Nhiều chuyên gia cho rằng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác - Ảnh: Q.NAM
Trước hội nghị xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2023 diễn ra ngày hôm nay 17-1, tỉnh Quảng Bình đã đưa 62 dự án vào danh mục cần kêu gọi đầu tư. Đây được xem là động thái tích cực để tỉnh này "hồi sinh" sau liên tiếp dịch bệnh và mưa lũ.
Du lịch mở đường cho nhà đầu tư
Trong năm 2020 vừa qua, thống kê của Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình cho thấy số lượt khách lưu trú trên địa bàn chỉ ở mức hơn 523.000, giảm hơn 45% so với năm 2019.
Trong đó, khách quốc tế giảm đến hơn 76% lượt khách. Con số này kéo theo sự sụt giảm đáng kể của nguồn thu từ ngành du lịch dịch vụ - ngành vốn được Quảng Bình xác định là nguồn thu chủ lực trong những năm qua.
Tuy nhiên, ông Phan Phong Phú, giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Bình, cho rằng chỉ nên nhìn những con số này để thêm quyết tâm hơn trong năm 2021 bởi chủ yếu do nguyên nhân khách quan, từ dịch bệnh liên tục và bão lũ triền miên. Trong thực tế, Quảng Bình có đủ mọi yếu tố để phát triển du lịch.
Ngoài hệ thống hơn 400 hang động trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp ven biển, tỉnh này còn có hệ thống hạ tầng vô cùng thuận lợi để phục vụ phát triển du lịch. Do đó, Quảng Bình sẽ tiếp tục xác định du lịch và các ngành dịch vụ đi kèm là "lối mở" cho việc phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai gần.
Cùng với bốn khu du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư và một số dự án du lịch nghỉ dưỡng khác được ký biên bản ghi nhớ đầu tư ngay trong hội nghị xúc tiến đầu tư, Quảng Bình còn kêu gọi đầu tư thêm 12 dự án du lịch khác.
"Từ vùng biển hoang sơ ở phía đông Lệ Thủy đến vẻ đẹp như tranh dọc sông Gianh ngược lên Tuyên Hóa cho đến những thác nước như tiên cảnh ở Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch đều cần những nhà đầu tư có đẳng cấp. Khai thác hết những tiềm năng này,Quảng Bình hi vọng vươn lên sau một năm dịch bệnh và mưa lũ", ông Phú kỳ vọng.
Đặc biệt, với sự độc đáo và đa dạng của mình, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vừa được UNESCO lần thứ 2 công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng và giá trị.
"Theo quy hoạch, vườn sẽ đón 3 triệu du khách/năm nhưng mới đón 1,8 triệu lượt khách đã "chật chội". Phải tạo ra các sản phẩm du lịch mới để vừa phát huy tối đa giá trị di sản, vừa khai thác được lợi ích từ Phong Nha - Kẻ Bàng, cũng lại vừa đảm bảo lợi ích, đảm bảo môi trường", một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nói.
Phối cảnh dự án khu đô thị của Tập đoàn Sơn Hải vừa được tỉnh Quảng Bình cấp chủ trương đầu tư - Ảnh: Q.NAM
Phục vụ, hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ đầu
Là nhà đầu tư mới, ông Lê Đức Hạnh, giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm, đã trải nghiệm và hiểu rõ nhất sự thay đổi môi trường đầu tư trong hành trình 4 năm thực hiện dự án khôi phục giống sâm Bố Chính trên đất Quảng Bình.
Theo ông Hạnh, để khôi phục thành công giống sâm này là một hành trình dài. Và ông đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan ban ngành của Quảng Bình, nhất là 2 năm lại đây. "Đó là sự thay đổi nhìn thấy rõ.
Thủ tục hành chính liên quan đều được giải quyết rất nhanh. Các chính sách ưu đãi cũng được áp dụng cụ thể như miễn giảm thuế đất, hỗ trợ đầu tư ban đầu. Đây chính là "chìa khóa" mở ra thành công cho việc phục hồi sâm Bố Chính như hiện nay", ông Hạnh nói.
Theo ông Phan Phong Phú, ngoài những lợi thế về mặt địa lý, điều kiện tự nhiên, việc nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đổ vốn vào Quảng Bình còn do những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư của địa phương trong thời gian gần đây, đó là những thay đổi về mặt thủ tục hành chính cũng như các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi xây dựng dự án tại địa phương này.
"Quảng Bình có hệ thống giao thông thuận lợi như tuyến quốc lộ 1A, hai nhánh đường Hồ Chí Minh đông và tây, đường sắt Bắc - Nam, ga Đồng Hới, sân bay Đồng Hới và cảng biển Hòn La rất thuận tiện trong việc đi lại và giao lưu trao đổi hàng hóa. Nhưng điều hấp dẫn với nhà đầu tư nhất chính là môi trường đầu tư đã được không ngừng cải thiện", ông Phú nói.
Ngoài việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình còn có chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng đối với các dự án trọng điểm có tính đột phá, các dự án khác thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.
"Mỗi nhà đầu tư đến chính là đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, cũng chính là đóng góp cho việc cải thiện đời sống của người dân. Vì vậy tỉnh đã quán triệt với các cơ quan ban ngành liên quan phải tạo điều kiện hết sức, hỗ trợ hết sức, đặc biệt là trong các chính sách ưu đãi cũng như thông thoáng trong thủ tục hành chính", ông Phú cho biết.
Ngoài lĩnh vực du lịch, trong số 62 dự án được tỉnh Quảng Bình kêu gọi đầu tư lần này còn có 16 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 22 dự án công nghiệp - năng lượng - thương mại, 12 dự án phát triển kết cấu hạ tầng.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình còn trao quyết định đầu tư cho 13 dự án và ký biên bản ghi nhớ đầu tư với 21 dự án khác. Tổng số vốn đầu tư của các dự án thuộc hai danh mục này lên đến hơn 4,1 tỉ USD (gần 95.000 tỉ đồng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận