24/04/2025 11:03 GMT+7

Quan sát được ngoại hành tinh 'hấp hối' với 'đuôi sao chổi' dài 9 triệu km

Các nhà thiên văn học vừa quan sát được quá trình 'hấp hối' của một ngoại hành tinh, khi nó dần hóa thành bụi dưới sức nóng khủng khiếp của ngôi sao chủ, để lại 'đuôi sao chổi' dài tới 9 triệu km.

hành tinh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa ngoại hành tinh đang tan rã BD+05 4868 Ab - Ảnh: Jose-Luis Olivares, MIT/REUTERS

Theo các nhà thiên văn học, BD+05 4868 Ab là một hành tinh đá nhỏ, nằm cách Trái đất khoảng 140 năm ánh sáng, ẩn mình trong chòm sao Pegasus. 

Kích thước của BD+05 4868 Ab nhỏ hơn sao Thủy nhưng lại lớn hơn Mặt trăng, quay quanh một ngôi sao lùn cam - một "người anh em" nhỏ bé, lạnh lẽo và mờ nhạt hơn Mặt trời của chúng ta. 

Dù chỉ sở hữu 70% khối lượng và đường kính, cùng với 20% độ sáng của Mặt trời, ngôi sao chủ vẫn đủ nóng để thiêu đốt bề mặt hành tinh ở khoảng cách cực gần - chỉ bằng 1/20 khoảng cách từ sao Thủy tới Mặt trời.

Cứ 30,5 giờ, BD+05 4868 Ab hoàn thành một vòng quay "tử thần" quanh ngôi sao chủ. Trong mỗi vòng quay nghiệt ngã ấy, hành tinh này "trút bỏ" một lượng vật chất khổng lồ, tương đương với khối lượng của đỉnh Everest hùng vĩ, vẽ nên một vệt bụi khoáng chất khổng lồ, uốn lượn quanh ngôi sao như một dải lụa mỏng manh đang dần tan biến trong không gian bao la.

Nhiệt độ bề mặt của BD+05 4868 Ab được ước tính lên tới 1.600 độ C, đủ để biến toàn bộ lớp vỏ ngoài của hành tinh này hóa thành dung nham nóng chảy. Dưới tác động của nhiệt lượng khủng khiếp, vật chất trên bề mặt bốc hơi, tạo thành các hạt bụi li ti trôi dạt trong không gian và nguội dần, tạo nên "đuôi sao chổi" kỳ ảo.

Ông Marc Hon - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Vật lý thiên văn và Nghiên cứu không gian Kavli thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đồng thời là tác giả chính của công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Astrophysical Journal Letters - chia sẻ: "Chúng tôi dự đoán hành tinh này sẽ hoàn toàn tan rã trong khoảng 1 triệu năm nữa - một cái chớp mắt trong thước đo thời gian vũ trụ".

Điều đáng chú ý là quá trình "hủy diệt" này đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Ông Hon giải thích: "Khi càng nhiều vật chất của hành tinh biến thành bụi, tốc độ tan rã càng tăng nhanh. Đây là một quá trình không thể đảo ngược - một cái chết trong vũ trụ đã được dự báo trước".

Hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được thành phần khoáng chất chính xác của vệt bụi, nhưng họ ước tính kích thước của các hạt bụi dao động từ kích thước của hạt muội than cỡ lớn đến những hạt cát mịn. 

Hành tinh "hấp hối" này được phát hiện nhờ phương pháp chuyển tiếp - đo độ mờ sáng của ngôi sao khi hành tinh đi qua trước mặt, nhờ kính viễn vọng không gian TESS của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng sức mạnh của Kính viễn vọng không gian James Webb để tiến hành phân tích sâu hơn về thành phần hóa học của đuôi bụi. Đây được xem là cơ hội hiếm hoi để con người có thể "nhìn thấu" cấu tạo bên trong của một hành tinh đá ngoài Hệ Mặt trời, từ lớp vỏ, lớp phủ cho đến tận lõi.

Quan sát được ngoại hành tinh 'hấp hối' với 'đuôi sao chổi' dài 9 triệu km - Ảnh 3.Phát hiện gió siêu thanh trên hành tinh ngoài Hệ Mặt trời

Cơn gió siêu thanh với vận tốc 33.000km/h di chuyển dọc theo đường xích đạo của hành tinh WASP-127b được mô tả là nhanh nhất từng phát hiện trên các hành tinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên