Ngày 2-10, ông Đỗ Quang Khôi - trưởng Phòng Khảo thí và Công nghệ thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - cho biết trong tuần này sẽ trình phương án thay đổi hình thức tuyển sinh vào lớp 10 từ xét tuyển bằng thi tuyển để UBND tỉnh phê duyệt.
Nếu được thông qua thì lần đầu tiên sau 11 năm xét tuyển, toàn bộ học sinh THCS tại Quảng Nam lên lớp 10 sẽ phải thi như cách làm của đa phần các tỉnh trên cả nước.
Các tỉnh thi tuyển, Quảng Nam vẫn "làm khác"
Theo phương án mới, đầu năm Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam sẽ phân bố chỉ tiêu lớp 10 cho từng trường THPT công lập. Trong năm học 2024-2025 các trường sẽ tuyển vào lớp 10 không quá 75% số học sinh tốt nghiệp THCS. Năm học 2025-2026 sẽ tăng lên 70%.
Đáng chú ý, mỗi học sinh sẽ được đăng ký tối đa hai nguyện vọng vào hai trường khác nhau. Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được đăng ký nguyện vọng 2. Trong quá trình đăng ký nguyện vọng 1, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cập nhật số lượng hồ sơ đăng ký của mỗi trường THPT để học sinh được biết.
Trước 10 ngày tổ chức thi, học sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng để đăng ký vào trường phù hợp.
Thời gian thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên dự kiến diễn ra cùng đợt với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khối trường nội trú và trường chuyên.
Các môn thi sẽ bao gồm ngữ văn, toán, tiếng Anh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, nếu được UBND tỉnh thông qua, dự kiến năm học 2024-2025 sẽ có khoảng 25.000 thí sinh là học sinh học lớp 9 tham gia kỳ thi. Chi phí cho kỳ thi này được thiết kế gần 7 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu, hiện cả nước có 44 tỉnh tổ chức thi tuyển vào lớp 10, chỉ 8 tỉnh chọn phương thức xét tuyển như cách Quảng Nam đang duy trì. Ngoài ra 11 tỉnh chọn phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
"Xét tuyển sẽ nảy sinh chạy chọt, học thêm, làm đẹp hồ sơ"
Trong bản giải trình về phương án thay đổi hình thức tuyển sinh vào lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho rằng việc xét tuyển lên lớp 10 được làm từ năm học 2012-2013 đến nay.
Trước 2017-2018, hầu như toàn bộ học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển sinh vào lớp 10 công lập nên việc xét tuyển là hợp lý.
Tuy nhiên tới năm 2018 thì nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Nam đặt ra mục tiêu "đến năm 2020 có ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp". Do đó, việc tiếp tục xét tuyển bắt đầu bộc lộ sự bất cập.
"Việc xét tuyển dựa trên học bạ của 4 năm THCS nên việc đánh giá, xếp loại học sinh chưa đúng thực chất; không tránh khỏi việc giáo viên, nhà trường luôn mong muốn cho học sinh của mình có kết quả cao để được vào học lớp 10 THPT công lập.
Từ đó làm cho học sinh thiếu động lực học tập; không đảm bảo được sự khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại học sinh trong nhà trường và giữa các trường với nhau" - ông Đỗ Quang Khôi nói.
Một lý do khác, theo ông Khôi, là việc xét tuyển theo phân tuyến hiện nay thì mỗi học sinh chỉ có cơ hội duy nhất vào trường công lập. Những học sinh có kết quả học tập tốt nếu không trúng tuyển vào trường theo phân tuyến tuyển sinh thì không còn cơ hội nào để vào học lớp 10 THPT công lập, trong khi điểm xét tuyển có thể đủ để trúng tuyển vào những trường khác.
Bên cạnh đó, việc xét tuyển theo phân tuyến tạo nên sự mất cân đối, có trường thì lượng hồ sơ quá nhiều trong khi trường lại quá ít.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, tổ chức thi tuyển vào lớp 10 sẽ lựa chọn được những học sinh có năng lực thật sự để tiếp tục học THPT. Kết quả thi cũng sẽ là cơ sở để các trường THCS tự nâng cao chất lượng, giúp việc đánh giá thực chất hơn. Qua đó sẽ hạn chế và ngăn ngừa các tiêu cực trong dạy học.
Cần đưa lịch sử, địa lý… vào các môn thi lên lớp 10
Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam ngay khi đưa ra đã nhận được sự đồng tình của đa số các trường học, chính quyền và ngành giáo dục của 18 huyện thị xã. Theo ông Đỗ Quang Khôi, tỉ lệ đồng thuận "là 100%".
Lãnh đạo một số trường THPT và phòng giáo dục và đào tạo các huyện cho rằng việc thi tuyển là sự thay đổi cần thiết, không chỉ chặn việc "làm đẹp" hồ sơ của học sinh trong 4 năm học THCS mà cũng hạn chế nạn dạy thêm học thêm tràn lan.
Tuy nhiên một số đơn vị cũng góp ý về cơ cấu môn thi theo hướng thay vì chỉ các môn tự nhiên thì cần thiết kế thêm các môn xã hội như lịch sử, địa lý…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận