Hình ảnh học sinh trực nhật, làm vệ sinh lớp lâu nay vắng bóng trong nhiều trường học - Ảnh: M.H. |
Tuy nhiên, cái lợi chưa thấy đâu nhưng những hệ lụy của “sáng kiến” này thì đã rõ ràng.
Có lẽ từ khi có trường học thì học sinh bao thế hệ ở Việt Nam ai cũng từng làm một công việc gần như mặc định là trực nhật quét lớp. Đây là việc làm không đơn thuần là nghĩa vụ mà còn là tình cảm đạo đức đối với trường lớp thân yêu của mình.
Sâu xa hơn, đó chính là một nội dung giáo dục về đạo đức nhân cách làm người, về kỹ năng sống và thật sự xứng đáng là một truyền thống, một nét văn hóa đẹp trong trường học.
“Đề tài sáng kiến kinh nghiệm”
Câu chuyện nước Nhật Được biết ở Nhật Bản, hằng ngày đến trường mỗi học sinh (từ cấp tiểu học) phải cùng giáo viên làm vệ sinh trường lớp trong vòng 45 phút. Thời gian 45 phút bằng một tiết học, có thể gọi là giờ học lao động, học giữ vệ sinh và bảo vệ môi trường. Có lẽ nhờ vậy mà người Nhật lớn lên ai cũng hiểu cặn kẽ phải bảo vệ môi trường, thích vệ sinh sạch sẽ cho bản thân và ở nơi công cộng. |
Khoảng chục năm nay, khi đời sống vật chất của nhân dân ta có khá hơn đôi chút, hiệu trưởng một số trường phổ thông trên địa bàn cả nước - không chỉ là những trường ở các thành phố, thị xã mà có cả những trường vùng ven, vùng sâu điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn - đã có chủ trương thu thêm một loại phí đối với học sinh gọi là phí vệ sinh để thuê người quét lớp (cả học chính khóa và học thêm).
Nhiều người tự hào cho đây là một ý tưởng mới mẻ, thậm chí có vị hiệu trưởng còn đưa nội dung này vào đề tài sáng kiến kinh nghiệm về công tác quản lý trường học của mình!
Cái lý của các vị hiệu trưởng này đưa ra là: việc quét lớp làm ảnh hưởng đến thời gian học tập của các em, nhất là học sinh cuối cấp; làm bẩn quần áo, đổ mồ hôi, mệt... không tiếp tục học được; số tiền phụ huynh phải nộp thêm không nhiều; giáo viên chủ nhiệm đỡ phải phân công học sinh và kiểm tra, giám sát việc học sinh trực nhật; nhà trường đỡ tốn tiền mua chổi, ky, sọt rác cho mỗi lớp...
Đại loại theo họ là có rất nhiều cái lợi đằng sau việc thuê người quét lớp. Và không phải là tất cả nhưng phần lớn phụ huynh đồng tình với sáng kiến này, rồi theo nguyên tắc “đa số thắng thiểu số”, chủ trương được “nhất trí cao”, nên trong cục tiền đầu năm tất cả phụ huynh phải gồng thêm một loại phí mới là tiền thuê người quét lớp thay cho con em mình.
Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh rằng sáng kiến trên của một số hiệu trưởng chỉ có hại cả về trước mắt lẫn lâu dài.
Mất cơ hội giáo dục kỹ năng sống
Cái hại trước mắt dễ thấy là làm cho học sinh nhanh chóng bắt nhịp với tâm lý “có tiền là có quyền”, đã đóng tiền thuê người quét lớp nên các em chẳng những có quyền không phải quét lớp mà còn có quyền xả rác một cách thoải mái.
Mặc dù những người được thuê quét dọn cũng thực hiện tốt công việc của mình sau hai buổi học sáng - chiều nhưng chỉ ngay sau 15 phút đầu giờ mỗi buổi học trên sân trường, ở các lối đi, trên các hành lang, các sảnh, cầu thang, gốc cây, chậu cảnh... đã xuất hiện rác tức thì. Ở lớp học, chỉ cần sau tiết học đầu tiên trong hộc bàn đã đầy những vỏ hộp sữa, bao bì bọc bánh kẹo, vỏ chai nước, giấy vụn...
Vì đã thuê người quét lớp nên không còn có chuyện lớp phải phân công tổ - học sinh thay phiên nhau trực nhật, quét lớp, do đó mặc nhiên thủ tiêu sự “đấu tranh nội bộ” để bảo đảm vệ sinh suốt buổi học mà ngược lại, giờ đây ai cũng vô tư, không hề thấy khó chịu, chướng mắt trước cảnh người khác xả rác.
Giáo viên cũng rất lúng túng khi vào tiết mà lớp đầy rác vì không biết xử lý như thế nào cho hợp lý, nếu dừng việc giảng dạy để buộc cả lớp phải nhặt rác thì mất thời gian, cháy giáo án, phê vào sổ rằng lớp mất vệ sinh thì chẳng có tác dụng thực tế. Còn trách phạt sẽ gặp bí khi các em bảo “em đã đóng tiền thuê người quét lớp rồi” và điều này hoàn toàn có thể bị phụ huynh... kiện!
Cứ như vậy, trường lớp triền miên không sạch mà đối với nhà trường, trong ba tiêu chí “xanh - sạch - đẹp” thì xem ra sạch giữ vị trí trung tâm và cơ bản nhất, là tiêu chí đầu tiên phải thực hiện. Có thể chưa xanh, chưa đẹp nhưng bắt buộc phải sạch.
Sâu xa, việc thuê người quét lớp sẽ hết đường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, dẫn đến những hệ lụy đáng buồn cho mục tiêu giáo dục và đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện mà ta đang phấn đấu.
Thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần nghĩ lại việc đồng tình với sáng kiến thuê người quét lớp. Trực nhật làm vệ sinh lớp là nhằm mục đích tập cho các em quen dần với lao động, có ý thức tôn trọng thành quả lao động của chính bản thân mình, biết giữ gìn vệ sinh chung trong lớp học, không xả rác bừa bãi trong lớp, trong trường...
Mất năm mười phút để làm vệ sinh lớp học nhưng bù lại các em nhận được biết bao nhiêu điều tốt đẹp từ cuộc sống và trưởng thành hơn. Khi trực tiếp lao động, các em sẽ hiểu rõ hơn thành quả lao động, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh. Cùng bè bạn quét lớp là dịp để các em biết cách chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, bỏ dần thói quen sống ích kỷ.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không phải là cái gì đó quá cao siêu mà kỹ năng sống bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất trong gia đình và trong trường học: quét dọn nhà cửa, lớp, bàn ghế, sân trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận