Sau 15 năm đào tẩu, doanh nhân Yan Yongmin bị bắt ở New Zealand ngày 12-11-2016 và bị áp giải về Bắc Kinh - Ảnh: THX
Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc dự kiến sẽ áp dụng hình thức xét xử vắng mặt trong các vụ án hình sự liên quan đến các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài.
Ngày 25-4, các thành viên Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã được thông báo như trên trong quá trình xem xét dự án sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự.
Xem xét sửa đổi luật
Ông Trầm Xuân Diệu, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cho biết hình thức xét xử vắng mặt sẽ được áp dụng trong các vụ án tham nhũng liên quan đến các nghi can và các bị can đã trốn ra nước ngoài.
Ông cho biết cuộc truy lùng quốc tế đối với bọn đào tẩu và thu hồi tài sản thất thoát của Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng kể từ đại hội đảng lần thứ 18 (năm 2012) và rất được người dân Trung Quốc đồng tình.
Ông giải thích biện pháp mới về xét xử vắng mặt dự kiến sẽ được thực hiện nhằm mục đích củng cố pháp luật trong nỗ lực truy bắt bọn tham nhũng ôm tài sản đào thoát ra nước ngoài ẩn náu.
Trước đó vào cuối tháng 4-2017, lần đầu tiên Ủy ban Kiểm tra kỹ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố thông tin chi tiết liên quan đến 22 nghi can tham nhũng đào tẩu ở nước ngoài.
Thông tin gồm họ và tên, giới tính, số thẻ căn cước, các chức vụ đã qua, các hành vi sai phạm, ngày đến nước tiếp nhận, số hồ sơ đi nước ngoài, tên đường nghi can đang cư trú ở nước ngoài.
Các nghi can ở độ tuổi từ 33 đến 75 tuổi, bao gồm 10 người ở Mỹ, 5 người ở Canada, 4 người ở New Zealand và 3 người ở Úc, Anh và Saint Kitts. Trong số này người đào tẩu ra nước ngoài sớm nhất vào năm 1998.
Tất cả 22 người này đều có tên trong danh sách "truy nã đỏ" 100 nghi can bị truy nã gắt gao nhất của cảnh sát hình sự quốc tế Interpol.
Còn hơn 800 nghi can đào tẩu ở nước ngoài
Theo Sách trắng của Trung Quốc, từ năm 2014 đến giữa tháng 10-2017 đã có 3.453 người đào tẩu được đưa về Trung Quốc từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số tài sản bất hợp pháp được thu hồi trị giá đến 9,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,44 tỉ USD).
Còn theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỹ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc công bố trên trang web của cơ quan này, trong năm 2017 đã có 1.300 công dân Trung Quốc đào tẩu đã bị bắt ở nước ngoài hoặc bị giải về Trung Quốc và 980 triệu nhân dân tệ (khoảng 151 triệu USD) tài sản thất thoát đã được thu hồi.
Trong số này có 347 người là đảng viên hoặc viên chức nhà nước và 14 người có tên trong lệnh truy nã đỏ 100 nghi can của Interpol. Ủy ban Kiểm tra kỹ luật Trung ương ghi nhận còn hơn 800 nghi can phạm các tội phạm về chức vụ đang đào tẩu ở nước ngoài, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng.
Khoảng 70% trong số này đang ẩn náu tại Mỹ, Úc, Canada, New Zealand. Nhiều người đã được hưởng quy chế cư trú ở nước sở tại.
Tỉ phú Quánh Văn Qúy trong căn hộ sang trọng ở New York - Ảnh: AFP
Trung Quốc xem trùm bất động sản Quách Văn Quý là nghi can tham nhũng đào tẩu có tên trong danh sách truy nã đỏ của Interpol. Trong khi đó, Quách Văn Quý đang xin tị nạn chính trị tại Mỹ.
Sau hơn hai năm rời Trung Quốc, tháng 4-2017 Quách Văn Quý đến New York cư trú cùng với vợ trong căn hộ sang trọng trên tầng 18 một khách sạn ở khu Manhattan.
Tại Trung Quốc, tài sản của Quách Văn Quý đã bị tịch biên, hai người anh em của ông bị bắt. Trước khi đào tẩu bản thân ông đã từng bị giam trong 22 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận