Người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales ở thủ đô La Paz ngày 21-11 bị cảnh sát chống bạo động bắt giữ. Các cuộc biểu tình có tính chất bạo động diễn ra trong nhiều tuần qua đã khiến hàng chục người thiệt mạng - Ảnh: REUTERS
Dự luật được cả hai viện Quốc hội Bolivia thông qua nhanh chóng trong ngày 23-11 và sẽ được gửi lên Tổng thống lâm thời Jeanine Anez. Bà Anez dự kiến ký văn kiện này thành luật.
Trong số các điều khoản của dự luật có việc hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 20-10 và cho phép tiến hành cuộc bầu cử mới.
Ngoài ra, dự luật cũng không cho phép người từng giữ chức tổng thống 2 nhiệm kỳ được tái tranh cử vị trí người đứng đầu đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc cựu Tổng thống Morales sẽ không thể ứng cử trong cuộc bầu cử tới.
Trong tuần qua, một thành viên cấp cao của Đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS), hiện đang chiếm đa số tuyệt đối tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện Bolivia, cũng khẳng định cựu Tổng thống Evo Morales và cựu Phó tổng thống Alvaro Garcia Linera sẽ không phải là các ứng cử viên của đảng này trong những cuộc bầu cử sắp tới ở Bolivia.
Cựu Tổng thống Evo Morales sau khi buộc phải từ chức do sức ép của giới tướng lĩnh quân đội, đã sang Mexico tị nạn chính trị từ ngày 12-11 vừa qua.
Người dân Bolivia xếp hàng nhận gas ở El Alto, ngoại ô thủ đô La Paz ngày 23-11 - Ảnh: REUTERS
Những động thái nhắm vào việc cáo buộc ông Evo Morales cũng đang được tiến hành. Ngày 20-11, Bộ trưởng Nội vụ Arturo Murillo đã đệ đơn kiện cựu Tổng thống Morales lên tòa án tại La Paz, với các tội danh "xúi giục nổi loạn và khủng bố" sau khi cáo buộc ông Morales kêu gọi người biểu tình tiếp tục phong tỏa các tuyến đường, gây cản trở việc vận chuyển lương thực và nhiên liệu tới thủ đô của Bolivia.
Bộ trưởng của Bolivia đã công bố với truyền thông đoạn ghi âm mà ông cho là giọng của Morales trong đó nói "Đừng để lại phần lương thực nào trong các thành phố, chúng ta sẽ ngăn chặn và bao vây các thành phố" để xem như bằng chứng kết tội.
Phát biểu với báo giới, ông Murillo cho biết đã trình đơn kiện lên các công tố viên liên bang tại La Paz, đồng thời khẳng định chính quyền lâm thời đang tìm kiếm mức phạt cao nhất cho các tội danh nhằm vào ông Morales.
Người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales trước trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Buenos Aires, Argentina ngày 22-11. Họ lên án sự can thiệp của Mỹ vào chính trường Bolivia - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó phía Nga nhận định bạo động tại Bolivia là do thế lực bên ngoài muốn gây bất ổn khu vực.
Ngày 23-11, ông Sergey Naryshkin - giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga - cho biết ông tin rằng tình hình tại Bolivia giống với cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela và là do một âm mưu nhằm gây bất ổn đất nước Mỹ Latin gây ra.
Khi được hỏi về nguyên nhân gây ra bạo động tại Bolivia, ông Naryshkin cho rằng đây là kết quả của một âm mưu nhằm gây bất ổn khu vực. Việc này giống như những gì đã diễn ra tại Venezuela.
Theo người đứng đầu cơ quan tình báo trên, Mỹ có liên quan tới cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Bolivia. Ông Naryshkin cho rằng cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ không được giải quyết sớm.
Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga cũng nhấn mạnh rằng Washington cần một cuộc khủng hoảng chính trị để thay đổi "hướng đi chính trị trong nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận