21/07/2015 08:23 GMT+7

Quốc kỳ Cuba tung bay trên thủ đô Mỹ

N.QUÂN
N.QUÂN

TT - Sự kiện Mỹ và Cuba chính thức mở tòa đại sứ sáng 20-7 có lẽ sẽ trở thành sự kiện lịch sử lớn nhất trong năm. Không chỉ nhiều người dân hai nước mừng vui mà cả thế giới đều thấy lạc quan.

Quốc kỳ Cuba tung bay bên ngoài tòa đại sứ mới mở cửa ở Washington DC Ảnh: Reuters
Quốc kỳ Cuba tung bay bên ngoài tòa đại sứ mới mở cửa ở Washington DC - Ảnh: Reuters

Lá cờ Cuba được kéo lên lúc 10g30 giờ Washington, ngay tại nơi từng là sứ quán Cuba. Tương tự, theo nghi thức ngoại giao, cùng lúc Cơ quan đại diện quyền lợi Mỹ tại Havana cũng trở lại thành Đại sứ quán Mỹ, nhưng nghi thức thượng cờ Mỹ chỉ diễn ra vào tháng 8 vì còn một số việc phải hoàn tất.

Mọi người đều hi vọng những thù nghịch, chia cắt sau 54 năm sẽ chấm dứt dần. 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng hội đàm với đồng sự Cuba Bruno Rodriguez tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba sau hơn nửa thế kỷ quan hệ hai nước bị đóng băng.

Hai bên sẽ đối thoại về nhiều vấn đề như sức khỏe toàn cầu, việc tiếp cận dịch vụ viễn thông tại Cuba và một số vấn đề còn tồn đọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ.

Đây là cuộc gặp chính thức cấp ngoại trưởng giữa hai nước kể từ ngày 22-9-1958 khi hai ông John Foster Dulles (Mỹ) và Gonzalo Guell (Cuba) gặp nhau.

Đối với nhiều người dân hai nước, dĩ nhiên sự kiện mở tòa đại sứ trở lại phản ánh niềm vui khôn xiết. Theo AFP, bà Rena Perez, 80 tuổi, là một trong số vài trăm người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Cuba, thốt lên: “Tôi cứ ngỡ đến khi mình qua đời thì chuyện này cũng không thể xảy ra”.

Nay bà cụ người Mỹ, đến Havana sống cùng người chồng Cuba đã 56 năm, vẫn còn tinh anh khi nói về những điều sắp xảy ra: “Ở Cuba này còn thiếu đến 700.000 ngôi nhà và người dân chắc chắn sẽ bỏ tiền ra xây dựng. Người Mỹ vốn ưa kiếm tiền thì thể nào cũng kiếm được”.

Một du học sinh Mỹ tại Cuba là Pasha Jackson - 32 tuổi, sang học y tại Havana đã sáu năm - thoáng chút tư lự: “Thật tình mà nói, tôi không biết việc mở lại sứ quán sẽ thay đổi được gì. Nhưng tôi cũng thấy có nhiều hi vọng”.

Anh giải thích có một điều ngược lại anh mong muốn áp dụng ở Mỹ là mô hình bảo hiểm y tế toàn dân của Cuba. “Ở Oakland, bang California quê tôi, nghèo mà mắc bệnh là xem như xong đời. Còn Cuba là một quốc gia nghèo nhưng không có ma túy”.

Ở Cuba, người dân sở tại háo hức không kém. Nhiều người Cuba đổ xô đi học tiếng Anh với mong muốn tiếp cận cơ hội việc làm mới. Với nhiều người dân Cuba đang sinh sống tại Mỹ, việc bình thường hóa ngoại giao là cơ hội để họ trở về quê hương nhiều hơn, gặp gỡ người thân và đặc biệt là giúp đỡ được nhiều hơn.

Đến nay, theo AFP, hằng ngày vẫn có nhiều người Mỹ gốc Cuba từ Mỹ về Havana với lỉnh kỉnh đồ đạc mua tại Mỹ mà họ cho là không thể mua hoặc tìm được tại Cuba.

Trở ngại duy nhất với họ là giá vé máy bay quá cao cho khoảng cách chỉ khoảng 200km giữa hai quốc gia. Vé khứ hồi cho chuyến bay chỉ 45 phút giữa Miami và Cuba đến 500 USD, trong khi vé chuyến bay dài ba giờ giữa Miami và New York chỉ 200 USD!

Nhiều người Mỹ gốc Cuba hi vọng sắp tới vé sẽ rẻ hơn và việc các chuyến phà nối lại thì số người về nhiều hơn, chưa kể số du khách từ Mỹ để “cả chính phủ lẫn người dân Cuba đều có thể hưởng lợi”.

Cờ Cuba và cờ Mỹ đã có dịp tung bay bên cạnh nhau thể hiện sự kết nối ngoại giao giữa hai nước. Ảnh: Reuters

Vì sao Mỹ nhờ Thụy Sĩ làm đại diện?

Sau khi Mỹ và Cuba cắt đứt quan hệ, theo báo Le Temps, phía Mỹ đã nhờ Thụy Sĩ làm đại diện ngoại giao và lãnh sự cho mình tại Havana.

Theo tài liệu ngoại giao của Thụy Sĩ ghi nhận ngày 4-1-1961, tức hai năm sau cuộc cách mạng của lãnh đạo Fidel Castro, ngoại trưởng Mỹ khi đó là Christian Herter đã viết thư cho đại sứ Thụy Sĩ tại Washington là ông August Lindt với nội dung như sau:

“Chính phủ Mỹ sẽ rất biết ơn nếu Chính phủ Thụy Sĩ có thể đảm trách giúp việc đại diện ngoại giao và lãnh sự” cho Mỹ tại Cuba.

Chính quyền Thụy Sĩ có bước đi khá bất ngờ: chấp thuận đề nghị hỗ trợ của Mỹ mà không cần chờ Quốc hội chuẩn thuận và cử ngay một nhóm ngoại giao sang Cuba để tăng cường.

Sự thật là sự lựa chọn Thụy Sĩ làm đại diện có lý do của nó: Thụy Sĩ vốn nổi tiếng với sự trung lập và có kinh nghiệm (đến 200 lần) trong vai trò “đại diện” giúp đến gần 35 quốc gia suốt thời kỳ Thế chiến thứ hai.

Không chỉ đảm trách vai trò đại diện cho Mỹ ở Cuba suốt 54 năm qua (dài nhất trong lịch sử), Thụy Sĩ cũng đảm trách vai trò đại diện quyền lợi cho Cuba tại Washington suốt 24 năm, tính từ năm 1991.

N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên