20/03/2013 11:16 GMT+7

Quốc hội Cyprus bác kế hoạch đánh thuế tiền gửi ngân hàng

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 20-3, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades mở cuộc họp khẩn cấp tìm “phương án B” sau khi Quốc hội Cyprus bác bỏ kế hoạch đánh thuế lên các khoản tiền gửi ngân hàng của người dân.

Cyprus: Dân phản đối đánh thuế tiền tiết kiệmDân Cyprus bức xúc vì tiền tiết kiệm bị đánh thuế

8vjWly0D.jpgPhóng to
Người dân Cyrus biểu tình phản đối thuế đánh lên tiền gửi ngân hàng - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin AFP, hôm qua 19-3 các nghị sĩ Cyprus đã bỏ phiếu bác bỏ khoản thuế đánh vào tiền gửi ngân hàng. Đây là điều kiện mà Cyprus phải chấp nhận để được nhận khoản cứu trợ tài chính 10 tỉ euro (13 tỉ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo yêu cầu của EU và IMF, để nhận tiền cứu trợ Cyprus phải tự huy động 5,8 tỉ USD. Do đó chính quyền Cyprus đưa ra kế hoạch đánh thuế 9,9% đối với tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng ở nước này. Kế hoạch trên đã bị dân Cyprus giận dữ phản ứng. Chịu áp lực quá lớn, chính quyền Cyprus điều chỉnh tỉ lệ thuế.

Theo đó, các tài khoản trên 100.000 euro chịu mức thuế 9,9%, tài khoản từ 20.000 - 100.000 euro chịu mức thuế 6,75%. Tài khoản dưới 20.000 euro không bị đóng thuế. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này vẫn bị dư luận phản ứng.

Trong cuộc bỏ phiếu hôm qua, các nghị sĩ Quốc hội Cyprus mô tả đây là hành vi “tống tiền” của EU và IMF. Tổng cộng 36 nghị sĩ đã bỏ phiếu chống quy định thuế mới, 19 bỏ phiếu trắng và không ai bỏ phiếu ủng hộ.

AFP cho biết Tổng thống Anastasiades tuyên bố ông hoàn toàn tôn trọng quyết định của Quốc hội và tiết lộ ông đã trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin để được tư vấn. Ở Cyprus có rất nhiều người Nga đến gửi tiền.

Ông Anastasiades cho biết đang tìm kiếm một giải pháp mới để được nhận cứu trợ từ EU và IMF. Theo Reuters, bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro vẫn cho biết sẽ tìm cách hỗ trợ Cyprus.

Tuy nhiên Đức, quốc gia đòi hỏi các điều kiện nghiêm ngặt để giải cứu Cyprus, tuyên bố lấy làm tiếc về quyết định của Quốc hội Cyprus. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cảnh báo Cyprus sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu không có hành động gì cụ thể.

“Để một kế hoạch giải cứu có hiệu quả, chúng ta cần một cách thức đáng tin cậy để xác định Cyprus có thể tiếp cận lại với các thị trường vốn. Hiện tại nợ công của Cyprus quá cao. Nước này cần phải giảm nợ” - ông Schaeuble nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng Cyprus. Theo ECB, điều chính quyền Tổng thống Anastasiades cần làm lúc này là đưa ra một đề xuất có hiệu quả.

Nguồn tin Reuters cho biết chính quyền Cyprus đang tính toán một số cách khác để huy động 5,8 tỉ euro, bao gồm những cách như phát hành trái phiếu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thu hút thêm đầu tư từ Nga.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michalis Sarris đã đến Matxcơva để đề nghị chính quyền Nga nới rộng thời hạn trả nợ. Năm 2011, chính quyền Nga ra hạn trả khoản nợ 2,5 tỉ euro mà Cyprus đang ôm với lãi suất ưu đãi 4,5%. Tuy nhiên ông Sarris muốn Nga gia hạn trả nợ đến năm 2016 hoặc 2020 với mức lãi suất thấp hơn.

Do lo ngại hệ thống ngân hàng cạn vốn, chính quyền Cyprus đã ra lệnh đóng cửa các ngân hàng cho đến ngày mai 21-3. Thị trường chứng khoán Cyprus cũng bị đóng cửa trong khoảng thời gian này.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên