tiếp hoặc xây dựng đường mới để chia sẻ bớt lượng xe. Còn mưa ngập thường xuyên ở miền Trung thì khi nghiên cứu làm đường phải tính đến giải pháp sao cho thoát lũ quốc lộ nhanh nhất" - ông Chủng đề nghị.

Ông Vũ Hoàng Hà - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định - nói rằng việc chậm đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Bình Định đến Khánh Hòa khiến chỉ một mình quốc lộ 1 "gồng gánh" xe cộ. Điều đó làm con đường thường xuyên quá tải và cứ đến mùa mưa thì hư hỏng khắp nơi, sửa xong chỗ này thì chỗ khác lại hỏng, quốc lộ huyết mạch nhưng rất mong manh.

Muốn giảm tai nạn, phải làm đường tránh

16b

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã phân tải cho tuyến quốc lộ 1, giúp giảm số vụ tai nạn giao thông - Ảnh: T.LỰC

Mỗi năm tại Quảng Trị có hàng chục người chết và bị thương do tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 qua TP Đông Hà. Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng từ khi tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào sử dụng thì số vụ tai nạn liên tục giảm mạnh nhờ xe đường dài không đi vào nội thị.

Vì vậy, tỉnh và người dân mong muốn sớm có đường để giảm tai nạn giao thông.

Ông Lê Đức Tiến, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói tuyến đường tránh nói trên đã triển khai hoàn thành được gần 6km trong tổng số khoảng 22,4km toàn tuyến từ Dốc Miếu (Gio Linh) cắt ra quốc lộ 1 tại huyện Triệu Phong.

Theo ông Tiến, tuyến này được chia làm 2 đoạn. Đoạn 1 bắt đầu từ quốc lộ 9 cắt ra Triệu Phong. Đoạn 2 nối từ Dốc Miếu đến quốc lộ 9. Đoạn 1 đến nay còn vướng 4,2km qua TP Đông Hà. Đoạn 2 hiện đã được bố trí vốn hơn 400 tỉ đồng và dự kiến đến nửa năm sau mới bắt đầu thi công.

"Liên tục thời gian qua, tỉnh cũng nhìn thấy được những bất cập vì không có đường tránh nên đã nhiều lần đề xuất các cơ quan liên quan trình ra trung ương xin cấp nguồn vốn sớm để hoàn thành đoạn 4,2km còn lại. Với tiến độ này, sớm nhất cũng khoảng 2 năm nữa tuyến tránh TP Đông Hà mới hoàn thiện", ông Tiến cho biết.

Trong khi đó tại Đà Nẵng, từ năm 2018 khi tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào vận hành kết nối với đường tránh Nam Hải Vân, các chuyến xe Bắc - Nam đã thôi vào nội thị Đà Nẵng, nhờ vậy tai nạn giao thông trên địa bàn giảm đi nhiều.

Cụ thể, theo báo cáo của Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, số vụ tai nạn giao thông đường bộ cùng số người chết và bị thương tại Đà Nẵng giảm liên tục trong 7 năm qua. Trong đó, giai đoạn 2017 trở về trước, khi chưa đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mỗi năm có từ 110 - 150 vụ tai nạn làm chết từ 70 - 90 người.

Nhưng kể từ năm 2018 đến nay, khi đường cao tốc này đưa vào hoạt động, số vụ tai nạn và số người chết giảm dần đều từ 10 - 12% so với năm liền trước. Năm 2020 chỉ còn 75 vụ với 52 người chết, và đến cuối năm 2021 còn 67 vụ với 37 người chết.

Tuy nhiên, hiện tại tuyến đường tránh qua Đà Nẵng vẫn còn đoạn từ hầm Hải Vân vào ngã tư Túy Loan chưa được thi công đồng bộ khớp nối với đường cao tốc nhiều năm đã xuống cấp trầm trọng.

Hiện trạng nhiều "ổ voi", "ổ gà", không có vạch kẻ đường, biển báo, đèn đường... dễ gây tai nạn. Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng sớm đầu tư đồng bộ đoạn tuyến này hoặc có giải pháp khắc phục trước mắt, để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

QUỐC NAM - TẤN LỰC

Tuyến tránh thị xã Cai Lậy chi chít ổ gà, ổ trâu Tuyến tránh thị xã Cai Lậy chi chít ổ gà, ổ trâu

TTO - Thời gian qua, tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) xuất hiện chi chít “ổ gà” khiến xe qua lại khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người đi đường.

SƠN LÂM - MẬU TRƯỜNG - DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên