30/09/2013 15:00 GMT+7

Quảng Bình, Quảng Trị tơi bời trong cuồng phong Wutip

LÊ ĐỨC DỤC - QUỐC NAM - THÁI LỘC - VĂN ĐỊNH - LAM GIANG - TẤN VŨ – ĐĂNG NAM - TIẾN LONG   
LÊ ĐỨC DỤC - QUỐC NAM - THÁI LỘC - VĂN ĐỊNH - LAM GIANG - TẤN VŨ – ĐĂNG NAM - TIẾN LONG   

TTO - "Bão đang tới. Tan nát" - PV Lê Đức Dục lạc giọng trong gió rít từ Đông Hà (Quảng Trị). "Gió giật cấp 9-10 dữ dội, xe máy không đi được" - Thái Lộc, Lam Giang báo tin từ Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 14g30 chiều 30-9... Những thiệt hại nặng nề đã có: hàng trăm nhà đổ sập, tốc mái, ghe thuyền tan vỡ...

Hàng loạt thông tin dồn dập âu lo từ anh em PV, CTV báo về từ vùng tâm bão số 10 (Wutip).

Tại các vùng ven biển như Cửa Tùng, Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) sóng biển dậy sóng quật liên hồi vào bờ cao hơn 3 mét. Toàn huyện Vĩnh Linh đã mất điện từ sáng.

Toàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị cúp điện, chia cắt. Bà con nghe tin bão qua radio dùng năng lượng pin.Trên quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Lệ Thủy xế chiều 30-9 hầu như không một bóng người. Gió biển rít khủng hoảng. Không gian mịt mù.

Đến 14g30 ngày 30-9, dù bão chưa vào bờ nhưng địa bàn huyện Lệ Thuỷ có gió cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, nhiều xã trong huyện đã bước đầu bị thiệt hại nặng nề.

Cần nhắc nhở nhân dân chú ý tâm bão. Ở Đà Nẵng chúng tôi năm 2006 khi tâm bão đi vào thì trời quang không có gió. Lúc đó mọi người ra khỏi nhà xem thiệt hại thì bất ngờ bão ập tới. Tình trạng này rất nguy hiểm

Bạn đọc Nguyễn Khánh Long

Theo ông Phạm Hữu Thảo, phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, đến thời điểm này, trước mắt xã Ngư Thuỷ Bắc đã có hơn 200 nhà tốc mái. Hơn 300 ngôi nhà khác của xã Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỳ Nam cũng trong tình cảnh tương tự.

Rất nhiều thôn xã thuộc các xã đồng bằng và vùng gò đồi huyện này liên tục báo thiệt hại về trung tâm huyện. Trường THCS An Thuỷ có hai cây xà cừ lớn ngã đổ đè lên mái làm cho nhà đa chức năng bị hỏng nặng. Tuyến đường 565 nối từ Cam Liên đến đường Hồ Chí Minh bị chia cắt hoàn toàn bởi hàng chục cây lớn đổ ngã chắn ngang đường…

Mực nước sông Kiến Giang dâng lên rất nhanh, đến 14g30 cao gần 2m.

* Từ huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình), đến13g ngày 30-9, toàn huyện đã di dời 586 hộ dân đến nơi an toàn, gần 800 nhà dân khác cũng neo buộc nhà cửa kỹ càng, tập kết trâu bò lên chỗ cao, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống đủ dùng 10 ngày. Nhiều thuyền máy, đò và ca nô được huy động sẵn sàng đối phó bão.

Lúc 14g30, quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Quảng Trị, kéo dài ra Đông Hà, qua Gio Linh, Hồ Xá, Quảng Trạch đến thành phố Đồng Hới chìm trong mù mịt mưa.Từng dãy phố im ỉm không bóng người. Trên quốc lộ những đoàn xe không thể tiếp tục lưu thông đã khựng lại hai bên đường. Những chiếc xe cố gắng chạy thoát khỏi tâm bão bị gió quật chao đảo như người say rượu trên đường.

Nhiều chiếc xe máy bị bỏ lại trên đường trong khi chủ nhân của nó tìm những nơi an toàn để trú ẩn. Đất trời xám xịt, tối sầm. Từng trận gió quật liên hồi dưới mưa dày đặc. Những thân cây to bị bắt đầu gãy đổ, những tàn cây bị gió phạt đứt ngang tung bay khắp các mặt đường. Quốc lộ 1A ngổn ngang cây cối. Trong những cây xăng từng đoàn xe tải trú ẩn, những chiếc xe đậy bạt bị gió cuốn sạch. Những mái tôn của các căn nhà tạm ven đường bắt đầu bay liệng phần phật trong gió. Những biển quảng cáo đổ ngổn ngang trên các đồng ruộng. Nhiều căn nhà ở Cam Thủy, huyện Quảng Trạch bắt đầu đổ sập, nhiều người la khóc trong tiếng gió rít.

Những cành tre, trúc, dừa cúi gập đầu xuống mặt đất vì gió. Tiếng mái tôn xô xác, tiếng gió rít đanh tai bắt đầu nổi dậy. Những cành cây bắt đầu bị tuốt lá chỉ còn trơ cành đứng trơ mình hứng gió. Trước đó, điện lưới đã hoàn toàn bị cắt. Mọi phương tiện liên lạc bắt đầu bị đứt, sóng điện thoại chập chờn sắp tắt.

Có mặt tại vùng biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), PV Tiến Long đang cho biết bão đã ở gần bờ biển, mưa to gió lớn mịt mù. Ngoài trời chỉ thấy một màn mưa xối xả và gió gầm rú.

Lúc 15g, gió giật mạnh mẽ hơn, cây cối đổ ngẩn ngang khắp bốn phía. Sóng biển tràn lên đập vỡ nhiều chiếc thuyền, dù đã được ngư dân kéo lên bãi cát cao. Một số nhà dân đã bị gió thổi tốc mái. Có tiếng người kêu cứu trong mưa. Sóng điện thoại rất yếu, sóng 3G mất hoàn toàn.

Từ Đồng Hới, PV Lam Giang cho hay mưa gió đã bắt đầu dữ dội, cây cối ngã khắp các đường phố, không còn một bóng người trên đường, điện đã cúp hoàn toàn. Mưa to và gió gầm rú nên phải gào lớn thì mới nghe qua điện thoại được. Sóng dâng cao khiến nước sông Nhật Lệ lên nhanh, đã ngập hết các nhà ven sông.

ZayPgnrs.jpgPhóng to
Gió bão xuất hiện ở cảng Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm sóng biển đánh cao 6-7m. Ảnh: Văn Định
z8dfe4zl.jpgPhóng to
Cây đổ chắn ngang làm tuyến đường quốc phòng ven biển Vĩnh Linh bị chia cắt. Ảnh: Quốc Nam
GNQfXf1E.jpgPhóng to

Những tấm tồn trên mái của UBND huyện Lệ Thuỷ đang sắp bung, cuốn theo bão. Ảnh: THÁI LỘC

coWrR3Mx.jpgPhóng to
Hai bà Lê Thị Khánh và Nguyễn Thị Xuân (thôn Tường Vân, Triệu An, Quảng trị) đang ăn vội bữa trưa tại nơi tránh bão ngày 30-9. Ảnh: Lê Đức Dục

Tại Hà Tĩnh, ông Bùi Lê Bắc, chánh văn phòng Ban phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, cho biết đến đầu giờ chiều 30-9, Hà Tĩnh đã có gió bão giật cấp 5, cấp 6, đặc biệt ở Kỳ Anh có gió bão giật cấp 9, 10, mưa lớn.

Trưa 30-9, theo ghi nhận chúng tôi tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã có mưa bão. Đi xe từ thị trấn Kỳ Anh xuống cảng Vũng Áng, cây cối hai bên đường bị gió bão quật gãy ngổn ngang, không còn bóng ai trên đường. Một số quán hàng nằm dọc đường bị gió đánh tốc mái, bảng hiệu bị gió cuốn bay hàng chục mét.

Tại cảng Vũng Áng, gió bão thổi mạnh. Sóng biển đánh vào bờ cao từ 6-7m. Toàn bộ dãy quán hàng nằm bên bờ cảng bị gió, sóng đánh sập, tốc mái hoàn toàn.

Qua điện thoại, ông Nguyễn Đình Vinh, chủ tịch xã Kỳ Nam (Kỳ Anh), cho biết hiện nay ở xã này đã xuất hiện gió bão giật cấp 8, 9 quật gãy rất nhiều cây cối, người dân đã được sơ tán an toàn.

* Ở Huế, cửa biển Thuận An (thuộc xã Hải Dương) từ trưa 30-9 gió bão thổi rất mạnh kèm mưa lớn khiến hàng loạt cây ở ven biển gãy đổ, sóng biển cao 3-4m dồn dập quật liên hồi vào bờ. Tuyến đường 49 qua phá Tam Giang bị nước lũ ngập hơn 0,5m. Công an đã lập chốt chặn đường cấm các phương tiện qua lại tại xã Hương Phong.

Ngay tại thành phố Huế, gió mạnh khiến nhiều cây cổ thị trên đường phố ngã đổ ngổn ngang.

Theo bản tin trung tâm khí tượng thủy văn trung ương lúc 13g ngày 30-9, ven biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam có gió giật cấp 6-7. Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 – 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16. Biển động dữ dội. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6 – 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

*********************

Tin bài liên quan:

Huế, Đà Nẵng trưa 30-9: sóng 3-4m quật liên hồi vào bờSóng 3m cửa Tùng, Phó thủ tướng ra Quảng Trị chống bãoBão số 10 đang giật cấp 15, 16 cách Hà Tĩnh - Huế 200kmMiền Trung di dời hàng ngàn hộ dân tránh bão số 10Bão số 10: Trung Bộ gió mạnh, mưa to từ sáng 30-9

LÊ ĐỨC DỤC - QUỐC NAM - THÁI LỘC - VĂN ĐỊNH - LAM GIANG - TẤN VŨ – ĐĂNG NAM - TIẾN LONG   
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên