Đại diện nhà sản xuất Hành trình rực rỡ cho biết các tập đều được đầu tư chỉn chu, cố gắng khai thác nhiều góc độ những nét đẹp, nét hay của văn hóa Việt để trao gửi đến khán giả.
Diễn viên Trường Giang - một trong các nghệ sĩ tham gia chương trình - từng tâm sự "đây là show cực nhất" về quảng bá văn hóa, ẩm thực. Nhưng không phải khán giả nào cũng đồng tình với ý này.
Sản xuất chương trình quảng bá văn hóa rất khó
Trước khi bắt tay vào sản xuất Hành trình rực rỡ, đội ngũ biên tập và sản xuất chương trình cho biết họ mất cả năm tìm hiểu, nghiên cứu nhiều định dạng của nước ngoài về khai thác văn hóa dân tộc để xây dựng kịch bản của Việt Nam.
Với quan niệm "quảng bá văn hóa là phải đúng, chính xác để truyền tải tình yêu nước, sự tự hào dân tộc đến khán giả", ê kíp Hành trình rực rỡ dành nhiều tâm huyết và chi phí đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, khi sản xuất chương trình, nhà sản xuất cho biết gặp không ít khó khăn.
Đầu tiên là việc lựa chọn điểm đến, nét văn hóa đặc trưng của từng địa điểm để khai thác sao cho đúng, cho hấp dẫn.
Thứ hai, dàn nghệ sĩ tham gia cũng phải đảm bảo việc truyền tải văn hóa bằng nhiều "ngôn ngữ" để mọi đối tượng, độ tuổi đều có thể tiếp cận được.
Mặt khác, dàn cast cần phải có sức khỏe phù hợp để có thể vừa vận động vừa khám phá.
Hành trình trưởng thành và tiến bộ của mỗi thành viên qua các trải nghiệm, vượt qua thử thách trong suốt chương trình cũng là điểm nhấn quan trọng mà khán giả muốn xem.
Khó khăn thứ ba có thể kể đến khâu tổ chức vì đa số các điểm đến xa trung tâm, khó tiếp cận về mặt địa lý.
Những hoạt động văn hóa lớn cần tái hiện như đám cưới người Dao, đờn ca tài tử, võ cổ truyền xuất quân của nghĩa quân Tây Sơn, văn hóa chợ nổi miền Tây, múa Khmer, múa sử thi của người Ê Đê... đều khiến ê kíp mất rất nhiều thời gian tìm đúng người hiểu và hướng dẫn để tái hiện cho đúng.
Ngoài ra, những điểm đến khó khăn như đỉnh Yên Tử, đỉnh Fansipan, đỉnh Bà Nà... gây bất tiện trong di chuyển đạo cụ, máy quay, thiết bị với ê kíp gần 150 người.
Thứ tư, công tác hậu kỳ cũng không ít khó khăn vì mỗi lần ghi hình dữ liệu khá nhiều, mất nhiều thời gian chọn lọc và dựng phim.
Dù mỗi tập nhà sản xuất đều phải chi đậm, nhưng những tập đầu tiên trên YouTube, lượng xem không cao như mong muốn. Đối tượng chương trình mong muốn tiếp cận nhiều là giới trẻ, trong khi đó, khán giả đo được xem trên VTV3 lại từ trên 35 đến 65 tuổi.
Không có mẫu số chung
Nhà sản xuất của Hành trình rực rỡ chia sẻ: "Truyền tải văn hóa đơn thuần bằng việc tái hiện là không hiệu quả mà phải hiểu cách giới trẻ tiếp cận văn hóa như thế nào mà xen lẫn việc tái hiện với việc thử thách để truyền tải được câu chuyện văn hóa.
Lẽ ra thông điệp cần rõ ràng, mạch lạc, không nên ẩn ý quá nhiều, không nên đưa quá nhiều thông điệp vào một tình huống.
Bên cạnh đó cần tạo câu chuyện trong suốt chuyến hành trình đến vùng đất đó để khán giả có sự tò mò. Kinh nghiệm rút ra của riêng chúng tôi, khách mời và cách tổ chức sản xuất là yếu tố tiên quyết cho sự hứng thú của khán giả".
Đơn cử, trong tập 8 của Hành trình rực rỡ, Gin Tuấn Kiệt và Puka vào vai chú rể, cô dâu tái hiện đám cưới ở miền Tây.
Tập này nhận được sự hưởng ứng của rất đông khán giả, với hơn 10 triệu lượt xem trên YouTube.
Có lẽ nét đẹp trong văn hóa đám cưới ở miền Tây khi được giới thiệu một cách cụ thể, gần gũi, quen thuộc, cùng sự tung hứng hài hước của các nghệ sĩ đã làm nên nét duyên của tập này.
Hay như khi chương trình đưa khán giả về miền Tây tìm hiểu nghệ thuật cải lương - một nét văn hóa được người dân Nam Bộ gìn giữ, tiếp nối qua bao thế hệ trong tập 7 với hơn 7,5 triệu lượt xem trên YouTube. Hai tiết mục Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga và Nửa đời hương phấn đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Trong 21 tập phát sóng vừa qua, Hành trình rực rỡ chưa gây tranh cãi khi khai thác về văn hóa. Bởi lẽ ở mỗi điểm đến, ê kíp sản xuất làm việc trực tiếp với sở văn hóa, thể thao và du lịch của các tỉnh thành để được giới thiệu những chuyên gia, cố vấn về văn hóa vùng miền.
"Ngoài ra, chương trình cũng tìm đến những chuyên gia, nghệ sĩ hàng đầu về các lĩnh vực nghệ thuật và mời họ tham gia cố vấn, trình diễn, làm giám khảo cho những phần thử thách" - đại diện nhà sản xuất nhấn mạnh.
Hiện tại nhà sản xuất của Hành trình rực rỡ đang trong giai đoạn đánh giá thành bại mùa 1, lắng nghe ý kiến khán giả, ý kiến từ các chuyên gia để rút kinh nghiệm và xây dựng những nội dung cho những mùa sau (nếu có).
Nhân danh văn hóa đừng để kém duyên
Các chương trình khám phá văn hóa, du lịch, ẩm thực trước đây nghiêng nhiều về việc khám phá những địa điểm hấp dẫn, các món ăn ngon và những mẹo về kỹ năng du lịch...
"Ăn gì? đi đâu? chơi gì?" là ba câu hỏi thường được trả lời trong chương trình và cũng là yếu tố quyết định tạo nên sự thành công cho thể loại này.
Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ các nội dung tương tự trên YouTube như hiện nay, các nhà đài đang chuyển trọng tâm sang các tình huống thực tế hơn như khai thác sự tương tác giữa những người nổi tiếng khi tham gia chương trình.
Việc mời nghệ sĩ góp mặt trong các chương trình về văn hóa, ẩm thực ngày càng trở nên phổ biến như là một cách gây sự chú ý với khán giả.
Năm 2023, màn ảnh nhỏ Việt không thiếu những chương trình khám phá văn hóa du lịch. Có một số chương trình được đầu tư cao như 2 ngày 1 đêm, Hành trình kỳ thú - Let's Feast VN, Check in Việt Nam, Hành trình rực rỡ...
Tuy nhiên, điều đọng lại trong khán giả về cảnh đẹp, con người chưa nhiều mà chủ yếu là những màn tung hứng của các nghệ sĩ, sự quẩn quanh những gương mặt nghệ sĩ cũ và những màn quảng cáo lồng ghép kém duyên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận