27/11/2011 07:33 GMT+7

Quàng Công giữ hồn người Thái

VŨ THỦY - DŨNG TUẤN
VŨ THỦY - DŨNG TUẤN

TT - Quàng Công là một người Kinh ở Thái Bình, lên mảnh đất Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) xa xôi hẻo lánh không phải với ý định lập nghiệp mà chỉ muốn thời trai trẻ của mình đem cái chữ cho trẻ con ở bản làng Thái. Và cái duyên với người Thái ở Chiềng Hặc đã níu giữ ông suốt 50 năm.

NFrMfcOm.jpgPhóng to

Nửa thế kỷ ở Chiềng Hặc, ông Quàng Công có thể thổi những điệu sáo của người Thái rất thuần thục - Ảnh: Vũ Thủy

Theo Quàng Công vào bản nhỏ núp giữa những tán cây râm mát, người ở bản tíu tít chào ông: “Ma ò xtay” (Chào thầy giáo). Những cái vẫy tay, những nụ cười. Cứ ngỡ ông là một già làng người Thái.

Người có công họ Quàng

Quàng Công là tên người Thái đặt cho ông, chứ tên khai sinh của ông là Đào Quang Tố. Cái tên được cắt nghĩa đơn sơ như chính tâm hồn người Thái: Công là người có ơn, có công với họ, Quàng là cái họ cha ông bao đời người Thái đã mang.

"Tôi không có ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa. Những việc tôi làm chỉ vì tiếc cho sự mai một về văn hóa"

Ông Đào Quang Tố

Những năm 1960, cùng lớp lớp thanh niên xung phong đi xây dựng các tỉnh vùng núi phía Bắc, Đào Quang Tố đến với những bản làng Thái hoang sơ và những đứa trẻ sống hồn nhiên như cây cỏ ở Chiềng Hặc khi vừa tròn 20 tuổi. Thế nhưng ngồi trước mặt tôi bây giờ là một ông già đã 70 tuổi. Thầy giáo Tố ngày xưa vẫn ở lại nơi đã dạy học cách nay 50 năm, lập gia đình, sinh con.

Lớp học ngày ấy là cái gầm nhà sàn tối tăm, ẩm thấp, ghế là những cây tre tạm bợ. “Giáo án đều trong đầu thầy giáo cả”, bởi sách giáo khoa không có, phấn bảng phải dùng cả than củi. Thầy và trò phải lăn lộn cật lực mới nối được những con chữ cho liền vần. Vở cứ dùng hết lại ngâm nước cho phai mực, hong nắng khô cong rồi viết tiếp. Năm ấy Mỹ bắn phá miền Bắc dữ dội, cây cầu trước bản Tà Vài bị oanh tạc bằng cơn mưa bom làm tan nát. Nhưng lớp học quyết không chịu ngừng lại. Thầy trò đào hầm, đưa nhau vào hầm tối để mót từng con chữ.

“Hồi ấy học chữ lại không khó bằng chuyện vận động học trò đi học. Tôi thành người Thái cũng là do bất đắc dĩ thôi” - Quàng Công nửa đùa nửa thật. Ông phải tìm cách nói chuyện với thầy mo, thầy cúng, gầy dựng từng chút một sự tin tưởng trong họ. Phép vua thua lệ làng! Ông khản tiếng thuyết phục cũng không bằng thầy cúng phán một câu. Ông dựa vào họ để vận động trẻ nhỏ trong bản đến lớp. Rồi cũng trong những buổi nói chuyện vận động ấy, người Thái dần đưa ông vào một thế giới đầy huyền thoại, dịu ngọt, ly kỳ như cổ tích của họ. Ông bỗng yêu quý mảnh đất này!

“Hồi đó tôi sống như người Thái. Cả một mùa ăn cháo bí đỏ, khoai lang luộc. Đến cả cái món cứt dê non, đậu thối cũng ăn quen” - Quàng Công nói. Những khó khăn cứ trôi qua cùng bao thế hệ học trò nối tiếp nhau. Không ít trẻ bản làng ngồi trong lớp học khó nghèo của ông giờ đã thành lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện. Tính cách Thái thấm vào tâm hồn ông lúc nào không hay. Rồi ông yêu một cô bé học trò người Kinh theo cha mẹ lên mảnh đất này lập nghiệp. Ngoảnh đầu nhìn lại đã gắn bó đến gần cuối đời người với mảnh đất này.

Pho từ điển sống của người Thái

Không biết có phải do có sẵn cái duyên với người Thái hay không mà thầy giáo Tố học tiếng Thái nhanh lắm. Thầy dạy tiếng Việt cho trò, còn trò dạy thêm cho thầy tiếng Thái. Dần dần thầy nói chuyện với thầy mo, thầy cúng cứ như người trong bản. Đến giờ, có một Quàng Công nói tiếng Thái còn nhiều hơn cả tiếng Kinh.

Mang cái chữ đến cho trẻ con bản làng, tiếng là mang ánh sáng văn minh nhưng Quàng Công bảo “có sống như người Thái, có niềm tin hồn nhiên như người Thái mới được họ đón nhận”. Những gì người Thái tôn sùng, sợ hãi, ông cũng thành kính tuân theo. Thầy mo, thầy cúng tin ông, dân bản tin ông.

Hôm đưa chúng tôi vào trong bản Tà Vài, ông già Quàng Công lớn tuổi nhưng xăng xái lắm. Ông bước lên những cây cầu nhỏ bắc qua suối rồi thoăn thoắt leo lên những bậc thang nhà sàn. Tôi hỏi cô Quàng Thị Khốm về lịch sử cây cầu Tà Vài trước bản, cô cứ lắc đầu và cười cười. Nhưng Quàng Công thì rõ mồn một mọi chuyện. Ông thuộc nhiều sự tích, nhiều truyện cổ của người Thái, lời bài cúng trong lễ hội cầu mưa, cả những bài hát Thái mà đến thanh niên Thái bây giờ cũng không biết. Các nữ anh hùng người Thái đã chiến đấu giữ cầu Tà Vài những năm chống Mỹ ông cũng thuộc tên, biết tuổi từng người.

Quàng Công chưa từng có ý định trở thành nhà nghiên cứu văn hóa Thái và cũng chưa bao giờ cho mình là nhà nghiên cứu văn hóa. Ban đầu chỉ là những chuyện xưa cũ của người Thái khiến ông mê đắm. Cái gì ông cũng hỏi, lâu lâu lấy ra “đãi” khách xa tới thăm bản.

Những câu chuyện ấy ông nghe, ghi chép từ các thầy mo, người già; còn lớp trẻ người Thái bây giờ chỉ mê cái tivi, cái đầu video, cái điện thoại di động... Vì thế, ông lo giùm người Thái về một tương lai khó tránh khỏi nạn mai một văn hóa của dân tộc Thái.

Vậy là ông tỉ mẩn đi nhặt nhạnh lại những gì đã nghe, đã biết, làm thành những công trình nghiên cứu. Ông lại mang đến các cơ quan văn hóa tỉnh để chứng nhận những phong tục, tín ngưỡng đặc trưng của người Thái. Đồ nghề của ông đủ cả máy ảnh, máy ghi âm như một nhà báo mỗi khi đi hỏi han về một phong tục đặc sắc nào đó. Đến độ giờ vào bản, nhiều người cứ chào ông: “Nhà báo đến chơi” để ông phải ngại ngùng lắc đầu xua tay: “Không phải đâu. Cứ gọi là thầy giáo thôi”.

Tính đến giờ, sau bao nhiêu năm ky cóp, gia tài văn hóa Thái của ông đã kha khá. Những công trình nghiên cứu công phu về tục làm nhà, ma chay, cưới hỏi, ở rể của người Thái... đã được ông sưu tầm khá đầy đủ. Quàng Công thuyết phục dân bản phục dựng lễ hội cầu mưa đã mai một của người Thái làm thành một bộ phim tài liệu. 70 tuổi, ông cặm cụi sưu tập bộ chữ cổ của người Thái Yên Châu vốn chỉ được dạy cho chức sắc bản và dạy lại cho người Thái. Ông bảo rất nhiều bài cúng, bài lễ, thần thoại của người Thái được thầy mo, thầy cúng gìn giữ, ghi chép bằng chữ Thái cổ, là cả kho văn hóa cổ truyền của người Thái. Không thể đợi đến lúc những văn bản ấy hư nát hết, phải đọc cho ra.

Ngồi nghe Quàng Công kể chuyện người Thái cả ngày cũng không chán. Nghe ông kể về sự tích trái bí xanh của người Thái, có cảm tưởng như đang nghe một già làng người Thái kể điển tích dân tộc mình. Những câu chuyện chưa từng được ghi vào sách vở nào: “Xưa người và hổ mắt sáng như nhau. Hổ chuyên đi săn các loài vật khác khiến trăm giống loài khiếp sợ. Thần linh sợ con người mắt sáng lại có trí khôn sẽ hung ác hơn hổ nên thổi bụi bặm làm cho mắt người mờ đi. Bấy giờ có một loại quả dài đến lăn lên mặt người. Quả đó được gọi là quả bí xanh. Để lau cho mắt người sáng hơn nên quả bí có lông”. Hay chuyện Ma Khú (ma sống dưới nước), Pá Heo (rừng ma), anh hùng diệt Ma Khú trên dòng Huổi Lắc... Bao nhiêu huyền thoại, tích truyện về bản nhỏ phủ đầy không khí thần thoại.

Chạm tuổi thất tuần, mái đầu ông vẫn chưa chịu bạc vì bộ óc bên trong còn thanh xuân và tràn trề những ý tưởng.

Một người đặc biệt...

Nhắc đến ông Đào Quang Tố, những người làm công tác văn hóa huyện Yên Châu đều biết. Ông là người có uy tín ở những bản làng người Thái, có thể tập trung các già làng, trưởng bản để nghe họ nói về một phong tục, tập quán. Ở đâu có lễ hội là ở đó có mặt ông.

Anh Lê Hồng Phong, trưởng Phòng văn hóa huyện Yên Châu, nói: ”Ông Đào Quang Tố là một người đặc biệt say mê tìm hiểu văn hóa của người dân tộc bản địa, nhất là dân tộc Thái Đen. Nhiều công trình nghiên cứu của ông mang ý nghĩa rất to lớn trong việc lưu giữ, bảo tồn những phong tục tập quán đặc sắc của người Thái. Công trình Lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái Đen đã được Viện Văn hóa trung ương và Hội Văn hóa dân gian nghiệm thu. Mới đây nhất, bộ chữ Thái cổ Yên Châu do ông sưu tầm, biên soạn đã được Phòng văn hóa huyện Yên Châu công nhận. Ông Tố cũng là người đứng ra vận động thành lập chi hội văn hóa của huyện và hiện là chủ nhiệm chi hội”.

VŨ THỦY - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên