10/11/2024 11:30 GMT+7

Quincy Jones và 33.000 ngày dùng đến rách bươm cuộc sống

Ai có thể lên báo thẳng thừng gọi The Beatles là 'những nghệ sĩ âm nhạc tệ nhất thế giới'? Có lẽ người có thể nói lời như vậy mà không lo nhận bão phẫn nộ trên đời duy nhất có Quincy Jones.

Quincy Jones và 33.000 ngày dùng đến rách bươm cuộc sống - Ảnh 1.

Quincy Jones - Ảnh: Reuters

Với những ai chưa biết Quincy Jones là ai, bộ phim tiểu sử mà hai người con của ông thực hiện năm 2018 và giành giải Phim âm nhạc hay nhất tại Grammy năm 2019, đã gói gọn sự nghiệp lẫy lừng của ông trong phần vĩ thanh:

"Có hơn 2.900 ca khúc được thu âm, hơn 300 album được thu âm, làm nhạc cho hơn 51 bộ phim điện ảnh và truyền hình, sáng tác hơn 1.000 nhạc phẩm, đề cử Grammy 79 lần và đoạt giải 28 lần...".

Ngoài Quincy Jones, còn ai được nữa?

Ai là người đứng đằng sau đoạn riff chơi trên synthesizer hòa quyện cùng tiếng đàn bass dồn dập mà đầy bí ẩn như bước chân của bóng tối đang ập vào bủa vây lấy nạn nhân trong ca khúc kinh điển Smooth Criminal đưa Michael Jackson thành ông vua nhạc pop?

Ai là người đã đưa vào nét nhạc bass ẩn hiện lấp ló trên nền nhạc ca khúc Billie Jean (cũng của Michael Jackson) và đồng thời phá vỡ tất cả mọi ranh giới thể loại của R&B, funk, disco, pop? Chính là Quincy Jones.

We Are The World

Ai là nhạc trưởng cho "dàn đồng ca" lấp lánh như dải ngân hà với nào là Bob Dylan, Stevie Wonder, Michael Jackson, Willie Nelson, Paul Simon, Bruce Springsteen, Tina Turner, Cyndie Lauper... để họ cùng hòa giọng trong giai điệu kết nối thế giới đại đồng, We Are the World - một khoảnh khắc văn hóa đại chúng đỉnh cao, nơi âm nhạc tỏa sáng như một vị thần giáng trần cứu giúp con người?

Ngoài Quincy Jones, còn ai được nữa?

Bởi chỉ Quincy Jones mới có khả năng hiệu triệu chừng ấy tên tuổi cùng quy tụ lại với nhau. Nếu nói Quincy Jones giống như một người bạn, một người anh lớn của mọi nhà, chắc cũng chẳng sai.

Ông làm việc 70 năm.

Trong 70 năm ấy, ngành công nghiệp âm nhạc đã thay da đổi thịt biết bao lần: Khi Jones là chàng trai đôi mươi, đó là thời thịnh trị của các big band nhạc jazz; đến những năm 1960 là sự trỗi dậy của soul và rock; thập niên 1970 - 1980 là dòng nhạc disco sặc sỡ, xập xình; và rồi sau đó là cuộc soán ngôi của hip hop.

Nhưng dường như với Jones, âm nhạc là âm nhạc và chẳng có gì là tân nhạc hay cổ nhạc.

Năm 1963, thời điểm các nghệ sĩ rock 'n' roll nước Anh bắt đầu làm chao đảo nước Mỹ thì Quincy Jones đưa pop vào những bản jazz standard, giúp nghệ sĩ piano jazz Count Basie thực hiện album This Time by Basie, đưa dòng nhạc jazz tưởng đã thoái trào trở lại tiêu điểm âm nhạc.

Thế rồi, cùng với nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin, ông biến soul thành một thứ gì đó khác hẳn trong Aretha Now, chẳng còn chỉ phụ thuộc vào cấu trúc 12 ô nhịp của Blues mà thêm thắt cả những yếu tố cổ điển như những dàn nhạc dây, từ đó mở rộng biên thùy của dòng nhạc này.

Vậy mà đến khi làm việc với Michael Jackson trong Off The Wall, một trong những album quan trọng nhất trong thế kỷ 20, ông lại một lần nữa hóa trang cho soul, chỉ là với những thanh âm thời thượng như disco, như funk.

Ông jazz hóa nhạc pop và pop hóa nhạc jazz. Nhưng nhiều người pop hóa dòng nhạc phức tạp ấy và vô tình làm tầm thường hóa chúng.

Còn sự vĩ đại của Quincy Jones nằm ở chỗ ông pop hóa thể loại này song không thỏa hiệp làm tầm thường hoá chúng. Ông chỉ mở ra những khả thế khác cho âm nhạc.

Tôi sẽ dùng đến rách bươm hết

Năm Frank Sinatra chớm bước tuổi già, Sinatra gặp Jones khi ấy vẫn còn trai tráng, và chính nguồn năng lượng ngùn ngụt của Jones đã giúp Sinatra có một bản phối Fly Me To The Moon phấn chấn, tươi tắn, vượt thời gian.

Bản phối ca khúc ấy đã đưa tiếng hát Sinatra trở thành tiếng hát đầu tiên được phát trên Mặt trăng khi tàu Apollo 11 hạ cánh xuống thiên thể này năm 1969.

Trong bộ phim tài liệu Quincy, Jones tính toán: "Con người ta chỉ sống có 26.000 ngày. Và cho bạn biết, tôi sẽ dùng những ngày ấy đến rách bươm thì thôi. Nếu tôi sống đến 80 tuổi thì sẽ là 29.000 ngày. Tôi sẽ dùng đến rách bươm hết".

Quincy Jones mất tuần trước, thọ 91 tuổi. Ông có tận hơn 33.000 ngày, và đến những năm 2020, ông vẫn còn nhận lời tham gia MV của những ngôi sao rap thế hệ mới như Travis Scott. Ông chắc chắn đã làm đúng lời hứa của mình, đã sống 33.000 ngày kiệt cùng không sót một ngày.

Nhìn những con số choáng váng ấy là đủ biết Quincy Jones không chỉ là nhà sản xuất âm nhạc vĩ đại bậc nhất, ông còn là một người khổng lồ, theo đúng nghĩa đen.

Quincy Jones và 33.000 ngày vắt kiệt - Ảnh 2.Quincy Jones, ông trùm làng giải trí Mỹ từng hợp tác với Michael Jackson, qua đời ở tuổi 91

Quincy Jones, ông trùm làng giải trí Mỹ từng hợp tác với nhiều ngôi sao từ Frank Sinatra đến Michael Jackson và Will Smith, qua đời ở tuổi 91.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên