Ngư dân ở TP Đồng Hới giằng néo tàu thuyền chống mưa bão số 8 - Ảnh: L.G.
Từ 16h hôm nay, 13-10, UBND tỉnh ban lệnh cấm toàn bộ tàu thuyền ra khỏi các cửa sông như Nhật Lệ, Roòn, Gianh, Lý Hòa… cho đến khi hết mưa bão và không còn cảnh báo rủi ro.
Tại các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão lớn như cửa Gianh (huyện Bố Trạch), Nhật Lệ (TP Đồng Hới), các đội y tế lưu động đã túc trực để thực hiện xét nghiệm nhanh và khai báo y tế đối với toàn bộ ngư dân khi đưa tàu thuyền vào neo đậu.
Tính đến 15h ngày 13-10, toàn bộ 6.697 tàu thuyền hoạt động trên biển đã neo đậu an toàn tại các khu tránh bão ở tỉnh và các tỉnh bạn.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình cũng điều động 46 tàu, xuồng, xe kéo xuồng và 16 máy icom cầm tay cùng hệ thống phao cứu sinh, đồ cứu hộ, cứu nạn… sẵn sàng ứng cứu các vùng ngập sâu, vùng có lũ quét.
Toàn tỉnh có 21 điểm có nguy cơ sạt lở cao đã được các địa phương lên kế hoạch và sẵn sàng sơ tán 499 hộ dân với 1.912 người đến nơi an toàn.
Chính quyền các địa phương có quốc lộ 1 đi qua như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch cũng cử người túc trực để đón người dân từ các tỉnh phía Nam về quê đi qua tỉnh về nơi trú mưa bão. Đồng thời cung cấp miễn phí suất ăn và các nhu yếu phẩm trong những ngày lưu trú tránh bão tại tỉnh.
Các điểm dễ sạt lở mái taluy dương trên tuyến quốc lộ 12A từ huyện Tuyên Hóa đi lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hóa) đã được các đơn vị giao thông, địa phương bố trí người trực gác…
Các phương án bảo vệ kè ven biển khi nước biển dâng được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu ở mức cao nhất trước khi bão số 8 đổ bộ - Ảnh: QUỐC NAM
Chiều cùng ngày, ông Đoàn Ngọc Lâm, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, đã cùng các lực lượng liên quan đến kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị chống bão số 8 tại vùng ven biển xã Cảnh Dương và âu thuyền tránh bão thuộc huyện Quảng Trạch.
Huyện này giáp với tỉnh Hà Tĩnh, là nơi có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão số 8 tại Quảng Bình vì gần đường di chuyển của bão nhất. Tại xã Cảnh Dương, việc giằng néo nhà cửa khu vực giáp biển được tỉnh Quảng Bình yêu cầu cao nhất.
Ngoài ra, việc neo đậu hơn 500 tàu thuyền của xã thuần biển này cũng được yêu cầu kiểm tra lại lần cuối cùng thật chắc chắn, để đảm bảo mức an toàn cao nhất khi bão đổ bộ.
Một vấn đề cũng quan trọng không kém là đảm bảo an toàn cho các tàu hàng ở khu vực cảng Hòn La. Cảng này cũng giáp Hà Tĩnh.
Trước đây nhiều lần tàu hàng neo ở khu vực này khi bão vào đã bị va đập làm thiệt hại. Để giảm nguy cơ, ông Lâm yêu cầu các tàu hàng ở đây phải di chuyển vào cảng Gianh, ở phía nam để tránh bão.
Các phương án bảo vệ kè biển cũng được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương lưu tâm nhất trước bão.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận